Kỷ nguyên Reiwa: Bình minh mới trên đất nước "Mặt Trời mọc"

05:30' - 07/05/2019
BNEWS Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng triều đại mới với niên hiệu Reiwa (Lệnh Hòa) của Hoàng thái tử nối ngôi Naruhito sẽ giúp nền kinh tế mờ nhạt của “đất nước Mặt trời mọc” hồi sinh.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga giới thiệu niên hiệu mới Reiwa (Lệnh Hòa). Ảnh: TTXVN/Kyodo

Với sự kiện Nhật hoàng Akihito chính thức thoái vị vào ngày 30/4/2019 sau ba thập niên trị vì, Nhật Bản đang đứng trước “buổi bình minh” của một kỷ nguyên mới.

*Không khí tưng bừng lễ hội…

Khác với những lần trước đó khi sự chuyển đổi triều đại diễn ra sau khi một vị quốc vương băng hà, Nhật hoàng Akihito là hoàng đế đầu tiên thoái vị ngai vàng trong lịch sử Nhật Bản hiện đại. Chính vì vậy, thay vì chào đón một kỷ nguyên mới trong không khí tang tóc, kỷ nguyên Reiwa sẽ diễn ra trong không khí tưng bừng lễ hội.

Reiwa bắt đầu với một kỳ nghỉ lễ kéo dài chưa từng có là 10 ngày. Đây là sự kết hợp giữa đợt nghỉ lễ Tuần lễ Vàng hàng năm, kết hợp với các ngày nghỉ bổ sung kỷ niệm sự kiện Hoàng đế Akihito thoái vị vào ngày 30/4 và đón chào vị hoàng đế mới vào ngày 1/5.

Ở độ cao 450 m, du khách đến với tháp Tokyo Skytree đã được chứng kiến quá trình chuyển giao giữa hai triều đại Heisei và Reiwa trên bầu trời. Tòa tháp truyền hình cao nhất thế giới đã kéo dài giờ mở cửa đài quan sát đến 0h30 ngày 1/5 so với quy định 22h hàng ngày. Cùng với đó, phí vào cửa cũng được giảm một nửa sau 22h để kỷ niệm sự kiện này.

Trong khi đó, tại Shibuya - giao lộ nhộn nhịp nhất thế giới - những người tham gia đã có cơ hội tụ tập để đếm ngược như trong đêm giao thừa. Tận dụng cơ hội này, khách sạn Shibuya Excel Tokyu lân cận đã chuẩn bị một chương trình nhằm cung cấp cho các khách hàng cơ hội chứng kiến màn đếm ngược tại giao lộ Shibuya từ khu vực tầng 25 trong hệ thống nhà hàng của họ.

Sáng 1/5, ngày đầu tiên của kỷ nguyên Reiwa, là một ngày bận rộn cho các cửa hàng bách hóa của Tokyo. Tại trung tâm thương mại nổi tiếng Matsuya Ginza, có một ban nhạc đến để biểu diễn khi khách vào cửa hàng. Bên cạnh đó, Matsuya Ginza cũng nhận khắc các ký tự Reiwa trên những chiếc đồng hồ cá nhân, nhẫn.

Không khí vui mừng chào đón kỷ nguyên Reiwa cũng diễn ra trên khắp đất nước Nhật Bản. Tại Kyoto, nhà sản xuất rượu sake có trụ sở tại Kyoto Takara Shuzo cũng đã mở rộng hoạt động trên ba nhà máy để đảm bảo rằng nguồn cung không bị cạn kiệt bởi người Nhật có truyền thống ăn mừng với rượu sake. Đây được coi là thức uống linh thiêng.

"Đó là trải nghiệm chỉ có một lần trong đời", cô Midori Tatsumi, một cư dân 35 tuổi sống tại quận Kanagawa cho biết. Gia đình Tatsumi sẽ chào đón một em bé trong một vài tháng tới và theo cô Tatsumi, cô cảm thấy rất đặc biệt khi viết vào tờ giấy ngày sinh dự kiến của em bé là năm "Reiwa 1".

*… tạo ra những cơ hội mới về kinh tế

Công ty chứng khoán SMBC Nikko Securities dự đoán sự thay đổi triều đại sẽ thúc đẩy sức tiêu thụ lên mức 377 tỷ yen (tương đương 3,4 tỷ USD) trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 10 ngày, với các loại hình doanh nghiệp từ nhà hàng đến cửa hàng bách hóa đến các địa điểm tổ chức đám cưới sẵn sàng nắm bắt cơ hội.

Đối với Royal Holdings, nhà điều hành chuỗi nhà hàng gia đình Royal Host, sự thay đổi triều đại là cơ hội để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, đồng thời quảng bá thực đơn mới. Tại cửa hàng Q CAFE ở Tokyo Midtown Hibiya, một trong những khu mua sắm sang trọng của thủ đô, một thực đơn cao cấp đặc biệt sẽ được phục vụ cho đến hết ngày 6/5 với giá 2.500 yen, bao gồm socola, salad trái cây, rau câu, cá hồi hun khói, bánh mì phô mai kem và một lựa chọn về đồ uống.

Một sản phẩm đặc trưng khác sẽ được phục vụ đó là monaka - chiếc bánh quế trong hình dạng một bông hoa cúc có phết mứt làm từ đậu. Hoa cúc, phát âm kiku trong tiếng Nhật, là biểu tượng của sự trường thọ, trẻ hóa và mang dấu ấn của Hoàng gia. Người phát ngôn của Royal Holdings nói: "Chúng tôi đã gửi gắm vào món kiku monaka sự vui sướng cùng lời chúc mừng của mình".

Trong khi đó, khách sạn Ritz-Carlton ở Osaka đang cung cấp một loại cocktail lấy cảm hứng từ triều đại Reiwa trong một quầy bar ở tầng 5. Thứ đồ uống có tên Kaoru-Reiwa được pha chế bởi chuyên gia Mihoko Sato. Cái tên Kaoru được trích dẫn trong Manyoshu, là tuyển tập lâu đời nhất của thơ ca Nhật Bản, cũng là nguồn gốc của thuật ngữ "Reiwa".

Cocktail Kaoru-Reiwa là sự kết hợp giữa rượu sake đến từ Kyoto và rượu vodka, trộn với xi-rô làm từ hỗn hợp dâu tây, cà chua mini và cam quýt chín muộn. Nhà pha chế Sato cho biết: “Đã có đơn đặt hàng mỗi ngày kể từ khi chúng tôi bắt đầu cung cấp loại thức uống này. Kaoru-Reiwa đã được cả đàn ông và phụ nữ yêu thích và tôi đã nhận được những lời khen ngợi vì hương vị thơm ngon, mới mẻ của nó".

Theo Akiyoshi Takumori, nhà kinh tế trưởng tại Sumitomo Mitsui DS Asset Management, sức tiêu dùng trong kỳ kỷ niệm sẽ có tác động lớn và nhiều doanh nghiệp có kinh nghiệm mời chào cơ hội tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

Chuyên gia Takumori nói: “Một triều đại mới sẽ giúp khôi phục và làm sống lại tinh thần của người dân. Vì vậy, kỷ nguyên Reiwa sẽ là một sự thay đổi tích cực đối với các điều kiện kinh doanh". Nhìn lại năm 1989 khi kỷ nguyên Heisei bắt đầu và năm 2000 khi thế giới bước sang thiên niên kỷ mới, sức chi tiêu tiêu dùng và đầu tư tại Nhật Bản được ghi nhận ở mức khá vững vàng trong giai đoạn quý I của mỗi năm.

Trong khi đó, các thương nhân trên thị trường chứng khoán Tokyo cũng đang chuẩn bị cho đà tăng vọt giá cổ phiếu liên quan đến Reiwa khi thị trường này mở cửa trở lại vào ngày 7/5. Vào thời điểm tên gọi của triều đại mới Reiwa được công bố ngày 1/4, công ty thương mại truyền hình Ray Corp đã chứng kiến giá cổ phiếu tăng đến 19%.

Hideo Kumano, nhà kinh tế trưởng điều hành tại Viện nghiên cứu cuộc sống Dai-ichi, lưu ý trong một báo cáo rằng sự chuyển giao triều đại có thể sẽ có tác động lâu dài. Các chiến dịch liên quan đến Reiwa sẽ được kết hợp với các sự kiện khác như Vòng chung kết bóng bầu dục thế giới sắp diễn ra ở Tokyo. Vào tháng 10, Tokyo có kế hoạch triển khai chương trình hoàn tiền thưởng cho các khoản thanh toán được thực hiện thông qua thẻ tín dụng và các phương thức không dùng tiền mặt khác, với mục đích củng cố nhu cầu trong nước sau khi tăng thuế tiêu dùng theo kế hoạch.

Nhà kinh tế Kumano cũng hy vọng các nghi lễ và di tích lịch sử liên quan đến Hoàng gia sẽ thu hút nhiều khách du lịch quốc tế và nội địa hơn nữa để "các tác động kết hợp (của Reiwa và các yếu tố khác) sẽ ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế trong mùa Thu này".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục