Lỗ hổng trong quản lý chương trình mua sắm vũ khí của Nhật Bản

05:30' - 21/11/2019
BNEWS Kết quả kiểm tra sổ sách của Chính phủ của Kiểm toán Nhà nước Nhật Bản cho thấy các vấn đề nghiêm trọng trong cách Tokyo mua sắm vũ khí do Mỹ chế tạo và thanh toán cho các hợp đồng mua sắm vũ khí này.
Máy bay chiến đấu F-35 tại căn cứ không quân Misawa ở tỉnh Aomori, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/ TTXVN

Theo nhật báo Asahi, có hàng loạt khoản chi tiêu lãng phí và lỗ hổng trong việc quản lý nguồn vốn công của Nhật Bản. Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước Nhật Bản đối với các tài khoản của Chính phủ được đệ trình lên Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 8/11 có các tiết lộ đáng chú ý về hoạt động mua sắm vũ khí của Nhật Bản theo chương trình bán hàng quân sự cho nước ngoài (FMS) của Mỹ.

Theo FMS, Nhật Bản phải thanh toán trước cho các hợp đồng mua sắm vũ khí theo các con số mà Mỹ ước tính. Sau đó, số tiền cụ thể sẽ được điều chỉnh sau khi vũ khí được giao. Phía Mỹ có xu hướng nâng số tiền mà Nhật Bản phải ứng trước nhờ vị thế tốt hơn trong giao dịch mua bán vũ khí này.
Theo báo cáo kiểm toán, có 85 trường hợp hàng đã không được giao theo đúng thời hạn vào cuối tháng 3/2018. Tổng giá trị của các đơn hàng chưa được giao theo đúng thời hạn này là 34,9 tỷ yen (319 triệu USD). Bên cạnh đó, có 568 trường hợp số tiền cụ thể phải thanh toán chưa được điều chỉnh, với những lý do như chưa nhận được hóa đơn với tổng số tiền thanh toán là 106,8 tỷ yen.
Về nguyên tắc, việc điều chỉnh số tiền cụ thể phải thanh toán theo FMS được xử lý trong vòng 2 năm sau khi giao hàng. Tuy nhiên, có tới gần 50% trong số các trường hợp liên quan tới các thương vụ mua sắm mà hàng đã được giao nhận trong vòng 2 năm trở về trước chưa được điều chỉnh số tiền phải thanh toán.
Do vũ khí không phải là sản phẩm thông thường, giá cả vũ khí cần phải hợp lý chừng nào chúng vẫn được mua bằng tiền của người nộp thuế. Việc giao hàng và điều chỉnh số tiền phải thanh toán cần phải được thực hiện theo đúng thời hạn quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, các lợi ích của Mỹ được ưu tiên dẫn tới thiệt hại cho Nhật Bản. Các hợp đồng không công bằng như vậy tạo ra sự bất mãn trong công chúng Nhật Bản.
Ngoài các nội dung trên, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những vấn đề tương tự trong quá khứ, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Giá trị của các hợp đồng mua sắm vũ khí chưa được giao hàng theo đúng hạn cao gấp đôi so với con số trong tài khóa 2013-2016. 
Thậm chí, có trường hợp thiết bị điện tử cho chiến đấu cơ không được giao theo đúng thời hạn và phải thay bằng một thiết bị cho máy bay khác vẫn đang bảo dưỡng. Trên thực tế có một trường hợp trong đó Bộ Quốc phòng Nhật Bản không hủy lệnh mua đối với một mặt hàng ngay cả sau khi bộ này đã được phía Mỹ thông báo rằng họ đã ngừng sản xuất mặt hàng này.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy Bộ Quốc phòng đã không có thỏa thuận với phía Mỹ về việc miễn phí quản lý hợp đồng, vốn chiếm 1,2% trong tổng chi phí mua sắm theo FMS. Khoảng 20 quốc gia có thỏa thuận với Mỹ về việc cắt giảm phí này. Chẳng hạn, Pháp đã được miễn phí quản lý hợp đồng, trong khi Hàn Quốc và Australia được cắt giảm 0,5% phí quản lý.
Bộ Quốc phòng tuyên bố hợp đồng như vậy không nhất thiết có lợi cho Nhật Bản tùy thuộc vào các điều khoản của hợp đồng. Tuy nhiên, việc thương lượng một hợp đồng có lợi cho Nhật Bản là công việc của Bộ này.
Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe chú trọng tới việc tăng cường năng lực quốc phòng cho Nhật Bản thông qua việc hợp tác với Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. 
Theo chương trình nghị sự về chính sách quốc phòng của Chính quyền Thủ tướng Abe, các khoản chi để mua vũ khí của Mỹ theo FMS của Nhật Bản đã tăng mạnh, từ 190,6 tỷ yen trong ngân sách của tài khóa 2014 lên 410,2 tỷ yen theo kế hoạch chi tiêu trong tài khóa 2018, trong đó có các khoản chi cho việc mua sắm các loại vũ khí đắt đỏ như chiến đấu cơ tàng hình F và máy bay vận tải Osprey. 
Số tiền mua sắm vũ khí thậm chí đã tăng lên 701,3 tỷ yen trong ngân sách cho tài khóa 2019, trong đó có việc mua các hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis.
Chính phủ Nhật Bản cho biết, nước này đã kêu gọi Washington giảm giá vũ khí bán cho Nhật Bản và đảm bảo việc giao hàng nhanh trong các cuộc gặp song phương với các quan chức quốc phòng hàng đầu và nhiều dịp khác. Tuy nhiên, hy vọng về một giải pháp cơ bản cho vấn đề này là không lớn trong hệ thống hiện nay.
Bài báo kết luận, trong lúc xem xét lại một cách nghiêm túc các loại vũ khí và thiết bị quốc phòng khác mà Nhật Bản thực sự cần, Chính phủ nên hợp tác với hơn 100 quốc gia khác đang mua vũ khí từ Mỹ theo chương trình FMS để gây áp lực buộc Washington có giải pháp xử lý các vấn đề này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục