Làm sao để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp?

18:50' - 14/06/2019
BNEWS Lâu nay, ngành nông nghiệp vẫn được coi là một trong những "trụ cột" của nền kinh tế, mỗi năm ngành này thu về hàng chục tỷ USD.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp luôn phải đối phó với nhiều bất lợi như thiên tai, dịch bệnh, thị trường... trong khi đó, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ.

Đây chính là điểm nghẽn của ngành nông nghiệp hiện nay. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh) xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp của nước ta?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Theo quy hoạch, tổng diện tích sử dụng đất nông nghiệp của nước ta là trên 9 triệu ha; trong đó đất lúa là 3,8 triệu ha. Tôi cho rằng, để giữ được mục tiêu 3,8 triệu ha trồng lúa thì phải có các giải pháp nhằm đảm bảo được năng suất lao động, đảm bảo thu nhập cho người nông dân, từ đó mới đảm bảo được chất lượng quy hoạch và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Tuy nhiên, có một vấn đề gây nhiều tranh cãi là mỗi năm số lao động trong ngành nông nghiệp lại giảm đi khoảng 900.000 người; năng suất lao động rất thấp.

Vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, xu hướng chuyển dịch lao động ở khu vực nông nghiệp là do áp dụng máy móc, công nghệ nên mới giảm như vậy.
Theo tôi, đó chỉ là một phần nguyên nhân, cái chính ở đây là do người làm nông nghiệp không có lãi. Do đó, một phần đất nông nghiệp bị bỏ hoang, một phần chuyển sang mục đích khác (nhưng chủ yếu là chuyển đổi trái phép), trái với quy hoạch. Như vậy, đã đến lúc cần phải rà soát lại quy hoạch của ngành nông nghiệp để điều chỉnh cho phù hợp.
Mặt khác, tôi cũng nhận thấy địa phương nào có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp cao thì thường GDP bình quân đầu người thấp. Trong khi các tỉnh đó giữ đất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đó là điều bất cập.
Phóng viên: Vậy theo ông, nguyên nhân chính là do đâu?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Lâu nay, các chuyên gia nông nghiệp hay nói rằng, cơ hội đưa nông sản Việt Nam ra thế giới là rất lớn, nhất là các lĩnh vực thủy sản, lâm sản, rau, hoa quả, trái cây... Thế nhưng, trên thực tế việc nông sản "được mùa - mất giá" hay "được giá - mất mùa" vẫn thường xuyên xảy ra. Năm nào cũng có các cuộc hô hào, vận động "giải cứu" nông sản...
Nguyên nhân là do chúng ta chưa củng cố nền móng của ngành nông nghiệp bền vững. Đó chính là cây giống, con giống; khoa học công nghệ; cơ giới hóa; chất lượng sản phẩm đầu ra và thực hành tiết kiệm. Đặc biệt, giá thành sản phẩm còn rất cao, không thể cạnh tranh được. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến điều này, là kết cấu hạ tầng nông thôn còn yếu kém, không phù hợp với yêu cầu của sản xuất hàng hóa.
Thực tế, để đưa được một chuyến hàng nông sản từ ruộng ra đường lớn phải vận chuyển rất nhiều đoạn đường, phương tiện khác nhau; ra được đường lớn rồi thì cũng thiếu cầu cảng để vận chuyển, bốc xếp. Ví dụ, ở Long An cũng có cầu cảng, nhưng vì nó không được tu bổ, sửa chữa, nâng cấp nên tàu lớn không vào được. Thế là lại phải vận chuyển về tận Tp. Hồ Chí Minh, chi phí vận chuyển là rất lớn.
Như vậy, thương lái thu mua nông sản của nông dân với giá rất rẻ thì mới mong có lợi nhuận. Có sản phẩm ngoài thị trường bán 15.000 đồng, nhưng thương lái thu mua tại ruộng chỉ 5.000 đồng. Không phải là họ muốn ép giá, mà vì chi phí vận chuyển quá cao. Bởi vậy, nhà nước cần phân bổ nguồn ngân sách đầu tư công xứng tầm, để cải thiện kết cấu hạ tầng nông thôn.
Phóng viên:Để giải quyết vấn đề này, cần phải có giải pháp gì, thưa ông?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Thực tế, trong thời gian vừa qua, năng suất lao động của ngành nông nghiệp rất thấp, bởi các giải pháp đi kèm chưa thật sự phát huy hiệu quả.

Để có thể đạt hiệu quả thì cần phải tăng tổng vốn đầu tư cho các ngành liên quan với ngành nông nghiệp.

Ngành nông nghiệp vẫn được coi là một trong những "trụ cột" của nền kinh tế. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Cụ thể là giao thông (đường bộ, đường thuỷ, cảng biển) cần phải được đầu tư phát triển, tạo sự liên kết đồng bộ, qua đó giảm chi phí logistics, tăng giá trị của các mặt hàng nông sản, tạo điều kiện thuận lợi xuất khẩu các mặt hàng này.

Từ đó, giá trị các mặt hàng nông sản của người nông dân bán ra mới tăng cao được.
Do đó, cần phải đầu tư vào hệ thống hạ tầng; đồng thời, phải đầu tư cho các viện nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ để nghiên cứu tạo ra được những giống mới; tạo điều kiện ưu tiên, ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đưa các khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp.
Mặt khác, lâu nay, có rất ít các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, cần phải có những chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Bởi ngành nông nghiệp có quá nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh... do vậy, vấn đề về con giống, khoa học kỹ thuật sẽ tháo gỡ được vấn đề này.
Làm sao để các nhà đầu tư thấy được sự thuận lợi khi đầu tư vào lĩnh vực này. Ví dụ như hệ thống đường giao thông, nếu đi mà không thuận lợi thì ai dám đầu tư nữa.

Tôi cho rằng, vấn đề giao thông vẫn là điểm nghẽn cho ngành nông nghiệp phát triển. Quan trọng nhất vẫn là hạ tầng, bởi thể chế có cỡ nào đi nữa mà hạ tầng không tốt, đi đường mà toàn gặp cảnh tắc đường thì đã làm cho người ta nản ý chí rồi.
Ví dụ, vùng Đông Nam bộ đang quyết định tới 45% GDP của cả nước; 42% ngân sách cả nước. Hiện nay, kết nối giao thông của khu vực này vẫn đang bị tắc trong việc kết nối vùng. Hay như hệ thống cảng biển Thị Vải - Cái Mép vẫn luôn trong tình trạng tắc nghẽn; hay đi từ Tp. Hồ Chí Minh về các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên bị tắc nghẽn tại các cửa ngõ ra vào thành phố...
Tôi cho rằng, nếu giải quyết được vấn đề này thì khu vực Đông Nam bộ sẽ còn phát triển hơn nữa. Giải quyết được vấn đề liên kết vùng.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục