Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Bộ trưởng Nội vụ nhận trách nhiệm trong quản lý ngành

17:28' - 07/11/2019
BNEWS Ngày 7/11, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trả lời chất vấn về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy; việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Hải chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN 

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân ngày 7/11, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về vấn đề tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, nhất là đối với cán bộ cấp xã hiện nay; việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức.

*Băn khoăn thực hiện tinh giản biên chế trong lĩnh vực giáo dục, y tế

Chất vấn tư lệnh ngành nội vụ, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) đặt câu hỏi về chủ trương tinh giản biên chế với việc bảo đảm yêu cầu về số lượng giáo viên đứng lớp và số cán bộ y tế cho công tác chăm sóc sức khỏe.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện nay, tổng biên chế sự nghiệp của cả nước vào khoảng 1,8 triệu người, trong đó, biên chế giáo viên và y tế chiếm khoảng 80% tổng số biên chế sự nghiệp.

Hiện phần lớn các địa phương phản ánh rằng số giáo viên không đủ để đứng lớp, ngành y tế cũng không đủ nhân viên y tế trong các bệnh viện.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và trình Bộ Chính trị có Kết luận số 9028, bước đầu giải quyết được ở 19 tỉnh.

Bộ đã thông báo cho 63 tỉnh, thành thống kê lại lực lượng giáo viên và lực lượng y tế còn thiếu trong các cơ sở điều trị từ tuyến tỉnh trở xuống.

Thống kê bước đầu cho thấy, số giáo viên các cấp còn thiếu là 87.000 người và ngành y tế còn thiếu hơn 12.000 người.

Bộ Nội vụ đã báo cáo và xin chủ trương của Thủ tướng giao cho Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ trưởng các Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo xác minh cụ thể từng địa phương và sẽ có đề xuất với Chính phủ và Bộ Chính trị để tiếp tục bổ sung biên chế, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị là “có người học phải có giáo viên đứng lớp, có người bệnh phải có y tế chăm sóc”.

Bộ trưởng đề nghị các tỉnh trước hết phải sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp. Một đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiều dịch vụ công.

Đối với các trường lớp, thực hiện theo Nghị quyết 19, một trường có nhiều cấp học, phải giảm tỷ lệ gián tiếp, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp xuống và số trực tiếp làm chuyên môn nghiệp vụ, giảng dạy là phải đạt 65%.

Ông cũng đề nghị các bộ, ngành trong lĩnh vực y tế và giáo dục tiến hành xây dựng lại định mức, sắp xếp, cơ cấu lại, nhất là xây dựng lộ trình để tiến tới tự chủ và xã hội hóa trong các lĩnh vực, để thực hiện mục tiêu cơ bản của khối đơn vị sự nghiệp công lập là giảm người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, các cơ quan trung ương thực hiện chủ trương này rất tốt, đã giảm người hưởng lương từ ngân sách nhà nước 11,86%.

Mục tiêu tinh giản biên chế của các đơn vị sự nghiệp trung ương đã đạt, còn các địa phương hiện mới đạt 4,26%, đây là tỷ lệ rất thấp.

Bộ trưởng đề nghị 4 bộ là Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch  xây dựng lộ trình và tiêu chuẩn, cơ chế, chính sách để tiến hành xã hội hóa và giao quyền tự chủ.

Không đồng tình với phần trả lời này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (thành phố Đà Nẵng) tranh luận: “Không rõ Bộ trưởng đã có ý kiến chỉ đạo như thế nào mà hầu hết các địa phương vẫn diễn ra tình trạng ngành y tế, giáo dục kêu về chuyện bị giảm biên chế theo kiểu cào bằng. Trong khi ngành giáo dục đang chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều yêu cầu mới mà đến thời điểm này văn bản chỉ đạo chưa có và kỳ thi viên chức giáo dục một số địa phương đã chính thức diễn ra mà không có ưu tiên nào dành cho giáo viên hợp đồng, đặc biệt là những giáo viên hợp đồng lâu năm có đóng bảo hiểm xã hội”.

Đại biểu cho biết đã nhận được nhiều thông tin liên quan đến vấn đề này, trong đó có một “tâm thư” kêu cứu của một giáo viên hợp đồng giảng dạy suốt 14 năm qua nhưng lại bị chấm dứt hợp đồng.

Giải trình, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Bộ vừa có văn bản gửi các địa phương giải quyết vấn đề biên chế hợp đồng được cấp thẩm quyền cho phép trước ngày 31/12/2015 và có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo vị trí việc làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không vi phạm kỷ luật trong thời gian giảng dạy thìsẽ được xét chuyển thành biên chế công chức. Đây là đợt 2 giải quyết về vấn đề biên chế cho giáo viên mầm non. 

“Biên chế của năm 2015 còn nhưng chưa tuyển thì bây giờ chúng ta tuyển. Đây là tuyển đặc cách đối với những người đã ký hợp đồng rồi, khác với tuyển theo Nghị định 161, không có chuyện cạnh tranh với những người bên ngoài, là giải quyết gỡ rối cho các địa phương trong thời gian qua. Còn những trường hợp hợp đồng không phải cấp thẩm quyền cho phép thì không được xét trong trường hợp này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

*Bộ trưởng nhận trách nhiệm trước Thủ tướng

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN 

Đề cập đến Quyết định số 402/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới đã 4 năm mà chưa có văn bản hướng dẫn, đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) chất vấn về tính khả thi của chính sách này.

Thẳng thắn và cầu thị, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, đây là lần thứ hai ông thay mặt lãnh đạo Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm trước Thủ tướng.

Quyết định 401 về chính sách đối với cán bộ người dân tộc thiểu số được banh hành từ tháng 3/2016 và Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ 8 nhiệm vụ, đến nay còn 4 nhiệm vụ Bộ chưa làm.

“Tôi xin báo cáo với Thủ tướng tôi sẽ làm bản tự kiểm gửi Thủ tướng tháng 12 năm nay để nhận trách nhiệm về vấn đề này. Đây là thiếu sót của Bộ Nội vụ, trong đó có trách nhiệm của Bộ trưởng. Một quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ chính sách như thế mà chưa ban hành chương trình hành động, chưa phối hợp với Bộ Tài chính để lập kinh phí thực hiện, cũng chưa tổng hợp báo cáo hàng năm. Đề án xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, người dân tộc thiểu số chưa có, khuyết điểm này phải được kiểm điểm đến nơi đến chốn”, người đứng đầu Bộ Nội vụ cầu thị nói.

Ông cũng giãy bày, trong quá trình sửa đổi một số nghị định đều có lồng chính sách về người dân tộc thiểu số, trong đó Nghị định 61 về tuyển dụng đối với người dân tộc thiểu số có quy định được xem xét miễn thi tin học, ngoại ngữ, nhưng đây không phải là chính sách trong việc đào tạo người dân tộc thiểu số.

*Duy trì việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý

Về vấn đề thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý được một số đại biểu đề cập, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, Bộ Nội vụ triển khai chủ trương này chậm, do có ít bộ, ngành, địa phương đăng ký. Đến khi Bộ nhận được đăng ký của 14 bộ và 22 địa phương mới chính thức báo cáo cho phép thí điểm.

“Vấn đề này, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, phê bình tôi hai lần, nói chủ trương của Bộ Chính trị mà Bộ Nội vụ làm chậm quá, nhưng (trên thực tế là) ở dưới không đăng ký”, tư lệnh ngành nội vụ bày tỏ.

Ông cho biết, trong số 14 bộ, 22 đơn vị đăng ký cũng chỉ mới có một nửa thực hiện, trong đó có hai đơn vị tiên phong làm trước và đã hoàn thành kế hoạch thi tuyển, đó là Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ.

Các bộ khác chưa làm, thậm chí chưa chuẩn bị. Theo quy định của Ban Bí thư, cuối năm 2019, Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương sơ kết hai năm thực hiện thí điểm Đề án thí điểm về thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng.

Bộ trưởng Nội vụ cũng nêu quan điểm là nên tổ chức hình thức thi này. Đây là cách đổi mới, giảm đi nhiều quy trình thủ tục hành chính và thực sự chọn được người tài, cấp trên chọn được người để bổ nhiệm.

Sắp tới chúng ta nên có cơ chế rõ ràng về việc chức vụ nào nên thi và cố gắng duy trì việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý, không chỉ dừng lại ở việc thí điểm trong hai năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục