Làng gốm Kim Lan: Bài 2 - Quyết gây dựng lại thương hiệu

07:34' - 07/06/2016
BNEWS Trăn trở vì mất nghề làm gốm truyền thống, những người con của mảnh đất Kim Lan quyết tâm gây dựng lại thương hiệu của làng gốm Hà Thành nghìn năm tuổi.
Nghề gốm ở xã Kim Lan. Ảnh: Lại Minh Đông/TTXVN

Sau 30 năm khôi phục làng nghề, gốm Kim Lan ngày nay đã chuyển mình mạnh mẽ.

* Áp dụng công nghệ mới

Hiện xã Kim Lan có 240 hộ gia đình làm nghề gốm, chiếm 15% tổng số hộ gia đình. Tuy số hộ sản xuất khiêm tốn nhưng sản phẩm gốm sứ làm ra chiếm 60% giá trị sản xuất kinh tế của xã.

Với nhiều sản phẩm đa dạng như gốm xây dựng và dân dụng, chậu hoa, bát đĩa, gạch, ngói…xã Kim Lan đẩy mạnh khôi phục làng nghề, đưa gốm sứ trở thành mặt hàng chính, mang lại lợi nhuận kinh tế cao.

Anh Nguyễn Chí Phương, chủ một xưởng gốm lớn chia sẻ: “Dù không có sự khác biệt về chất lượng sản phẩm, nhưng nói là gốm Bát Tràng thì bán được giá cao, còn giới thiệu là gốm Kim Lan thì ít người mua lắm”.

Câu chuyện thương hiệu ấy kéo dài đã 30 năm nay, từ khi làng gốm Kim Lan phục dựng lại nghề truyền thống sau những năm tập trung làm nông nghiệp, khiến làng nghề mai một.

Trước thách thức phải cạnh tranh với người hàng xóm Bát Tràng ồn ào, tấp nập, người làm gốm ở Kim Lan vừa phải đảm bảo chất lượng và số lượng sản phẩm, vừa phải chú trọng đến sức khỏe của bản thân và gia đình.

Một nghệ nhân đang vẽ. Ảnh: Lại Minh Đông/TTXVN

Do đặc thù sản xuất gốm sứ nên phần lớn lượng chất thải phát sinh từ lò hộp như khí than, xỉ than, sản phẩm và nước thải sản xuất đã gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng dân cư nơi đây.

Từ 100% hộ gia đình sử dụng phương pháp truyền thống nung bằng lò than, hiện nay đã có 70 hộ chuyển sang phương pháp nung gốm bằng lò gas.

So với phương thức cũ, nung lò gas đem lại nhiều lợi ích. Năng suất cao gấp đôi do một tháng lò gas sẽ đốt được từ 8 – 10 lượt, thay vì 4 – 5 lượt/ tháng như lò nung.

Sử dụng lò gas còn giúp tăng chất lượng sản phẩm, giảm thiểu nhân công, đặc biệt là người làm gốm không phải phụ thuộc vào thời tiết như khi dùng lò hộp.

Tuy vậy, việc chuyển đổi từ lò hộp sang lò gas cần số vốn đầu tư từ 700 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng đối với mỗi hộ gia đình.

Đây là số tiền rất lớn do khả năng tích lũy vốn của mỗi hộ chỉ từ 150 – 200 triệu đồng/ năm. Người dân Kim Lan dù muốn chuyển đổi sang lò gas nhưng nhiều hộ còn khó khăn nên không tiếp cận được với mô hình mới.

Ông Đào Việt Bình, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề gốm Kim Lan cho biết, mô hình chuyển đổi công nghệ lò than sang lò gas là giải pháp mang lại hiệu quả lớn.

Năm 2014, dự án “Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnhh vực Tiết kiệm năng lượng” và Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng (ECC) đã cử nhóm chuyên gia về khảo sát, đánh giá hiện trạng sử dụng năng lượng ở Kim Lan.

Qua đó, dự án giúp người dân nhận thức rõ lợi ích, ý nghĩa của phương pháp nung lò gas. Nếu người dân được hỗ trợ vay vốn thì rất nhiều hộ gia đình muốn chuyển đổi mô hình lò gas.

*Khác biệt để gây dựng thương hiệu

Không đi theo đường lối chú trọng kinh doanh và sản xuất những sản phẩm tinh xảo, cầu kì như Bát Tràng, Kim Lan hướng đến các sản phẩm gốm xây dựng như gạch, ngói và gốm gia dụng như bát, đĩa, chậu hoa, bình…

Vào thăm xưởng gốm của anh Nguyễn Chí Phương (Kim Lan, Hà Nội), đây là một trong những xưởng sản xuất chậu, bình lớn nhất xã Kim Lan, có khoảng 10 thợ làm gốm đang miệt mài làm việc.

Dù trời mưa phùn nhỏ, nồm gây ẩm ướt nhưng xưởng của anh Phương vẫn hoạt động bình thường nhờ lắp hệ thống mái che toàn bộ.

Xưởng gốm này đã chuyển sang sử dụng lò gas được 3 năm, thường sản xuất các sản phẩm chậu, bình có kích thước lớn.

Nghệ nhân đang tạo hình cho sản phẩm. Ảnh: Lại Minh Đông/TTXVN

Trước đây, khi đầu ra sản phẩm không ổn định như bây giờ, anh Phương cũng nhiều lần chán nản trước thực trạng Kim Lan chưa có thương hiệu, lò hộp năng suất thấp, giá nhân công đắt đỏ.

Để khắc phục khó khăn, trong khi các gia đình khác đặt thợ làm cốt, thường có mẫu mã giống nhau, anh Phương học hỏi để tự làm cốt, tạo cho mình những mẫu hoa văn riêng chỉ xưởng anh sản xuất.

Năm nào anh cũng cho ra những mẫu bình, chậu bằng đất đẹp, vẽ kĩ, trang trí mới lạ và không bán quanh năm như các hộ khác, chỉ trước Tết chừng 3,4 tháng anh mới bán các sản phẩm mới của nhà mình.

Anh Tú, một người thợ tại xưởng gốm này cho biết: “Gần Tết mới bán thì chỉ nhà mình có mẫu đấy thôi. Các nhà khác muốn bắt chước cũng không kịp nữa, lúc đấy ai cũng bận rộn, không có thời gian làm thêm mẫu khác”.

Các sản phẩm bán ra anh Phương cũng đều in tên xưởng nhà mình, không lấy thương hiệu Bát Tràng để khẳng định giá trị và xây dựng thương hiệu của gia đình nói riêng và gốm Kim Lan nói chung.

Thế mạnh của gốm Kim Lan còn là sản xuất gạch, ngói cho các đình, chùa. Muốn mua các sản phẩm gốm trưng bày, những bộ ấm chén tinh xảo, dù là khách du lịch hay nhà buôn cũng sẽ tìm đến Bát Tràng.

Nhưng đặt mẫu gạch, ngói thì đa số khách buôn đều tìm đến Kim Lan. Gia đình ông Thịnh, một hộ gia đình chuyên sản xuất gạch, ngói đã 3 đời nay tự hào, rất nhiều chùa trong miền Trung, miền Nam đặt ngói do nhà ông sản xuất.

Tuy chỉ làm hàng đặt theo đơn, nhưng xưởng nhà ông làm rất đều đặn, mùa rỗi trong năm chỉ khoảng 1, 2 tuần chứ không tính bằng tháng như xưa nữa.

Ông Nguyễn Tiến Mừng, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Lan chia sẻ, chính quyền xã đã quy hoạch khu sản xuất 4,9 ha, đang trong quá trình xin phép đầu tư xây dựng lò gas và trung tâm giới thiệu làng nghề góp phần quảng bá sản phẩm, giải quyết việc làm.

Từ đó, không chỉ môi trường dần được hồi sinh mà gốm Kim Lan với chất lượng tốt hơn sẽ dần chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.

Đặc biệt, Hiệp hội Làng nghề gốm Kim Lan đã cho thử nghiệm logo gốm Kim Lan để phát triển thương hiệu làng nghề, không phải “đi mượn” 2 chữ Bát Tràng như nhiều năm qua.

Làng gốm Kim Lan của hôm nay, sau 30 năm hết mình nỗ lực gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, đã cho ra đời nhiều chủng loại sản phẩm với mẫu mã đa dạng, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế với những điểm đến đầy hứa hẹn như Nhật Bản, Hàn Quốc./.

>> Làng gốm Kim Lan: Bài 1 - Tìm về mảnh đất văn hóa bị quên lãng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục