Làm sao để doanh nghiệp tiếp cận quy định an toàn thực phẩm tại thị trường Mỹ

13:39' - 28/08/2017
BNEWS Bộ Y tế cũng thường xuyên rà soát và bổ sung những cơ chế chính sách, thông tin hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu
Ngày 28/8, tại Diễn đàn An toàn thực phẩm toàn cầu do Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được Việt Nam quan tâm và chú trọng, trong đó các quy định, tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa ngày càng được nâng cao và kiểm soát chặt chẽ vì đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, quyền lợi người tiêu dùng và tính bền vững của nền kinh tế. Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, với vai trò quản lý Nhà nước, Bộ Y tế luôn nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để các hiệp hội, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh tiếp cận các quy định, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

Bộ Y tế cũng thường xuyên rà soát và bổ sung những cơ chế chính sách, thông tin hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Thông qua Diễn đàn lần này, Bộ Y tế mong muốn tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của các tổ chức quốc tế, hiệp hội ngành hàng và doanh doanh nghiệp để có những giải pháp điều chỉnh cơ chế chính sách phù hợp hơn trong tình hình mới, đáp ứng những đòi hỏi về an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: Trước tình hình nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang gặp khó khăn tại một số thị trường nước ngoài do chưa kịp thời nắm bắt các quy định an toàn thực phẩm, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tích cực hỗ trợ các đơn vị sản xuất kinh doanh phát triển nhiều mặt hàng xuất khẩu đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí đầu vào trong sản xuất kinh doanh, Bộ Khoa học và Công nghệ với vai trò cầu nối, đang có nhiều hoạt động giúp doanh nghiệp tiếp cận nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước do Bộ triển khai.
Ngành nông nghiệp, thủy hải sản và thực phẩm chiếm khoảng 46% lực lượng lao động của Việt Nam, đem lại giá trị xuất khẩu đáng kể cho Việt Nam. Chỉ riêng ngành hải sản đã đạt 7 tỷ USD trong kim ngạch xuất khẩu Việt Nam năm 2016.

Tuy nhiên, theo quy định mới về an toàn thực phẩm giành cho sản phẩm nhập khẩu, dựa vào Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và sự dịch chuyển trách nhiệm trong điều tra nhập khẩu cá da trơn từ FDA sang Bộ Nông nghiệp (USDA).

Do đó, các chuyên gia quan ngại rằng, việc thiếu hiểu biết các quy định mới có thể gây ra sự giảm sút đáng kể về kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam vào Mỹ, cũng như sự suy giảm nhân công và doanh thu ngành.
Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm có rất nhiều quy định mới, do đó doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt để có thể tuân thủ những quy định mới này, từ đó duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu lành mạnh đối với mặt hàng nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam và Mỹ.
Ông Mark Gillin - Phó Chủ tịch AmCham Vietnam tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Theo quy định mới trong Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm, tất cả các nhà máy đăng ký phải gia hạn đăng ký sau mỗi hai năm, bắt đầu từ năm 2016, trong khoảng thời gian từ ngày 1/10 đến 31/12.

Trong tháng 12/ 2016, có 1.845 nhà máy thực phẩm ở Việt Nam đăng ký với FDA để xuất khẩu vào Mỹ nhưng trong tháng 1/2017 con số này rớt xuống còn 806 nhà máy. Nguyên nhân là do hơn 1.000 công ty Việt Nam không biết quy định mới này và không gia hạn đăng ký nên rớt khỏi danh sách và hiện nay không thể xuất khẩu hàng vào Mỹ./.


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục