Lào Cai chuyển hướng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao

08:59' - 02/07/2018
BNEWS Không còn phổ biến hình ảnh "Con trâu đi trước cái cày theo sau", đến Sa Pa thời điểm này có thể tận mắt chứng kiến những mô hình sản xuất rau củ công nghệ cao ấn tượng.
Một mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Lục Thị Thu/BNEWS/TTXVN

Vẫn trên những mảnh ruộng cánh đồng màu mỡ ở Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, thành phố Lào Cai..., trước kia người nông dân chỉ mong sao đủ ăn thì nay họ đã tính đến chuyện làm giàu. Từ những cây rau, hoa bản địa thân thuộc, nông dân Lào Cai đã mạnh dạn áp dụng những quy trình sản xuất nông nghiệp tiến bộ để thu được giá trị kinh tế cao - điều mà trước kia chưa hề có.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng năng suất và sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016-2020 được tỉnh Lào Cai tích cực triển khai và thu được nhiều kết quả nổi bật. Đây là thành tựu đáng ghi nhận từ việc phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao tại Lào Cai thời gian qua.
Không còn phổ biến hình ảnh "Con trâu đi trước cái cày theo sau", đến Sa Pa thời điểm này có thể tận mắt chứng kiến những mô hình sản xuất rau củ công nghệ cao ấn tượng. Điển hình như mô hình nấm hương trong nhà công nghệ tại xã Tả Phìn huyện Sa Pa với quy mô 5 ha hiện đang cho thu hoạch với năng suất từ 1-1,5 tấn nấm tươi/ngày, sản phẩm được sấy khô để xuất khẩu với giá từ 600-800 nghìn đồng/kg (tùy loại) ước doanh thu trên 30 tỷ đồng/năm.
Đây là một trong số rất nhiều mô hình trồng rau củ chất lượng cao đang được triển khai trên địa bàn tỉnh. Hiện Lào Cai có trên 1.230 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với 282 ha rau công nghệ cao tập trung chủ yếu tại Sa Pa, Bắc Hà, Bảo Thắng, Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên.

Các công nghệ ứng dụng gồm hệ thống nhà công nghệ, nhà lưới, canh tác trên giá thể hoặc trên luống đất có che phủ bằng nilon, sản xuất theo quy trình nông nghiệp tốt (VietGAP), sơ chế đóng gói bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Bình quân mỗi héc ta sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao cho doanh thu từ 420 triệu đồng đến 525 triệu đồng/ha/năm.
Nông nghiệp công nghệ cao hay còn gọi "Nông nghiệp thông minh" là nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, với sự tích hợp của nhiều ngành từ công nghệ cơ khí điện tử tự động hóa, hóa học, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, khí tượng, tài chính-quản trị kinh doanh, chế biến bảo quản... để làm ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng và hiệu quả cao. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật này sẽ giúp nâng cao trình độ sản xuất của nông dân, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hoá và nâng cao giá trị sản xuất.
Điển hình tại Lào Cai, một số diện tích cho giá trị cao gấp 4 - 5 lần so với sản xuất truyền thống như: hoa ly đạt trên 3 tỷ đồng/ha/năm, hoa hồng đạt 500 - 600 triệu đồng/ha/năm; rau ôn đới trái vụ đạt 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; cây dược liệu đạt 200 - 250 triệu đồng/ha/năm; cây ăn quả ôn đới đạt 300 - 400 triệu đồng/ha/năm…
Mô hình trồng hoa ly của gia đình ông Nguyễn Nhân Thuận ở thị trấn Sa Pa có toàn bộ diện tích được che bằng nhà vòm. Tổng chi phí ban đầu để đầu tư hạ tầng và mua giống nhập ngoại lên tới 11 tỷ đồng. Ngay từ vụ hoa đầu tiên, ông Thuận đã thu về 15 tỷ đồng, trừ hết chi phí, còn lãi 4 tỷ đồng.
Anh Lê Văn Vi - thị trấn Sa Pa, một trong những tỷ phú trẻ đi lên từ nghề trồng địa lan cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa địa lan, nên trong những năm gần đây, kinh tế gia đình anh tăng đáng kể. Theo anh Vi, mỗi năm trừ các chi phí và vốn đầu tư cho vụ sau, gia đình anh có thu nhập trên dưới 2 tỷ đồng.
Hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Lào Cai đều sử dụng công nghệ nhà lưới cơ giới hóa khâu làm đất, sử dụng công nghệ trong sơ chế bảo quản sau thu hoạch, cây giống có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt của Pháp, Australia... Đặc biệt, Lào Cai chú trọng sản xuất cây giống sạch bệnh bằng công nghệ cao.

Một công nghệ nổi bật đang được Trung tâm giống nông lâm nghiệp tỉnh Lào Cai thực hiện là ứng dụng khí canh sản xuất cây khoai tây dòng giống gốc. Trung tâm đã vận hành hiệu quả 2 nhà khí canh tại Trung tâm và Trại nghiên cứu sản xuất rau, quả Bắc Hà năng suất đạt 35-40 củ/cây (cao gấp 8-10 lần so với sản xuất trên đất).

Áp dụng công nghệ khí canh sẽ góp phần giảm chi phí về nước, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, hiệu quả kinh tế cao và có giống gốc sạch bệnh để tiếp tục nhân các cấp giống tiếp theo. Ngoài ra, Trung tâm giống nông lâm nghiệp Lào Cai cũng ứng dụng kỹ thuật chiết ghép trong sản xuất giống cây ăn quả tạo được 150.000 cây giống gốc ghép cây ăn quả chủ yếu mận, đào, lê sinh trưởng phát triển tốt đảm bảo cung ứng ra thị trường đúng thời vụ trồng theo kế hoạch.
Lào Cai hiện có 38 doanh nghiệp, hợp tác xã đã và đang chuẩn bị đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Riêng năm 2017 đã thu hút được 11 doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, điển hình là Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Tà Chải, huyện Bắc Hà của Công ty TNHH Anh Nguyên có quy mô 200 con lợn giống sinh sản (lợn nái ngoại và nái đen bản địa).

Hiện dự án duy trì sản xuất chăn nuôi thường xuyên 98 con lợn nái sinh sản, hàng tháng xuất 160 lợn giống thương phẩm, 60 lợn thịt với sản lượng 5 tấn…
Ông Đỗ Văn Duy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh có 1.230 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó có 282 ha rau, trên 105 ha hoa, 176 ha dược liệu, 124 ha cây ăn quả ôn đới, 60 ha sản xuất lúa giống và 483 ha chè. Giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác ứng dụng công nghệ cao đạt bình quân 230 triệu đồng/ha.

Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật cao vào chăn nuôi, trồng trọt, nên thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn không ngừng được nâng lên, hiện đạt 17 triệu đồng/người/năm - tăng 4 triệu đồng so với năm trước; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5 - 6%/năm - ông Duy cho hay.
Tỷ trọng GDP không lớn (17%) nhưng nông, lâm nghiệp Lào Cai đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 70% dân cư nông thôn, góp phần quan trọng nâng cao đời sống của người nông dân, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, ổn định chính trị - xã hội khu vực nông thôn.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, phát huy những kết quả đã đạt được, giai đoạn 2016 - 2020, Lào Cai xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một nhiệm vụ quan trọng trong Đề án Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp.

Tỉnh đã dành nguồn vốn gần 192 tỷ đồng để thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với mục tiêu đưa giá trị bình quân sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 150 triệu đồng/ha đất canh tác/năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục