Làm sao để quản lý chất lượng giống cây trồng hiệu quả?

17:12' - 19/03/2018
BNEWS Mới đây, nông dân huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu gặp thiệt hại nặng trong vụ Đông Xuân 2017-2018 với một số giống lúa đang trong quá trình thử nghiệm.
Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Hay như một số nông dân ở các vùng trồng hồ tiêu du nhập giống tiêu ngoại về cho năng suất cao hơn, tuy nhiên việc kiểm định chất lượng, nguồn gốc giống vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Trước tình trên, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam xung quanh việc quản lý, cấp phép lưu hành giống cây trồng.
Phóng viên:Xin ông cho biết quy trình cấp phép lưu hành một loại giống cây trồng đang được triển khai như thế nào?
Ông Trần Xuân Định: Các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây trồng phải tuân theo Pháp lệnh Giống cây trồng 2004. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định 95/2007/QĐ-BNN ban hành quy định về công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới.
Như vậy, một loại cây trồng muốn được sản xuất, kinh doanh hợp lệ và hợp pháp thì giống đó phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Khoảng 3 tháng một lần, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ lập hội đồng xét duyệt và công nhận các giống mới được đưa vào sử dụng. Chỉ có những giống cây trồng có trong danh sách giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh mới là hợp pháp.
Phóng viên:Để được công nhận, đơn vị sản xuất giống phải làm những gì?
Ông Trần Xuân Định: Tác giả sản phẩm phải tiến hành một loạt thử nghiệm để đánh giá. Khi có thể tin tưởng sản phẩm sản xuất ra có thể đáp ứng các tiêu chí đề ra, đơn vị sẽ gửi cho cơ quan làm khảo nghiệm. Giống đó sẽ phải trải qua quá trình khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng (VCU); khảo nghiệm tính khác biệt, tính ổn định và tính đồng nhất (DUS).
Doanh nghiệp có thể làm khảo nghiệm song song hai hoạt động này. Việc khảo nghiệm DUS để chứng minh giống mới không trùng lặp với các giống đã tồn tại trong sản xuất. Giống phải đảm bảo độ thuần, không bị phân ly… Việc khảo nghiệm này do Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia đảm nhận theo các quy chuẩn đã ban hành.
Khảo nghiệm VCU sẽ phải triển khai ở vùng sản xuất đề nghị được công nhật ít nhất 3 vụ. Khảo nghiệm DUS phải thực hiện ít nhất 2 vụ trong cùng điều kiện.Quy trình khảo nghiệm được thực hiện rất chặt chẽ.
Sau khi khảo nghiệm, Cục Trồng trọt sẽ cấp phép cho sản xuất thử, việc sản xuất thử sẽ triển khai sản xuất diện rộng hơn. Chẳng hạn, lúa thuần không quá 2.000 ha. Việc sản xuất thử có thể diễn ra trên toàn quốc với điều kiện đã có khảo nghiệm VCU.
Phóng viên:Khi sản xuất thử, đơn vị giống phải tuân thủ những gì?
Ông Trần Xuân Định: Theo Pháp lệnh Giống cây trồng, sau khi đơn vị được đồng ý sản xuất thử có thể triển khai rộng nhưng phải thông báo, đăng ký với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kế hoạch sản xuất thử.
Đồng thời phải có hợp đồng để bảo đảm năng suất (bảo lãnh năng suất) với nhóm nông dân tham gia sản xuất thử đó. Điều này để tránh tình trạng doanh nghiệp “trình diễn, thử nghiệm” trên nông dân.
Đơn vị đó phải có kế hoạch cụ thể về việc sản xuất thử gửi tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp cùng với đơn vị khảo nghiệm trong việc đánh giá quá trình sản xuất thử này. Trong quá trình sản xuất thử có thể mời đại diện Cục Trồng trọt, đơn vị khảo nghiệm, địa phương đánh giá sản xuất thử cùng biên bản kèm theo. Quá trình sản xuất thử diễn ra tối thiểu 2 vụ, tối đa 3 năm.
Đối với giống nội nhập, quy trình cấp phép lưu hành cũng phải thực hiện quy trình như trên. Trừ những giống đặc biệt xuất sắc sẽ được hội đồng khảo nghiệm đánh giá và đặc cách không qua sản xuất thử.
Theo quy định, khi giống đang trong giai đoạn sản xuất thử, đơn vị không được bán, sản xuất kinh doanh. Nhưng có trường hợp những giống tốt vẫn đang trong quá trình sản xuất thử, có nông dân tự lựa chọn để sản xuất. Trường hợp này không thể cấm được nông dân. Đây là hiện trạng hay phổ biến nhất là đối với các giống lúa thuần.
Nếu doanh nghiệp đưa giống chưa được công nhận cho nông dân, nông dân có thể đưa ra pháp luật, thông tin tới thanh tra sở nông nghiệp và phát triển nông thôn hoặc thanh tra liên ngành.
Phóng viên:Vậy trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý giống cây trồng như thế nào?
Ông Trần Xuân Định: Các sản phẩm giống cây trồng được phép lưu hành đều được công bố. Khi phát hiện giống ngoài doanh mục, thanh tra Sở nông nghiệp và Phát triển nông hoàn toàn có quyền xử lý theo quy định pháp luật.
Thậm chí, nếu một giống được công nhận ở một vùng khác mà mang vào địa phương sản xuất cũng là vi phạm. Thanh tra ngành, thanh tra liên ngành hoàn toàn có quyền xử lý vi phạm này.
Khi đơn vị cung cấp giống mang giống mới tới địa phương sản xuất phải thông báo với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nếu không thông báo, đơn vị đó đã vi phạm quy định của pháp luật.
Như vậy, các nhà sản xuất kinh doanh cũng phải tuân thủ theo pháp luật đã quy định. Quy định cao nhất đối với giống cây trồng hiện nay là Pháp lệnh Giống cây trồng.
Để kiểm soát chặt việc lưu hành giống cây trồng tại địa phương, địa phương cần tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc lưu hành các loại giống cây trồng. Bởi, vẫn có tình trạng ở một số địa phương, đơn vị cung cấp giống không chất lượng và “té” rồi sở mới biết.
Nếu phát hiện giống cây trồng nào đó chưa được công nhận chính thức hay nghi ngờ, địa phương hoàn toàn có quyền yêu cầu đơn vị đó giải trình về giống cây trồng đó và có thể xử phạt nếu vi phạm theo quy định.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục