Lãnh đạo Nam Định đối thoại với người lao động khu công nghiệp

16:50' - 22/05/2019
BNEWS Ngày 22/5, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã đối thoại với công nhân lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc.
Công ty TNHH sợi dệt nhuộm YULUN (vốn đầu tư của Trung Quốc) hoạt động tại Khu công nghiệp Bảo Minh, huyện Vụ Bản, Nam Định. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Tạo thêm nhiều việc làm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. 

Đây là cam kết của lãnh đạo tỉnh Nam Định tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa UBND tỉnh Nam Định với công nhân lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn, diễn ra ngày 22/5.
*Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Tại buổi đối thoại, công nhân làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng và những chủ trương, chính sách đối với người lao động.
Anh Bùi Văn Tám, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Aelim Vina (Khu Công nghiệp Bảo Minh, huyện Vụ Bản) cho biết, chủ doanh nghiệp này đã bỏ trốn, người lao động không những bị mất việc làm mà lương, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không được giải quyết.
Hiện nay, không ít doanh nghiệp hằng tháng vẫn trừ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của công nhân, nhưng không đóng cho cơ quan bảo hiểm nên khi người lao động bị ốm đau, thai sản, tai nạn hoặc chuyển nơi làm việc, không thể thanh toán các chế độ theo quy định.

Vì vậy, đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh có biện pháp giải quyết những vấn đề trên nhằm đảm bảo quyền lợi cho công nhân.
Anh Trần Thanh Tùng, công nhân Công ty may Nam Hải (thành phố Nam Định) phản ánh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.

Doanh nghiệp không chấp hành quy định của pháp luật lao động về xây dựng thang, bảng lương, định mức lao động, nội quy lao động và đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, ép công nhân làm tăng ca vượt thời gian quy định.

Do đó, cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, kiểm tra xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Anh Nguyễn Văn Kiên, công nhân Công ty Cổ phần Dệt Bảo Minh (huyện Vụ Bản) cho hay, hiện nhiều lao động ở tỉnh khác về Nam Định làm việc có nhu cầu về nhà ở song rất ít khu công nghiệp trên địa bàn có khu nhà ở xã hội cho công nhân.

Hơn nữa, tại các khu công nghiệp chưa có cơ sở giáo dục mầm non để con em công nhân theo học. Do vậy, đề nghị lãnh đạo huyện Vụ Bản và tỉnh Nam Định nghiên cứu, xem xét xây dựng cơ sở giáo dục, vui chơi giải trí, đáp ứng nhu cầu của công nhân lao động.
Thực tế thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp thường ưu tiên sử dụng lực lượng lao động trẻ, có tay nghề cao và đào thải người làm việc lâu năm nhưng tuổi cao (thường ngoài 45 tuổi), nhất là lao động nữ.

Bởi vậy, cơ quan chức năng của Trung ương, của tỉnh nghiên cứu, có chính sách trợ giúp các đối tượng này đảm bảo việc làm, thu nhập để ổn định cuộc sống...
*Đảm bảo quyền lợi cho lao động
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị khẳng định: Các cơ quan chức năng, tổ chức công đoàn phối hợp với doanh nghiệp đảm bảo đầy đủ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động; xây dựng môi trường làm việc an toàn, vệ sinh, tạo điều kiện thuận lợi để công nhân lao động nâng cao tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển và hội nhập.
Nhằm tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, Nam Định đã quy hoạch các khu, cụm công nghiệp và mở rộng một số khu công nghiệp trọng điểm, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Tỉnh cũng ban hành cơ chế khuyến khích, ưu đãi thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào những lĩnh vực tạo ra giá trị kinh tế cao, sử dụng công nghệ hiện đại, tránh tác động xấu đến môi trường.
Về những kiến nghị, đề xuất, mong muốn của công nhân lao động, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu, cơ quan chức năng của tỉnh rà soát lại, có biện pháp giải quyết kịp thời vấn đề liên quan đến quyền lợi người lao động tại các doanh nghiệp.

Bảo hiểm xã hội phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp cố tình không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm của doanh nghiệp cho người lao động được biết.
Hiện Khu Công nghiệp Bảo Minh đã có khu nhà ở xã hội, giải quyết chỗ ở cho hàng trăm gia đình công nhân song vẫn nhiều phòng còn trống chưa có người ở.

Tại các khu, cụm công nghiệp khác của tỉnh, căn cứ vào nhu cầu nhà ở thực tế của người lao động, chính quyền địa phương sẽ quyết định.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, Nam Định đã kêu gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu vực nông thôn, trong đó có việc xây dựng trường học tại các khu công nghiệp.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định Hoàng Đức Trọng thông tin, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án giải quyết việc làm cho người lao động.

Trong đó, đối tượng lao động cao tuổi tại các doanh nghiệp có thể chuyển dịch sang ngành nghề, lĩnh vực phù hợp với sức khỏe và cường độ làm việc phù hợp.

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề; liên kết với doanh nghiệp đào tạo nghề theo địa chỉ với phương châm “học đi đôi với hành”, giúp lao động sau khi học nghề có việc làm, thích ứng ngay với môi trường làm việc tại đơn vị.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nam Định Vũ Văn Nghĩa, thời gian tới, tổ chức công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở phát huy hơn nữa vai trò “cầu nối” giữa chủ sử dụng lao động - lao động; tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tiếp thu ý kiến, kiến nghị của công nhân, tổ chức đối thoại tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời, không để phát sinh vụ việc phức tạp, kéo dài.

Tổ chức công đoàn thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Tỉnh Nam Định có khoảng 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong và ngoài khu công nghiệp. Tỉnh có 4 khu công nghiệp đi vào hoạt động gồm: Khu Công nghiệp Hòa Xá (thành phố Nam Định), Bảo Minh (huyện Vụ Bản), Mỹ Trung (huyện Mỹ Lộc) và Dệt may Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng, đang hoàn thiện hạ tầng).

Tổng số lao động làm việc thường xuyên ở các doanh nghiệp trong những khu công nghiệp này là gần 4,1 vạn người, thu nhập bình quân đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục