Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ

17:24' - 06/12/2019
BNEWS Ngày 6/12 tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm trực tuyến “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp: Thúc đẩy liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ”.
Quang cảnh buổi tọa đàm trực tuyến. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Tọa đàm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức.

Tái cơ cấu nông nghiệp trong những năm qua đã tạo ra những bước bứt phá, khắc phục những tồn tại và tạo ra sự phát triển tích cực. Ngành đã có sự chuyển dịch tăng trưởng dựa vào số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng, tăng những ngành hàng, sản phẩm có lợi thế, thị trường thuận lợi. Nhờ sức sản xuất lớn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng mạnh trong những năm qua. Năm 2019, ước kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 41 – 42 tỷ USD.

Theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, lâm nghiệp, thủy sản, rau quả…  là những ngành đã triển khai tái cơ cấu mạnh mẽ và đạt thành tựu lớn. Thành công này là nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cùng với các cơ chế chính sách hoàn thiện hơn, tạo thời cơ, tạo sức bật cho các thành phần kinh tế tham gia; trong đó, có sự đầu tư của tư nhân. Ngoài ra, còn yếu tố “kéo” là thị trường là Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do đã giúp chúng ta phát triển sản xuất mà còn có sự điều chỉnh trong sản xuất để phù hợp với thị trường.

Điển hình việc đẩy mạnh phát triển thủy sản đã và đang khẳng định một lợi thế của Việt Nam. Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Nghị quyết số 120/NQ - CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đã khẳng định thủy sản là lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, ngành nông nghiệp cũng nhanh chóng chuyển trục sản xuất từ lúa sang thủy sản, trái cây…

Với con tôm, trước đây sản xuất nhỏ lẻ chiếm chủ đạo, nhưng sau khi thực hiện tái cơ cấu, các hợp tác, tổ hợp tác, sản xuất có liên kết tăng mạnh, đặc biệt các vùng nuôi tôm lớn tại Bạc Liêu, Sóc Trăng… Sau dịch tôm chết sớm năm 2013-2014, nuôi tôm công nghệ cao phát triển khá nhanh. Nay các nhà máy hoàn toàn chủ động động được vùng nguyên liệu, sản lượng cho chế biến, xuất khẩu.

Hay với cá tra, trước đây xuất khẩu chủ yếu là phi lê đông lạnh nhưng nay đã có trên 80 sản phẩm, nhiều sản phẩm giá trị gia tăng, nâng cao chuỗi giá trị thủy sản. Các phụ phẩm của thủy sản nay cũng đã trở thành đầu vào cho sản xuất cho các sản phẩm có giá trị cao. Nhờ chế biến, đa dạng sản phẩm chế biến, thay vì chỉ thu hoạch khi cá tra đạt trọng lượng từ 800 - 900gram, nhưng nay cá tra có thể nuôi lên 3kg để tăng hiệu quả sản xuất cho bà con. Những sản phẩm chế biến sâu đã góp phần mỏ rộng thị trường, thị phần xuất khẩu.

Về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương, trong đó có việc giảm diện tích đất trồng lúa, chuyển sang trồng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long, ông Trần Công Thắng nhấn mạnh, việc chuyển đổi nhằm thích ứng được với biến đổi khí hậu cũng như đáp ứng được yêu cầu cơ cấu lại của ngành nông nghiệp. Thực tế đã chứng minh sự chuyển đổi này bước đầu mang lại hiệu quả cao, đời sống của người dân ở khu vực chuyển đổi cũng đã ổn định.

Đặc biệt, xu thế cũng như nhu cầu của thị trường thế giới thì các lĩnh vực về thủy sản, trái cây cũng đang tăng nhanh, nhiều thị trường tiềm năng, nhiều cơ hội để xuất khẩu, nhiều cơ hội để nâng cao giá trị… Bên cạnh đó, thị trường lúa gạo của chúng ta đang dần hẹp lại và chắc chắn thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, bản thân các nước đối thủ của chúng ta chưa giảm sản xuất lúa, trong khi các nước nhập khẩu thì lại thắt chặt các quy định, kiểm soát chặt chẽ…

Do đó, việc chuyển đổi trục sản xuất ở Đông bằng sông Cửu Long càng cho thấy hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp. Thậm chí, nhiều tỉnh muốn có sự chính thức hóa trong chuyển đổi trục sản xuất để nông dân yên tâm sản xuất.

Liên quan đến chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Cây Công nghiệp – Ăn quả, Cục Trồng trọt cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nghị định hướng dẫn Luật Trồng trọt; trong đó có quy định trình tự thủ tục hướng dẫn chuyển đổi đất trồng lúa sang các đối tượng khác như nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả…

Đây là khung pháp lý quan trọng trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa. Theo đó, cấp xã sẽ xác định đối tượng, diện tích, mục đích chuyển đổi và đề xuất cấp huyện, tỉnh; tỉnh sẽ báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ban hành kế hoạch hành động chung. Với hệ thống pháp lý như vậy sẽ điều chỉnh được quy mô về sản xuất. Hi vọng khi văn bản được thực thi thì việc chuyển đổi sẽ đi vào nền nếp, mang lại hiệu quả thiết thực./.

Xem thêm:

>>Chậm tái cơ cấu nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục