Làm sao để nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công?

10:27' - 22/01/2019
BNEWS Việc xây dựng dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công.
Sáng 22/1, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức hội thảo tham vấn Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đầu tư công nhằm lấy ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Tham vấn hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đầu tư công. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc xây dựng dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công; thay đổi cơ bản việc lập kế hoạch và thẩm định chương trình, dự án đầu tư công, tiếp cận theo thông lệ tốt trên thế giới; đồng thời, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan trong quản lý đầu tư công.
Ông Phương cũng cho biết, qua nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và các bộ, ngành, một số nội dung chủ yếu đã thống nhất đó là: về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Tại tờ trình, Chính phủ đang báo cáo Quốc hội một quy trình riêng đối với các dự án ODA. Sau khi thảo luận đã thống nhất kiến nghị phương án coi các dự án ODA như một dự án thông thường sử dụng vốn trong nước, theo đó, áp dụng chung trình tự, thủ tục. Chỉ có một quy trình còn khác biệt là quy trình đề xuất dự án (giai đoạn đầu tiên của dự án).
Về kế hoạch đầu tư công 3 năm cuốn chiếu, một số ý kiến cũng cho rằng, thiết kế kế hoạch 3 năm là không cần thiết, có thể phải làm việc nhiều hơn, nhiều thủ tục hơn, trong khi đã có kế hoạch trung hạn 5 năm. Sau khi thảo luận đã thống nhất việc lập kế hoạch 3 năm chỉ mang tính chất tham khảo như kế hoạch tài chính – ngân sách 3 năm.
Tại hội thảo, một số nội dung đã được cơ quan soạn thảo Luật lấy ý kiến đó là: có nên tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Có ý kiến cho rằng, tách là không cần thiết hoặc nếu tách có thể bị lạm dụng, giải phóng mặt bằng xong nhưng không thực hiện dự án…
Tuy nhiên, ông Trần Quốc Phương cho rằng, quan điểm của các cơ quan của Chính phủ cho rằng, tách là tạo thuận lợi trong triển khai dự án, cũng như giải phóng mặt bằng sạch đối với những khu vực đã được quy hoạch để đấu giá đất theo quy định của Luật Đất đai, thu hồi được vốn đã đầu tư giải phóng mặt bằng về ngân sách nhà nước.
Một nội dung khác cũng đã được các đại biểu tập trung thảo luận là định nghĩa nguồn vốn đầu tư công ngoài ngân sách nhà nước. Có ý kiến cho rằng, định nghĩa hiện nay là chưa rõ ràng, không bao quát, cần liệt kê đầy đủ là nguồn nào, hoặc có thể không quy định nguồn vốn này trong Luật.
Tuy nhiên, một số cơ quan Chính phủ cho rằng, việc có quy định để quản lý nguồn vốn này là cần thiết, đồng thời, thiết kế quy trình dự án và kế hoạch trong dự thảo Luật đã phân cấp triệt để, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, tạo thuận lợi trong triển khai. Vấn đề còn lại là tìm được một khái niệm phù hợp, có tính bao quát nhất mà không cần thiết phải liệt kê, kiểm đếm là nguồn vốn nào.
Về nguồn vốn đầu tư công, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước cho rằng, nguồn vốn dành cho đầu tư công cần phải có quy trình quản lý và cần có những phân cấp cụ thể.
“Luật Đầu tư công sửa đổi lần này cần tập trung vào tháo gỡ những khó khăn trong việc định nghĩa nguồn vốn đầu tư công ngoài ngân sách nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả của các dự án”, ông Vinh nhấn mạnh.
Giám đốc điều hành danh mục dự án, Ngân hàng Thế giới, ông Achim Fock cho rằng, để các dự án đầu tư công hoạt động hiệu quả, trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng danh mục các dự án đầu tư công đầy đủ nhằm giảm chi phí thủ tục cho các nhà đầu tư. Đối với hiệu quả liên quan đến từng dự án riêng lẻ, cần chi tiết rõ hơn trong Luật hay các Nghị định hướng dẫn thi hành…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật, dự kiến dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2019. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo tiếp thu chỉnh lý để hoàn thành dự án Luật.
Đến nay, dự thảo đã thống nhất được nhiều nội dung, khắc phục tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đầu tư công, còn một số nội dung được các đại biểu quốc hội quan tâm, cần làm rõ, đặc biệt vấn đề đổi mới, phân công, phân cấp trong quản lý sử dụng đầu tư công hiệu quả…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục