Lâm Đồng: Tái diễn nạn "bức tử" rừng thông quy mô lớn

17:43' - 27/07/2019
BNEWS Những vạt rừng thông bị "bức tử" chết khô hay hàng loạt cây thông bị triệt hạ để các đối tượng chiếm đất rừng, trồng cây nông nghiệp trên đất lâm nghiệp.
Vạt rừng thông bị đầu độc dài gần 1km dọc bên đường hiện đã có biểu hiện chết khô, lá héo úa. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN 

Đây là thực trạng đang diễn ra tại địa bàn huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng), nhưng tiếc thay cơ quan chức năng chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời. 

*Xác xơ vì bị đầu độc
Một vạt rừng thông hơn 30 năm tuổi đang héo úa, lá chuyển màu đỏ hoe tại Tiểu khu 460, lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Đam B’Ri quản lý (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm).

Đây là hậu quả của một vụ "bức tử" rừng thông quy mô lớn vừa được cơ quan chức năng phát hiện.

Mặc dù vụ việc đã được Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra, nhưng thủ phạm vẫn chưa được xác định.
Theo thống kê của lực lượng Kiểm lâm, tổng diện tích thông bị đầu độc khoảng 6.450m2, nằm dọc theo tuyến đường liên thôn 7 (xã Lộc Ngãi).

Qua kiểm đếm, cơ quan chức năng thống kê có 330 cây thông trồng từ năm 1986 đã bị đầu độc bằng hình thức khá tinh vi, kẻ xấu dùng vật sắc nhọn chặt, chém vào bộ rễ cây sát gốc rồi đổ hóa chất vào, sau đó lấp đất lại để tránh bị phát hiện.
Diện tích rừng thông bị đầu độc nằm sát vườn cà phê và dâu tằm của người dân. Sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng chức năng cũng tiến hành đào các lằn ranh (rộng 1m, sâu 1m) dài khoảng 4km để tách biệt rừng thông với diện tích đất vườn.
Theo ông Nguyễn Tài Tú, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm, tình trạng phá rừng bằng hình thức "ken" cây (khoan hoặc chặt vào thân cây rồi đổ hóa chất cho cây chết dần) và lấn chiếm đất lâm nghiệp trong 6 tháng đầu năm nay có dấu hiệu gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp.

Tuy nhiên, những hành vi này rất khó phát hiện và bắt quả tang để xử lý. Bằng chứng là trong năm 2018, cơ quan chức năng chỉ bắt và xử lý được 2 đối tượng đầu độc rừng thông và trước đây cũng chỉ xử lý được vài trường hợp tương tự.

Vạt rừng thông bị đầu độc dài gần 1km dọc bên đường hiện đã có biểu hiện chết khô, lá héo úa. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN 

*Rừng cộng đồng biến thành nông trại
Trong khi rừng thông liên tục bị bức tử để chiếm đất thì diện tích rừng giao cho cộng đồng dân cư trên địa bàn quản lý cũng không ngoại lệ.

Vụ việc hàng trăm khúc thông đã bị triệt hạ và chôn xuống đất phi tang tại Khoảnh 6 (Tiểu khu 438A, xã Lộc Phú, Bảo Lâm) mới được phát hiện đã gióng thêm hồi chuông cảnh báo về tình trạng xâm chiếm đất rừng cộng đồng ở Bảo Lâm.

Theo cơ quan chức năng, số thông này có thể bị cưa hạ trong thời gian từ 1 đến vài tháng qua. Tại những vị trí có các khúc cây thông chôn lấp là những gốc thông bị cưa sát đất, thay vào đó là những gốc cây bơ được trồng thay thế.
Theo thống kê, số thông bị triệt hạ và phi tang nằm trên diện tích khoảng 2 ha đã rào lưới B40 xung quanh.

Khu vực này thuộc phần diện tích rừng cộng đồng được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Tổ cộng đồng dân cư thôn 4 (xã Lộc Phú) do ông Nguyễn Đức Dạo làm Tổ trưởng.

Tương tự, tại các khoảnh 2, 3, 4, TK 438A thuộc rừng cộng đồng dân cư thôn 4 cũng có nhiều ha rừng thông bị triệt hạ, lấn chiếm và biến thành vườn cà phê, bơ, chanh dây xanh tốt…
Qua tìm hiểu, cộng đồng dân cư thôn 4 được giao tổng diện tích hơn 230 ha rừng; trong đó, có hơn 192 ha quản lý bảo vệ rừng và hơn 32 ha trồng và chăm sóc rừng, chỉ có 5,85 ha là diện tích sản xuất nông lâm kết hợp.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây diện tích rừng liên tục bị phá, lấn chiếm với tổng diện tích 97 ha. Trong đó, có khoảng 21 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và hình thành các "nông trại" trồng cà phê, bơ, chanh dây…
Ông Phan Duy Tâm, Chủ tịch UBND xã Lộc Phú cho biết, ban đầu rừng cộng đồng có 9 hộ nhận quản lý bảo vệ, nhưng hiện chỉ còn 2 hộ quản lý, bảo vệ nên không đảm bảo công tác giữ rừng.

"Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn xảy ra nên việc giao rừng cho cộng đồng không đem lại hiệu quả như kỳ vọng", ông Tâm nhận định.
Tương tự, ông Nguyễn Tài Tú cho biết, trước đây lực lượng Kiểm lâm đã phát hiện tình trạng lấn chiếm đất trong rừng cộng đồng, nhưng sau nhiều lần làm việc, gửi văn bản, yêu cầu giải tỏa cây trồng sai mục đích, nhưng ông Nguyễn Đức Dạo vẫn không thực hiện.

"Do phát hiện nhiều sai phạm, để xảy ra phá rừng và các thành viên trong Tổ cộng đồng không đúng như ban đầu nên Hạt Kiểm lâm đã kiến nghị cấp trên thu hồi diện tích rừng cộng đồng này"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục