Lào Cai xây dựng hệ thống chợ văn minh thương mại

09:29' - 10/04/2019
BNEWS Là địa bàn du lịch trọng điểm, thành phố biên giới, chợ ở Lào Cai tụ họp những nét văn hóa vừa độc đáo, đặc trưng, vừa hòa nhập giao thương sôi động bậc nhất các tỉnh miền núi phía Bắc.
Hoạt động kinh doanh hàng nông sản của các tiểu thương tại chợ Cốc Lếu. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Bất kỳ nơi nào nếu đã hình thành điểm dân cư đều có một cái chợ riêng cho mình, yếu tố “thị” có ý nghĩa quan trọng ghi dấu lịch sử hình thành của một đô thị. Có thể vì lẽ đó mà chợ có sức lôi cuốn, hấp dẫn đặc biệt không chỉ đối với người dân địa phương mà cả du khách. Là địa bàn du lịch trọng điểm, thành phố biên giới với thành phần dân cư sinh sống đa sắc tộc, chợ ở Lào Cai vì thế mà tụ họp những nét văn hóa vừa độc đáo, đặc trưng, vừa hòa nhập giao thương sôi động bậc nhất các tỉnh miền núi phía Bắc.

Tuy vậy, để duy trì môi trường kinh doanh sầm uất mà không làm ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan trật tự đô thị, trong những năm qua, Lào Cai đã từng bước nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp về quy hoạch, quản lý, kiến trúc, kiên trì vận động thuyết phục để nhận được sự đồng thuận của tiểu thương và nhân dân địa phương.

Từ 1 đến 5 giờ sáng, khi thành phố vùng biên Lào Cai chìm trong giấc ngủ, cũng là lúc bà con tiểu thương đổ về từ mọi ngả đường, trên đủ loại phương tiện: ô tô tải nhẹ, xe máy, xe đạp và cả đi bộ đến chợ đầu mối nông sản Kim Tân.

Đằng sau mỗi chiếc xe ấy là các mặt hàng rau, củ, quả... đặc biệt, có rất ít các loại rau, củ, quả nhập về từ Trung Quốc. Các mặt hàng này chủ yếu từ các xã vùng ven của thành phố, như: Vạn Hoà, Thống Nhất, Tả Phời, Hợp Thành… và các huyện: Sa Pa, Bảo Thắng, Bát Xát… Hàng từ các tỉnh miền xuôi Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái… đưa lên cũng nhiều.

Với gần 200 tiểu thương, tất cả các giao dịch tại chợ diễn ra rất nhanh chóng, vì chủ yếu là bán buôn. Khoảng thời gian 3h - 4h30 phút là lúc chợ họp đông nhất. Chợ đầu mối nông sản Kim Tân mới được hình thành hơn một năm thay thế chợ đêm Cốc Lếu buôn bán nông sản đã hình thành tự phát từ lâu.

Tuy nhiên, theo quá trình phát triển thành phố, chợ đêm Cốc Lếu không còn phù hợp vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự giao thông và vệ sinh môi trường tại khu vực có yếu tố du lịch quan trọng. Đây được coi là chủ trương đúng đắn của thành phố Lào Cai trong việc quyết tâm lập lại trật tự đô thị, an toàn giao thông và xây dựng thành phố văn minh thương mại.

Nằm ở trung tâm mua bán nhộn nhịp của thành phố Lào Cai, Chợ Cốc Lếu từ lâu được du khách lựa chọn là điểm đến thăm quan, mua sắm ưa thích của khách du lịch khi đến với Lào Cai. Để tăng sức hút, quảng bá thương hiệu, thời gian này, từ khi được xây mới vào năm 2016, Chợ Cốc Lếu đã và đang tập trung xây dựng hình ảnh Chợ văn minh thương mại, kiểu mẫu của thành phố Lào Cai.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra các hộ kinh doanh tại khu vực chợ thành phố Lào Cai. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Nhiều năm sống gần chợ Cốc Lếu, bà Lê Thị Minh và các hộ dân ở phố Hồng Hà (phường Cốc Lếu) nhận rõ hơn ai hết về những thay đổi trong quản lý, giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Nếu như trước đây, người dân quanh chợ luôn cảm thấy khó chịu trước tình trạng lòng đường, vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi buôn bán, thì giờ đây, cảm giác này đã không còn nữa.

Hiệu quả từ việc tuyên truyền và áp dụng nhiều sáng kiến tự quản như kẻ vẽ vạch sơn, hướng dẫn người bán hàng đúng nơi quy định đã “thấm” vào suy nghĩ của người dân. Điều này làm cho bộ mặt đường sá quanh chợ Cốc Lếu ngày càng khang trang, quy củ.

Giờ đây, từ người dân địa phương đến khách mua, người bán đều nhận thức được ý nghĩa của việc giữ gìn trật tự đô thị. Ngay cả khi không có lực lượng làm nhiệm vụ, mọi người vẫn nhắc nhau dựng xe thẳng hàng, khống lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh hoặc đỗ xe không đúng nơi quy định.

“Trước đây, người dân quen đỗ xe trên vỉa hè rồi vào mua sắm vì không muốn mất công gửi xe nhưng thói quen xấu đó đã dần thay đổi. Hầu hết những người đến chợ đều cảm thấy yên tâm khi phương tiện được trông giữ cẩn thận và tỏ ra hài lòng trước cảnh đường sá luôn sạch đẹp, phong quang” - Đại diện Ban Quản lý chợ Cốc Lếu nói về kết quả đáng ghi nhận của việc tăng cường đảm bảo, duy trì trật tự đô thị.

Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh cũng như nhân dân thành phố du khách đến thăm quan, mua sắm tại chợ thì hiện nay hầu hết chợ trên địa bàn thành phố Lào Cai đã và đang thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn hóa văn minh và các tiêu chí của chợ văn minh thương mại làm cẩm nang cho mọi hoạt động kinh doanh buôn bán tại chợ.

Các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các tiểu thương về văn minh ứng xử, giao tiếp với khách hàng kết hợp với tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan, thông qua hệ thống loa truyền thanh, nhắc nhở tới hộ tiểu thương về nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định về thực xây dựng chợ văn minh thương mại. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố Lào Cai trong việc đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Theo số liệu thống kê, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có tổng số 73 chợ (hạng II 13 chợ; hạng III 60 chợ); trong đó, 20 chợ thành thị, 53 chợ nông thôn. Không chỉ ở địa bàn thành phố Lào Cai, các chợ trung tâm huyện, thị trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đặc biệt tại các địa phương du lịch như Sa Pa, Bắc Hà... cũng được chấn chỉnh thường xuyên và nghiêm túc.

Trong những năm qua, đặc biệt từ đầu năm 2019, UBND các huyện, thành phố đã thường xuyên yêu cầu các phòng chức năng tăng cường tuyên truyền, kết hợp kiểm tra, xử lý các điểm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán, đặc biệt là các khu vực chợ trung tâm.

Riêng thành phố Lào Cai tiến hành triển khai đồng bộ các biện pháp để giải tỏa các hành vi lấn chiếm các tuyến phố tiếp giáp 3 chợ trên địa bàn là chợ Cốc Lếu, Nguyễn Du, Kim Tân. Đến nay, việc duy trì trật tự tại các chợ này đã được đảm bảo, không phát sinh vi phạm.

Mới đây, tại hội nghị sơ kết 3 tháng đầu năm triển khai nhiệm vụ “Năm trật tự văn minh đô thị 2019” trên địa bàn tỉnh Lào Cai, ông Nguyễn Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu, các huyện, thành phố tiếp tục đảm bảo 02 nhóm nội dung chính là “Quản lí đô thị và hành vi, nếp sống”.

Cùng với đó, các địa phương tăng cường xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm hành lang, vỉa hè, lòng đường, tăng cường tính tự quản của cộng đồng trong thực hiện và giám sát các nội dung trong kế hoạch thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị 2019”; kiểm tra tình hình quản lý tại tất cả các chợ trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Hiện Lào Cai đang tiến hành xây dựng Dự án chợ du lịch Lào Cai và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019. Đây là mô hình chợ có sự kết hợp giữa chợ truyền thống và trung tâm thương mại với mục tiêu hướng tới cộng đồng và duy trì nét văn hoá chợ truyền thông nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu mua sắm, giải trí, lưu trú hiện đại của người dân và khách du lịch. Dự án được kỳ vọng trở thành điểm đến du lịch, văn hoá và giao thương kinh tế lớn nhất vùng biên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục