Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Những nhận xét về đề thi Ngữ văn

12:45' - 25/06/2019
BNEWS Sáng 25/6, sau 120 phút làm bài, thí sinh đã chính thức hoàn thành môn thi đầu tiên Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2019.
Thí sinh trao đổi sau khi hoàn thành môn thi Ngữ Văn tại điểm thi trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Nhận xét về đề thi môn Ngữ văn, nhiều giáo viên đánh giá, đề thi bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức kỹ năng, giúp học sinh biết yêu vẻ đẹp của văn chương và thể hiện những hiểu biết về cuộc sống. Các thí sinh rất nỗ lực hoàn thành bài thi trong khả năng của mình.

Đề thi cấu trúc tương đương đề minh họa

Cô Nguyễn Thị Hương Thủy, Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An nhận định: Đề cấu trúc tương đương với đề minh họa nên học sinh không bị bỡ ngỡ và có tinh thần làm bài khá thoải mái.

Đề đã đảm bảo được chuẩn kiến thức và kỹ năng, chạm đến những vấn đề mang tính thời sự và có thể phát huy được những trải nghiệm của học sinh. Học sinh có thể làm bài không chỉ bằng kiến thức ở nhà trường mà còn bằng những suy nghĩ, trải nghiệm của cá nhân.

Với những học sinh có lực học trung bình, có thể giải quyết được đề bài ở mức độ 50- 60%. Học sinh giỏi, có năng lực, biết suy tư, trăn trở, có thể phát huy được sở trường của mình khi cảm nhận được nội dung sâu xa của đề.

Cả hai phần đọc hiểu và làm văn đều là những vấn đề quen thuộc, đã được trình bày bởi những con người ở thế hệ trước (Vũ Quần Phương, Hoàng Phủ Ngọc Tường... những người ở thế hệ nguyện “hóa thân cho dáng hình xứ sở”).

Những học sinh thuộc thế hệ hôm nay khi làm bài có thể đối thoại được với thế hệ đi trước, thế hệ cha anh, để vừa thể hiện được suy tư khi kế thừa thành quả, vừa thể hiện được sự tiếp nối của thế hệ trẻ hôm nay.

Cô Phạm Thị Thu Phương, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Tất Thành nhận định: Ngữ liệu với các câu hỏi trong đề thi Ngữ văn vừa sức với học sinh, đề cập đến các vấn đề ý nghĩa, có hiệu quả trong việc đánh giá năng lực của học sinh.

Nhìn chung, đây là một đề hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao. Học sinh cần phải nắm chắc kiến thức và thuần thục kĩ năng làm các dạng bài mới có thể đạt được điểm khá, giỏi.

Phần Làm văn bao gồm 2 câu hỏi: Câu hỏi thứ nhất yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận xã hội với dung lượng 200 chữ (không quá một mặt giấy thi).

Câu hỏi này chiếm 20% tổng số điểm của phần Làm văn. Vấn đề nghị luận được rút ra từ ngữ liệu của phần Đọc hiểu là sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống.

Thí sinh ra khỏi phòng thi sau môn Ngữ Văn tại điểm thi trường THPT Hồng Quang (TP Hải Dương). Ảnh: Mạnh Minh TTXVN

Để hoàn thành đoạn văn nghị luận xã hội, học sinh cần bắt đầu từ việc trình bày cách hiểu về sức mạnh ý chí của con người, nêu được những ý nghĩa lớn lao của sức mạnh ý chí, biết phê phán những biểu hiện thiếu ý chí và cuối cùng, học sinh phải biết liên hệ bản thân để nhận ra những bài học nhận thức và bài học hành động ý nghĩa, thiết thực.

Học sinh cũng cần biết kết hợp các thao tác lập luận để tạo lập văn bản, chú ý đảm bảo chuẩn dung lượng bài viết mà đề bài yêu cầu.

Câu hỏi còn lại của phần Làm văn là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận văn học, chiếm 50% tổng số điểm bài thi. Vấn đề nghị luận thuộc kiến thức lớp 12, yêu cầu học sinh nêu cảm nhận về hình tượng sông Hương qua một đoạn trích trong văn bản “Ai đã đặt tên cho dòng sông” (Hoàng Phủ Ngọc Tường).

Đề bài đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm, thành thạo kĩ năng phân tích, cảm thụ văn bản mà còn phải thực sự hiểu đặc điểm phong cách nghệ thuật của tác giả. Học sinh cần tập trung làm nổi bật những liên tưởng độc đáo, thú vị của tác giả khi tái hiện hình tượng sông Hương.

Từ đó, học sinh cần biết tổng hợp khái quát lại cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường: khám phá ra “phần đời” mà dòng sông không muốn bộc lộ, tái hiện được vẻ đẹp riêng của sông Hương ở thượng nguồn, thể hiện sự am tường về địa lý và văn hóa xứ Huế sau cả một cuộc đời gắn bó với mảnh đất cố đô.

Thí sinh rất cố gắng làm bài thi

Là thí sinh ra sớm nhất tại điểm thi Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Trãi, em Văn Mạnh (Trường Trung học Phổ thông Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) em thi  khối A nên không đầu tư nhiều cho môn Văn. Tuy nhiên với đề thi như vậy, em vẫn có thể làm được.

Với mục tiêu là Đại học Hà Nội, em Phan Kim Ngân (Trường Trung học Phổ thông Phạm Hồng Thái, Hà Nội) đã rất cố gắng ôn tập trước kỳ thi. Ngân đã dành thời gian ôn tập rà soát tất cả các bài đã học chứ không “học tủ”.

Kim Ngân chia sẻ: “Phần tự luận năm nay có sẵn đoạn trích dẫn nên không đòi hỏi thí sinh phải thuộc lòng đoạn thơ để làm bài. Tuy nhiên, đề thi vào bài thơ “Ai đã đặt tên cho dòng sông” chắc chắn làm nhiều bạn bất ngờ".

Chị Trương Minh Thuý, mẹ Kim Ngân cho biết, Ngân thường xuyên thức đến gần sáng để học. Thi thử môn Ngữ văn, Kim Ngân được 7,2 điểm. Mục tiêu của em là 7 điểm môn Văn.

Với các học sinh thi khối A, đề thi yêu cầu nhận xét về tác phẩm, hình tượng trong tác phẩm là dạng bài tương đối khó nên mức điểm các học sinh ước đạt là từ 3-5 điểm. Nguyễn Bá Sơn Tùng (Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Trãi, Hà Nội) cho biết: Em cố gắng làm hết khả năng của mình nhưng với em đề thi này là khó.

Tại điểm Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Trãi, giờ thí sinh tan khá đông các bậc phụ huynh đứng đợi. Lực lượng chức năng làm công tác đảm bảo an toàn trật tự phối hợp với sinh viên tình nguyện phối hợp để giữ cho cổng trường và lòng đường không bị ùn tắc.

Môn thi Ngữ Văn được các thí sinh tại tỉnh Cà Mau đánh giá là hay, nhiều em làm bài tốt. Ảnh: Huỳnh Thế Anh-TTXVN

Tại Điểm trường Trung học Phổ thông Đoàn Kết – Hai Bà Trưng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), phụ huynh em Trần Mỹ Hạnh – học sinh lớp 12D3 Trường Trung học Phổ thông Vinschool (Hà Nội) cho biết: Trước khi diễn ra kỳ thi này, cháu đã ôn luyện rất kĩ nên gia đình rất tin tưởng con có thể vượt qua thử thách đầu tiên.

Sau 120 phút thi chính thức, em Trần Mỹ Hạnh vui mừng thông tin đến mẹ là đề thi không quá khó, bởi em đã ôn tập từ trước.

Với 2 phần Đọc hiểu và Làm văn, em phân bổ thời gian rõ ràng, hoàn thành từng khâu cho đến hết. Với số lượng hoàn thành bài thi đến 80% thì hi vọng em sẽ giành được điểm cao ở môn thi đầu tiên này.

Là thí sinh ra đầu tiên của Điểm trường Trung học Phổ thông Đoàn Kết – Hai Bà Trưng, em Đỗ Hoàng Hải, lớp 12D4 cảm nhận: Đề thi năm nay đúng trong chương trình học. Câu Làm văn đòi hỏi phải có kiến thức xã hội rộng, bao quát mới làm tốt được.

Phần Đọc hiểu em làm khá tốt, chắc sẽ đạt điểm tối đa. Với lực học trung bình mà em hoàn thành khoảng 70% bài là thành công.

Tương tự, thí sinh Hoàng Văn Dũng, lớp 12A3, Trường Trung học Phổ thông Đoàn Kết – Hai Bà Trưng cho rằng, phần Đọc hiểu học sinh dễ kiếm điểm.

Tuy nhiên, đến phần Làm văn có phần khó hơn do đề thi lựa chọn tác phẩm Sông Hương đã gây bất ngờ cho một số thi sinh, trong đó có em. Ngoài ra, em khá vất vả khi phải tổng hợp kiến thức xã hội. Nhờ phân bổ quỹ thời gian, em đã hoàn thành được khoảng 65%.

Theo Trưởng Ban Giám thị Điểm trưởng Trung học Phổ thông Đoàn Kết – Hai Bà Trưng Nguyễn Minh Phi, Điểm trường có tổng số 20 phòng thi với 480 thí sinh đăng ký dự thi. Sáng nay, 477 thí sinh tham gia dự thi, vắng mặt 3 em không có lý do.

Trong quá trình coi thi môn Ngữ văn, không có thí sinh nào vi phạm quy chế thi, bởi trước đó Ban Giám thị đã phổ biến quy chế thi đến từng em học sinh. Tình hình an ninh, an toàn, bảo mật đề thi được đảm bảo.

Chiều nay, các thí sinh tiếp tục bước vào môn thi thứ 2 là Toán./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục