Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Siết quản lý thông tin trên mạng xã hội

15:50' - 08/11/2019
BNEWS Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 8/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Phiên chất vấn thu hút được sự quan tâm, theo dõi của cử tri cả nước. Cử tri đã có nhiều ý kiến, kiến nghị với Quốc hội cũng như ngành Thông tin và Truyền thông, trong đó đề cao sự hiểu biết, trách nhiệm của người dùng mạng xã hội và việc tăng cường quản lý thông tin trên mạng xã hội.

* Với mạng xã hội, người dùng cần hiểu biết, có trách nhiệm

Cử tri Cao Thuyên (cán bộ hưu trí phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai; nguyên nhà báo Báo Nông thôn Ngày nay), đánh giá phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường sáng 8/11 đã đi thẳng vào những vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm. Ngoài vấn đề quản lý nhà nước về không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng dành nhiều thời gian nói về vấn đề sim rác, sắp xếp lại các cơ quan báo chí, xây dựng đô thị thông minh…

Đối với không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội, ông Cao Thuyên cho rằng nếu như người dùng có hiểu biết và có trách nhiệm thì đây là kênh thông tin tốt vừa thỏa mãn về nhu cầu thông tin vừa là kênh phản biện hiệu quả.

“Người sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm là không phải gặp bất cứ vấn đề gì cũng phản biện, cũng chia sẻ, mà phải biết sàng lọc, nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, trung thực. Hiện nay, rất nhiều “tin giả” lan truyền trên mạng xã hội, nếu người dùng không tỉnh táo sẽ vô tình tiếp tay cho cái xấu, cái ác và những điều trái với thuần phong mỹ tục”, ông Cao Thuyên chia sẻ.

Với người dùng mạng xã hội trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên, cử tri Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Quận 10) cho rằng, hầu hết học sinh, sinh viên hiện nay đều sử dụng và tiếp xúc hàng ngày với mạng xã hội.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du nói chuyện chuyên đề về truyền thông với học sinh. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Tuy nhiên, đây là môi trường có tính chất mở với nhiều nội dung thông tin cả tích cực lẫn tiêu cực, nếu các em không biết chọn lọc, không có định hướng thì sẽ bị tác động tiêu cực từ một số thông tin sai lệch. Thực tế đã có những trường hợp bị tác động bởi thông tin xấu trên mạng xã hội, như bị lôi kéo vào những việc làm không đúng pháp luật, những thông tin sai lệch, thậm chí xảy ra xung đột từ môi trường mạng đến đời thực.

Phân tích từ thực tế, Thiếu tá, Tiến sĩ xã hội học Lê Hoàng Việt Lâm, Giảng viên Trường Đại học An ninh nhân dân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay trên mạng xã hội có 3 nhóm người sử dụng: Nhóm có ý thức tốt, có trình độ nhận thức cao, hiểu đúng đắn các vấn đề xã hội đặt ra; nhóm cố tình hiểu sai; còn lại là nhóm bị lôi kéo, hùa theo những ý kiến sai. Thực tế, mặt trái của mạng xã hội tạo ra cho con người những cảm giác, giá trị ảo, từ hiếu kỳ, tò mò xâm phạm đời tư, ganh tị, ném đá đến những hành vi lệch chuẩn…

Vì thế, cần chú trọng tới việc xây dựng, lan tỏa những thông tin tốt để định hướng giới trẻ. Mấu chốt cuối cùng chính là người dùng, để tham gia mạng xã hội hiệu quả nhất, người dùng phải xác định tham gia một cách an toàn, văn minh và phải có mục đích, mục tiêu để tránh được những mặt tiêu cực tác động.

Theo cử tri Lâm, điều quan trọng nhất chính là tâm và trí của bạn đọc, công chúng. Chúng ta phải biết tẩy chay những trang tin thiếu chuẩn mực, thiếu tính định hướng, cần có nhiều bài phản biện, chỉ ra và lên án những trang, bài… xấu, lệch lạc, thiếu tính khoa học, định hướng, để bạn đọc thấy được “bộ mặt” của những trang này, và tất yếu những trang này sẽ “chết”.

* Cần tăng cường quản lý thông tin trên mạng xã hội

Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 8/11, nhiều cử tri tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Lai Châu, cũng bày tỏ sự quan tâm rất lớn tới công tác quản lý mạng xã hội, đồng thời mong muốn có những giải pháp để giải quyết tình trạng tràn lan thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.

Bởi mạng xã hội ở nước ta ngày càng phổ biến và đã không còn là “ảo” nữa, những tác động của nó tới đời sống xã hội là thật, cả ở mặt tích cực lẫn tiêu cực. Thực tế hiện nay đang có không ít người dùng mạng xã hội không phân biệt được thông tin tốt, xấu, không có kỹ năng kiểm chứng thông tin nên dễ bị dẫn dắt bởi những thông tin không đúng sự thật, lệch chuẩn.

Trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng phổ biến, cử tri Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Thành phồ Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu biết tận dụng những mặt tích cực của nó thì rất tốt. Ví dụ, nhà trường có thể xây dựng các trang mạng xã hội và xem đây như là một kênh tư vấn học đường cho học sinh, sinh viên, qua đó giúp các thầy, cô có thể hiểu tâm tư, tình cảm, đồng hành cùng các em.

Để học sinh, sinh viên sử dụng mạng xã hội hiệu quả, vai trò của công tác giáo dục là rất quan trọng, giúp định hướng lối sống đúng đắn, tạo sức “đề kháng” cho các em trước những thông tin xấu, độc, tiêu cực từ mạng xã hội.

Theo ông Phú, không chỉ mạng xã hội mà hiện nay cả thông tin trên báo chí, trang tin điện tử cũng xuất hiện những thông tin thiếu tính định hướng con người đến những giá trị tốt đẹp. Những tin tức về đời tư cá nhân, về những giá trị, trào lưu lệch chuẩn… khiến người đọc, nhất là người trẻ bị cuốn theo.

Vì thế, về mặt quản lý nhà nước cần có biện pháp mạnh mẽ, kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn thông tin xấu, độc, tiêu cực; tăng cường giám sát, kiểm duyệt nội dung các thông tin điện tử… Đặc biệt, cần có chế tài xử phạt đủ sức răn đe với những hành vi thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự… trên mạng xã hội.

Cử tri Chu Văn Lân (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu) kiến nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có công cụ cảnh báo, bộ lọc hiệu quả để ngăn chặn những thông tin xấu, tin sai sự thật phát tán trên mạng xã hội; có chế tài kiểm soát chặt chẽ các trang mạng xã hội, kịp thời gỡ bỏ những thông tin, đặc biệt là những thông tin đăng tải trên các trang mạng mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, có nội dung lôi kéo, kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng quy định, luật liên quan đến kinh doanh trên mạng xã hội, để quản lý chặt chẽ và kiểm soát có hiệu quả hơn.

Thiếu tá, Tiến sĩ xã hội học Lê Hoàng Việt Lâm, Giảng viên Trường Đại học An ninh nhân dân trao đổi về chuyên đề mạng xã hội. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Đề xuất giải pháp để tăng cường công tác quản lý nhà nước các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, báo chí, Thiếu tá, Tiến sĩ xã hội học Lê Hoàng Việt Lâm (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, các cơ quan liên quan cần kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm. Hiện nay, nhiều thông tin bị nhiễu, thậm chí phản ánh sai sự thật, đặc biệt việc đặt các tít bài, viết các nội dung mang tính chất “câu like”, “câu view” đầy rẫy trên mạng xã hội, báo chí điện tử, trong khi việc xử lý hầu như chỉ là “muối bỏ biển”.

Cùng với đó, cần chú trọng xây dựng đạo đức người làm báo, cần có cơ chế tuyển chọn, định hướng, giáo dục, trui rèn bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ này một cách căn cơ, có lộ trình. Hiện một số tờ báo, trang tin chạy theo dòng chảy của internet, lợi nhuận, khiến cho thông tin xấu, thậm chí là xuyên tạc… có cơ hội “nảy nở”.

Quan tâm đến phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhưng ở một khía cạnh khác, cử tri Chu Văn Lân nhấn mạnh, hiện nay tình trạng sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo… để quảng cáo, bán hàng, kinh doanh dịch vụ… ngày càng nhiều, dẫn đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được lưu hành tràn lan, khó kiểm soát, thậm chí còn gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Điều này vừa gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý, kiểm duyệt chất lượng, vừa gây thất thoát ngân sách nhà nước do không thể thu thuế.

Cử tri Đặng Trần Hoàng Thụy, Giám đốc Công ty sản xuất thương mại Thiên Triều An, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) cho hay, hiện nay thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng, giúp doanh nghiệp tận dụng nhiều lợi thế để bán hàng và quảng bá sản phẩm. “Chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng lợi thế cạnh tranh thông qua phương thức thương mại điện tử, nhằm giảm chi phí thương mại truyền thống”, ông Thụy nói./.

Xem thêm:

>>Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Kiên quyết chấn chỉnh sai phạm trong hoạt động báo chí

>>Thủ tướng làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục