Lâm Đồng xử nghiêm người đứng đầu tại địa bàn để xảy ra phá rừng

14:33' - 08/10/2018
BNEWS Trong 9 tháng của năm 2018, lực lượng chức năng Lâm Đồng đã phát hiện, lập biên bản 660 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, gây thiệt hại 45 ha rừng và 2.552m3 lâm sản.
Trong 9 tháng của năm 2018, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản 660 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, gây thiệt hại 45 ha rừng và 2.552m3 lâm sản. Ảnh minh họa: K GỬIH -TTXVN

Tính đến hết tháng 9/2018, tỉnh Lâm Đồng đã có 11/12 huyện, thành phố hoàn thành việc trồng cây phân tán theo kế hoạch. Tuy nhiên, công tác trồng rừng tập trung triển khai và thực hiện lại chậm so với kế hoạch; để xảy ra nhiều vụ phá rừng, chống người bảo vệ rừng. Trong những tháng cuối năm, tỉnh đề ra nhiệm vụ trọng tâm là tập trung trồng, quản lý và bảo vệ rừng.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện tại, diện tích rừng trồng mới của tỉnh mới chỉ thực hiện 1.240 ha, đạt 40% kế hoạch đặt ra cho năm 2018, trong khi đó, vẫn còn 11 hồ sơ trồng rừng thay thế chưa thẩm định phê duyệt.

Nguyên nhân được cho là quỹ đất trồng rừng manh mún, không tập trung; các Ban quản lý rừng chưa chủ động ứng vốn để chuẩn bị hiện trường trồng rừng; diện tích trồng rừng sau giải tỏa bị tái lấn chiếm trở lại…

Trong 9 tháng của năm 2018, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản 660 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, gây thiệt hại 45 ha rừng và 2.552m3 lâm sản. Số vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp cũng lên tới 242 vụ với diện tích lấn chiếm gần 78 ha.

Nhiều vụ vi phạm nổi cộm, chống người thi hành công vụ như vụ phá rừng trái pháp luật ở xã Phi Liêng (huyện Đam Rông); vụ chống người thi hành công vụ tại Ban Quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà; vụ cán bộ bảo vệ rừng bị hành hung khi giải tỏa rừng bị lấn chiếm tại xã Phú Hội (huyện Đức Trọng); các vụ khai thác rừng trái phép tại thị trấn Nam Ban, xã Gia Lâm (huyện Lâm Hà)… gây bức xúc trong dư luận.

Trước tình trạng trên, Chủ tịch UBND Lâm Đồng đã phải ra văn bản số 5985/UBND-LN, chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các quy định về chính sách giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp; kịp thời điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng.

Tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiểm điểm và xử lý nghiêm cán bộ, công chức kiểm lâm lơ là, thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng, khai thác gỗ trái phép; kiên quyết cưỡng chế, giải tỏa diện tích bị phá, lấn chiến để trồng lại rừng…

Địa phương nào không thực hiện, thực hiện không quyết liệt để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch UBND tỉnh…

Trong những tháng cuối năm 2018, tỉnh Lâm Đồng tập trung vào trồng rừng, trồng cây phân tán theo kế hoạch đặt ra từ đầu năm là 3.178ha. Các đơn vị, địa phương tập tăng cường công tác tuần tra, rà soát các điểm phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, khai thác gỗ trái pháp luật.

Xử lý nghiêm người đứng đầu, các tập thể, cá nhân để rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, xâm hại thuộc địa bàn phụ trách…/.

>> Kiểm lâm Bình Phước phát hiện vụ phá rừng lấy gỗ khá nghiêm trọng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục