Lĩnh vực nào sẽ "cứu cánh" cho ngành nông nghiệp?

14:15' - 28/06/2019
BNEWS Trong 6 tháng đầu năm 2019, ngành nông nghiệp chỉ đạt tăng trưởng 2,39%. Thời gian còn lại của năm, toàn ngành sẽ tập trung đẩy mạnh, nhanh hơn ở những ngành hàng Việt Nam đang có dư địa.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì Hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN 

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của ngành nông nghiệp tổ chức sáng 28/6 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong bối cảnh 6 tháng đầu năm có rất nhiều thách thức, khó khăn như tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, tác động từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, thời tiết bất lợi cho sản xuất, đặc biệt dịch tả lợn gây thiệt hại nặng nề… nên tăng trưởng nông, lâm, thủy sản không đạt được cao như năm ngoái.

Ngành nông nghiệp chỉ đạt tăng trưởng 2,39% nhưng đây cũng là kết quả cố gắng cao nhất của ngành trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như hiện nay.
Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu toàn ngành tập trung đẩy mạnh, nhanh hơn ở những ngành hàng Việt Nam đang có dư địa. Đó là phát triển kinh tế lâm sản; thủy sản khai thác và nuôi trồng, đặc biệt là nuôi trồng dù giá thủy sản trên thế giới đang không cao, nhưng đây vẫn còn dư địa để tập trung phát triển.
“Đây sẽ là hai khu vực “cứu cánh” cho mục tiêu tăng trưởng cũng như mục tiêu xuất khẩu. Do đó, hai khu vực này trong 6 tháng còn lại của năm phải tập trung phát triển nhanh hơn”, Bộ trưởng nêu rõ.
Bên cạnh đó, lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi cũng phải đẩy nhanh tái cơ cấu lại. Điển hình, chăn nuôi phải tập trung mọi giải pháp để chặn đứng lại dịch tả lợn châu Phi, đây là một giải pháp quan trọng để giảm thiệt hại, đảm bảo tốc độ tăng trưởng. Đi đôi với đó là đẩy nhanh chăn nuôi gia cầm và đại gia súc, nhưng phải chú ý yếu tố bền vững.
Dự báo 6 tháng cuối năm thiên tai sẽ cực kỳ phức tạp. Các đơn vị, địa phương cần sẵn sàng tâm thế với những giải pháp tổng thể để ứng phó với thiên tai. Nếu không có nhóm giải pháp tổng thể theo phương châm 4 tại chỗ trên tinh thần tích cực hơn nhiều lần thì chắc chắn nông nghiệp khó có thể giữ được các thành quả mà chúng ta đã có cố gắng suốt trong thời gian qua, Bộ trưởng nêu rõ.
Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 19,77 tỷ USD, tăng 2,2%, nhưng mức tăng có chậm hơn so với cùng kỳ năm 2018. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 4,2 tỷ USD, tăng 4,6% so với 6 tháng đầu năm 2018.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, nguyên nhân chủ yếu do giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018; kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm; kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng cà phê, gạo, hạt điều, sắn và các sản phẩm từ sắn, tôm, cá tra giảm.
Cụ thể, nhiều mặt hàng có giá xuất khẩu giảm sâu như: hạt tiêu giảm 26,5%, cao su giảm 5,9%, hạt điều giảm 21,6%, cà phê giảm 11,8%, gạo giảm 16,7%, nên mặc dù khối lượng xuất khẩu tăng nhưng không đủ bù đắp được sự sụt giảm về giá, làm cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, kim ngạch xuất khẩu tuy có tăng nhưng ở mức không cao.
Nhiều thị trường nhập khẩu nông sản siết chặt hơn nữa hàng rào kỹ thuật, chính sách thắt chặt nhập khẩu tiểu ngạch, yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, cấp chứng thư xuất khẩu, đẩy mạnh chính ngạch, thanh kiểm tra chất lượng tại nước xuất khẩu, nhất là Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả chính và các nông sản chủ lực của Việt Nam.
Về sản xuất, các lĩnh vực như trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp đều có sự phát triển, tăng trưởng khá. Chăn nuôi trâu, bò và gia cầm tiếp tục tăng trưởng khá mạnh. Riêng chăn nuôi lợn gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi đang lây lan trên diện rộng và xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước.

Chăn nuôi lợn 6 tháng đầu năm gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Tính đến ngày 26/6, dịch đã xuất hiện ở 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy khoảng 2,8 triệu con. Tổng số lợn tháng 6/2019 ước giảm 10,3% so với cùng thời điểm năm 2018, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt trên 1,8 triệu tấn, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, kết quả sản xuất kinh doanh toàn ngành 6 tháng đầu năm cho thấy xuất hiện nhiều khó khăn trong việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng ngành năm 2019, nhất là trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi lan rộng, tiếp tục có diễn biến phức tạp.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2019 theo kịch bản, ngành nông nghiệp sẽ linh hoạt, thúc đẩy phát triển những lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng để bù cho những lĩnh vực khó đạt mục tiêu theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra. Theo đó, ngành đã đưa ra các chỉ tiêu cụ thể cho từng ngành hàng cho nửa cuối năm.
Đó là trồng trọt sẽ giữ sản lượng lúa ít nhất bằng năm 2018; tiếp tục tăng sản lượng rau, cây ăn quả và một số cây công nghiệp có thị trường tiêu thụ tốt.
Chăn nuôi sẽ tăng sản lượng các đối tượng như gia cầm khoảng 13 - 14%; trứng trên 12%; thịt bò tăng 7,%... Thủy sản sẽ tăng sản lượng lên trên 6,5%, trong đó, tăng sản lượng nuôi trồng trên 7,5%, đặc biệt là tôm nước lợ và cá tra. Lâm nghiệp sẽ tập trung tăng sản lượng gỗ khai thác trên 8%, đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu.
Để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2019 khoảng 43 tỷ USD, theo ông Nguyễn Văn Việt, ngành thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm.
Việc Hiệp định VPA/FLEGT có hiệu lực là cơ hội lớn để gia tăng xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường EU và việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (ngày 30/6/2019) chính thức mở ra cơ hội, triển vọng thị trường lớn cho hàng nông sản Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, các ngành hàng phải tổ chức chặt chẽ lại sản xuất để đem lại chất lượng, mẫu mã, giá cả hợp lý hơn cùng với nghệ thuật tổ chức thương mại hiện đại. Bên cạnh đó, ngành cũng phải tổ chức lại thị trường trong nước để hạn chế tối đa những bất lợi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục