Lee&Man luôn nghiêm túc trong bảo vệ môi trường

12:13' - 12/09/2019
BNEWS Người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho sản phẩm có cam kết đem lại ảnh hưởng tích cực tới môi trường. Ngược lại, họ cũng sẽ “tẩy chay” những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.
Ông Patrick Chung

Bên lề hội thảo “Phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong thập kỷ 2020 - 2030 - mô hình tăng trưởng liên ngành ưu việt và sự cải biến trong nguyên lý thiết kế, sử dụng nguyên vật liệu” trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019 diễn ra tại Hà Nội, ngày 12/9, phóng viên BNEWS/Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn ông Patrick Chung - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam về thực trạng của ngành sản xuất giấy và giải pháp của doanh nghiệp trong việc tái chế rác thải để bảo vệ môi trường. 

Phóng viên: Thưa ông, sản xuất giấy được cho là một trong những ngành công nghiệp gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường. Lee&Man đã giải quyết vấn đề này ra sao để thể hiện tốt trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các mục tiêu bảo vệ môi trường? 
Ông Patrick Chung: Không riêng gì ngành công nghiệp giấy mà mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều ảnh hưởng đến môi trường, tùy vào mức độ khác nhau. Nếu đòi hỏi hoạt động sản xuất kinh doanh hoàn toàn không ảnh hưởng tới môi trường là điều rất khó, thậm chí là không thể.

Bởi thế mới đặt ra vấn đề để giải quyết nghịch lý giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Tôi cho rằng, điều quan trọng nằm ở việc doanh nghiệp phải xử lý ô nhiễm như thế nào để hạn chế tới mức thấp nhất những tổn hại có thể gây ra. 
Thực tế, Lee&Man cũng đứng trước những thách thức lớn về môi trường như bao doanh nghiệp khác khi lần đầu vận hành thử nhà máy tại Hậu Giang. Đó là bài học lớn giúp chúng tôi tự điều chỉnh, xem xét và cẩn trọng trong khâu sản xuất, xử lý chất thải… Cho đến nay, hệ thống này gần như đã được hoàn thiện, thậm chí có những chỉ tiêu trong xử lý thải của Lee&Man đã vượt xa các chỉ số yêu cầu.

Bảo vệ môi trường là vấn đề Lee&Man đặc biệt chú trọng trong các mục tiêu phát triển bền vững, bên cạnh việc nâng cao năng lực sản xuất, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và thay đổi các mô hình sản xuất theo hướng bền vững trong xu hướng hiện nay. 
Trước làn sóng của Cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Lee&Man nhận thức phải luôn đổi mới sáng tạo, không chỉ ở việc đầu tư vào công nghệ mà còn chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường, đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội. 
Với những nỗ lực đó, Lee&Man tự hào được vinh danh là doanh nghiệp phát triển bền vững năm 2018. 
Phóng viên: Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp vẫn coi phát triển bền vững là khẩu hiệu chung chung nên họ chỉ "hứa suông" hoặc “làm như cho có”, ông nghĩ sao và bình luận gì về điều này? 
Ông Patrick Chung: Tình trạng này là có thật và không thể phủ nhận. Thậm chí sự quan tâm, chú ý của hầu hết doanh nghiệp đối với vấn đề phát triển bền vững cũng chưa nhiều, chưa toàn diện nên đã có những nhận thức như vậy. 
Theo quan điểm của tôi, phát triển bền vững thực chất là chủ trương được Nhà nước khuyến khích trên cơ sở tự nguyện của doanh nghiệp, chứ không phải bắt buộc. Do đó, điều này không chỉ phụ thuộc vào khả năng, định hướng phát triển riêng của doanh nghiệp mà còn ở “cái tâm” của những người đứng đầu doanh nghiệp. 
Tuy nhiên, cũng có cái khó của doanh nghiệp khi theo đuổi mục tiêu này. Để có thể phát triển bền vững, doanh nghiệp phải cân nhắc rất nhiều khía cạnh như: tài chính, nguồn lực, tầm nhìn…

Khi phát triển bền vững, doanh nghiệp phải đầu tư thời gian, công sức, nguồn lực vào các mục tiêu phi tài chính liên quan đến môi trường và xã hội. Vì lẽ đó đương nhiên có thể làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Nếu không chấp nhận “đánh đổi”, doanh nghiệp khó lòng theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững một cách đúng nghĩa. 
Tôi cho rằng, khi đã cam kết phát triển bền vững thì doanh nghiệp cần nỗ lực thực hiện. Vì bất cứ lý do gì, nếu chỉ “hứa suông” hay "làm như cho có” sẽ làm giảm uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Đó không phải là hướng đi lâu bền.    
Phóng viên: Được biết Lee&Man ưu tiên sản xuất giấy từ nguyên liệu giấy tái chế và đầu tư không nhỏ cho các hạng mục xử lý thải nhằm đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, ông cho biết cụ thể thông tin này? 
Ông Patrick Chung: Tại Lee&Man, chúng tôi sản xuất giấy từ hơn 95% nguyên liệu tái chế đã qua sử dụng. Đây chính là cách để giảm thiểu áp lực cho môi trường và tiết kiệm chi phí; đồng thời là xu hướng phát triển nền kinh tế tuần hoàn đang rất được chú trọng hiện nay trên toàn cầu. Kinh tế tuần hoàn chính là một trong những mục tiêu để thúc đẩy phát triển bền vững. 
Hiện nay, mỗi năm Lee&Man chi hàng triệu đô la Mỹ cho xử lý chất thải, bao gồm nước thải sản xuất, sinh hoạt, chất thải rắn, khí sinh học, sinh khối... Riêng trong năm 2019, doanh nghiệp tiếp tục nhập một đợt máy mới trị giá 20 tỷ đồng để tăng cường quá trình sản xuất.

Nói về con số đầu tư xử lý thải thì quả thực Lee&Man chỉ muốn khẳng định luôn hết sức nghiêm túc trong vấn đề bảo vệ môi trường. 
Lee&Man đã đầu tư vào công nghệ xử lý nước thải, khí thải tiên tiến với hệ thống quan trắc hoạt động 24/24 giờ.

Các số liệu liên tục được cập nhật và truyền trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang để quản lý nên chất lượng nước thải, khí thải luôn được kiểm soát trước khi đưa ra môi trường. Các thông số quan trắc đều đảm bảo tiêu chuẩn của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Cùng với đó, Lee&Man đều có báo cáo định kỳ về việc nhập khẩu, giám sát các hoạt động liên quan tới các yếu tố môi trường. Đặc biệt, Lee&Man đang tiếp tục cải tiến công nghệ xử lý mùi, gia cố hệ thống tường rào trong quá trình xử lý nước thải để xây dựng nhà máy kiên cố, hiện đại hơn; lập đội giám sát tại nhà máy với các trang thiết bị kiểm tra, kiểm soát hiện đại... 
Bên cạnh đó, Lee&Man đã có sáng kiến xây dựng hệ thống làm mát tăng cường trong hệ thống thu gom nước thải; thay đổi toàn bộ thiết bị che chắn khu vực xử lý nước thải bằng vật liệu cao su, tôn thông thường với độ bền lên đến 20 năm; thường xuyên thử nghiệm các thay đổi vật liệu nhằm tìm kiếm giải pháp tốt nhất trong việc xử lý tiếng ồn, mùi và đảm bảo chất lượng nước thải phù hợp với quy định. 
Phóng viên: Để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ, trang thiết bị sản xuất phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường, Lee&Man có đề xuất gì từ phía cơ quan quản lý Nhà nước? 
Ông Patrick Chung: Sự ủng hộ của người dân và tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ quan quản lý Nhà nước chính là niềm động viên, khích lệ lớn nhất đối với Lee&Man trong quá trình đầu tư và hoạt động sản xuất tại Việt Nam những năm qua. 
Qua quá trình tiếp cận thị trường, chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng, khách hàng Việt Nam ngày càng quan tâm nhiều hơn tới môi trường, sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm cam kết đem những tích cực cho môi trường. Ngược lại, chính họ cũng sẽ “tẩy chay” và quay lưng với những doanh nghiệp gây ô nhiễm hoặc có những hoạt động ảnh hưởng tới môi trường. Vì thế, tôi mong rằng, phát triển bền vững sẽ được đẩy mạnh hơn nữa thành các chiến lược và được tuyên truyền rộng rãi tới mọi cấp, ngành, người dân để toàn xã hội có những hành động và nỗ lực chung vì môi trường. 
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông! 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục