Lần đầu tiên Việt Nam tổng hợp được màng vô cơ tách khí

15:18' - 15/02/2019
BNEWS Lần đầu tiên, Việt Nam tổng hợp được vật liệu mới là màng vô cơ tách khí N2 /CH4 từ vật liệu Zeolite DDR trong điều kiện phòng thí nghiệm và mở ra triển vọng quan trọng cho công nghiệp chế biến khí.
Tiến sỹ Võ Nguyễn Xuân Phương và nhóm nghiên cứu phát triển vật liệu mới tại Viện Dầu khí Việt Nam. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN)
Lần đầu tiên, các nhà khoa học của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã tổng hợp được loại vật liệu mới là màng vô cơ tách khí N2 /CH4 từ vật liệu Zeolite toàn Silic DDR trong điều kiện phòng thí nghiệm và kết quả nghiên cứu này đã được công bố quốc tế trên Microporous and Mesoporous Materials.
Theo Tiến sỹ Võ Nguyễn Xuân Phương, Trưởng nhóm nghiên cứu phát triển vật liệu mới, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chế biến Dầu khí của VPI, việc sản xuất thành công vật liệu màng vô cơ tách khí này là một bước tiến quan trọng với Việt nam bởi trên thực tế đối tác “sừng sỏ” là LIKAT (Đức) đã mất hơn 2 năm vẫn chưa thể tổng hợp ra được loại vật liệu này.
Trong quá trình sản xuất, nhóm nghiên cứu đã gặp rất nhiều khó khăn do tính lặp lại thấp của zeolite DDR. Tuy nhiên, với sự học hỏi kinh nghiệm của các đối tác, cộng thêm sự kiên trì, cẩn thận và quyết đoán trong từng khâu thực hiện đã giúp nhóm nghiên cứu thực hiện thành công việc sản xuaats màng vô cơ tách khí này.
Tiến sỹ Võ Nguyễn Xuân Phương cũng cho biết, việc sản xuất màng vô cơ tách khí nếu tiến tới quy mô thương mại sẽ mang lại lợi ích kinh tế trong định hướng xử lý và chế biến sâu nguồn khí thiên nhiên nhiễm khí tạp có trữ lượng lớn ở Việt Nam. 
Theo thống kê của VPI, trong tổng trữ lượng tiềm năng 3 nghìn tỷ m3 khí thiên nhiên ở Việt Nam, có nhiều phát hiện khí với trữ lượng lớn nhưng có chứa hàm lượng tạp chất cao, bao gồm N2, khí acid H2S và CO2 (chủ yếu), phân bố ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam khu vực thềm lục địa Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục