Làm gì để hạn chế thao túng giá chứng khoán?

10:41' - 03/06/2019
BNEWS Thời gian qua, hàng loạt hành vi vi phạm, thao túng giá cổ phiếu bị cơ quan quản lý phát hiện và xử lý, thậm chí là phạt tù đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, hành vi thao túng giá cổ phiếu dường như vẫn chưa thuyên giảm do lợi ích lớn từ việc vi phạm đem lại. Để giúp thị trường chứng khoán phát triển nhanh và bền vững, ngành chứng khoán đã đưa ra những mục tiêu cụ thể và giải pháp nâng cao tính minh bạch và chất lượng hàng hóa trên thị trường.
Tăng tính minh bạch để hạn chế thao túng giá chứng khoán. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong số hơn 90 vụ việc vi phạm bị xử phạt từ đầu năm đến hết ngày 23/5 vừa qua, có 4 vụ thao túng giá cổ phiếu với mức phạt hơn nửa tỷ đồng mỗi vụ.
Gần đây nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt 600 triệu đồng vì hành vi thao túng cổ phiếu VAT đối với ông Chu Trường Giang. Ông Giang đã sử dụng tới 43 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, lôi kéo nhà đầu tư khác mua bán nhằm thao túng cổ phiếu VAT.
Trước đó, trong quý I/2019, có ba cá nhân là ông Lê Văn Long, ông Đinh Xuân Cường và bà Nguyễn Thị Nhung bị Thanh tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt mỗi người 550 triệu đồng vì hành vi tương tự.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, căn cứ kết quả kiểm tra và các tài liệu có trong hồ sơ, xem xét tính toán số thu lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi vi phạm, 4 trường hợp thao túng cổ phiếu này chưa có số thu lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm.
Giới phân tích cho rằng, nếu các hành vi thao túng cổ phiếu trót lọt, không bị phát hiện sớm thì số tiền thu lời bất chính của các đối tượng vi phạm sẽ rất lớn.
Ngoài phạt hành chính thuộc thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, những hành vi vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực chứng khoán sẽ bị cơ quan công an khởi tố và đưa ra xét xử.
Theo đó, ngày 7/5, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án với 15 bị cáo vụ thao túng giá chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Mỏ và xuất nhập khẩu miền Trung (thao túng mã chứng khoán: MTM).
Trong bản luận tội, đại diện Viện Kiểm sát đánh giá, hành vi của các bị cáo có sự cấu kết chặt chẽ, có sự tiếp tay của các cán bộ ngân hàng, tạo cung cầu giả tạo đối với cổ phiếu MTM, làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư. Giám định viên kết luận, có 59 tài khoản tạo cung cầu giả tạo, hơn 1.000 nhà đầu tư bị thiệt hại, với tổng số tiền 56 tỷ đồng.
Trong vụ án này, bị cáo Trần Hữu Tiệp, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty MTM bị Viện Kiểm sát đề nghị Tòa tuyên phạt tù chung thân - mức án cao nhất trong số các bị cáo còn lại.
Trước đó, năm 2018, có 9 cá nhân bị phạt hành chính về hành vi vi phạm này với tổng mức phạt 5,1 tỷ đồng. Với kết quả này, năm 2018 được xem là năm kỷ lục về xử phạt thao túng giá chứng khoán.
Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Nguyễn Thế Thọ nhận định: “Nếu nhìn vào quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính tất cả các ngành, tôi cho rằng không có ngành nào mức xử phạt cao như ngành chứng khoán. Hiện mức xử phạt của hành vi thao túng chứng khoán thấp nhất là 500 triệu đồng, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự".
Nhiều chuyên gia cho rằng, mức tiền phạt tuy không nhỏ nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe vì nếu hành vi thao túng chứng khoán được thực hiện trót lọt sẽ mang lại lợi ích rất lớn, có thể là hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Chính vì thế đã đến lúc cần những chế tài mạnh hơn.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật BASICO, việc xử lý vi phạm không tịch thu các khoản làm lợi, không xử lý tới ngọn ngành, dẫn đến tình trạng "nhờn" luật.
Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư - Maybank Kim Eng cho rằng, nguyên nhân vẫn diễn ra tình trạng thao túng giá chứng khoán là mức xử lý vẫn chưa đủ tính răn đe. Nếu theo dõi những diễn đàn chứng khoán trên facebook, youtube, zalo... có thể thấy những thông tin theo kiểu “phím hàng”, định hướng rất nhiều.
Theo vị chuyên gia này, với thị trường chứng khoán phát triển như Mỹ cũng có việc thao túng giá chứng khoán. Tuy nhiên, luật pháp của họ rất nghiêm ngặt nên không có chuyện “phím hàng” công khai như vậy.
“Không như ở Việt Nam, nhà đầu tư có thể hỏi thông tin về mã cổ phiếu và coi chuyện này là điều hiển nhiên trao đổi trên các diễn đàn, mạng xã hội. Cần phải ngăn chặn việc "phím hàng" công khai trên mạng xã hội bằng cách xử lý mạnh và phải tuyên truyền nhiều hơn”, ông Khánh kiến nghị.
Theo nhà đầu tư lâu năm Trần Anh Ngọc, hành vi dùng nhiều tài khoản để thao túng giá chứng khoán, mức phạt chỉ mang tính chất răn đe.
Đồng quan điểm, nhà đầu tư Trần Tiến Dũng cho rằng: “Chỉ cần thấy giao dịch bất thường là biết cổ phiếu nào đang có vấn đề, có thể xảy ra thao túng giá chứng khoán. Nếu cứ tiếp diễn sẽ làm cho những nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường.”
Ông Nguyễn Thế Thọ - Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thừa nhận, tuy cơ quan quản lý đã áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao, nhưng vẫn có không ít nhà đầu tư mắc sai phạm khi sử dụng nhiều tài khoản để thao túng một số mã chứng khoán. Thực tế này đặt ra yêu cầu mức xử phạt vi phạm chứng khoán cần mạnh mẽ hơn nữa.
Theo Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, mục tiêu đặt ra cho ngành chứng khoán là quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu đạt mức 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025; số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 tăng 20% so với năm 2017; số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025.
Đến năm 2025, chất lượng quản trị công ty trong các công ty niêm yết của Việt Nam đạt mức bình quân ASEAN-6. Trước năm 2025, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên danh sách các thị trường mới nổi.
Để thực hiện được mục tiêu điều này, ngành chứng khoán đưa ra giải pháp nâng cao tính minh bạch và chất lượng hàng hóa. theo đó, cơ quan quản lý sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn huy động trên thị trường chứng khoán; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tăng vốn ảo và sử dụng vốn sai mục đích.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ được bàn thảo; trong đó có quy định chế tài nâng cao tính răn đe, phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường.
Theo dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), mức phạt với hành vi vi phạm tối đa theo hướng: đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính minh bạch, an toàn của thị trường như: thao túng thị trường, giao dịch nội bộ... mức phạt tiền tối đa là mười lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và năm lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân; đối với các hành vi vi phạm khác quy định mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Nguyễn Thế Thọ thông tin, nếu việc thao túng giá chứng khoán bị tái phạm nhiều lần có thể cấm vĩnh viễn không cho giao dịch hoặc hạn chế thời gian giao dịch; các công ty nhiều lần vi phạm công bố thông tin phải có chế tài xử lý; công ty chứng khoán vi phạm phải rút giấy phép và tạm ngừng hoạt động.
Ông Thọ cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với các Sở Giao dịch chứng khoán có nhiệm vụ giám sát giao dịch trên cơ sở giám sát từ nhiều nguồn thông tin, kể cả các đơn thư tố cáo để làm rõ việc đặt lệnh, hủy lệnh của các nhóm tài khoản, từ đó có cơ sở xác định hành vi vi phạm. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi xác định được các hành vi thao túng giá chứng khoán của cá nhân hay tổ chức sẽ xử lý theo quy định của pháp luật./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục