Kon Tum chuyển rừng thông kém hiệu quả sang trồng Mắc ca và các loại cây ăn quả khác

15:37' - 31/08/2017
BNEWS Sở NN và PTNT tỉnh Kon Tum đã tổ chức họp báo thông tin về việc khai thác và chuyển đổi diện tích rừng sản xuất (trồng thông) để thực hiện các dự án nông nghiệp tại huyện Kon Plông.
Kon Tum chuyển rừng thông kém hiệu quả sang trồng Mắc ca và các loại cây ăn quả khác. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN

Theo ông Nguyễn Trung Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cơ sở căn cứ Luật, Nghị quyết, Nghị định và các Quyết định, Kế hoạch của Trung ương cùng địa phương, tỉnh Kon Tum có chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Về chủ trương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số 5940/QĐ-BNN-TCLN ngày 5/4/2016 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển cây Mắc ca vùng Tây Bắc và Tây nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030; trong đó tỉnh Kon Tum có 290 ha. Huyện Kon Plông có điều kiện lập địa, khí hậu phù hợp. 

Mặc khác, khu vực dự kiến trồng cây Mắc ca là diện tích rừng thông trồng sinh trưởng kém, không có hiệu quả kinh tế. Diện tích trên ngoài vùng quy hoạch du lịch. Do đó, UBND tỉnh Kon Tum đã có chủ trương chuyển đổi diện tích thông trồng trên sang phát triển các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao; trong đó có cây Mắc ca nhằm tái cơ cấu và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Đối với diện tích chuyển đổi hơn 187 ha rừng sản xuất trồng thông tại xã Đăk Long huyện Kon Plông sang trồng Mắc ca (có báo cáo đánh giá tác động môi trường) đây là diện tích rừng thông đã đến tuổi khai thác nhưng sinh trưởng phát triển kém. Theo đó, sản lượng bình quân của rừng thông trồng là 50 m3/ha, trong khi đó với rừng thông trồng nguyên liệu giấy ở tuổi 16 đã đạt sinh khối là 140 m3/ha.

Theo ông Nguyễn Công Bắc - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông, đơn vị giao đất cho biết, trước khi giao đất, đơn vị đã đánh giá hiện trạng rừng. Diện tích trên, trước trồng bình quân 1.600 cây/ha, sau chết dần. Toàn bộ gần 200 ha nhưng chỉ trồng được hơn 90 ha. Rừng này cũng đã được tỉa thưa.

Trước thắc mắc của các phóng viên về hệ lụy của việc phá rừng thông để sang trồng cây Mắc ca ông Hải khẳng định, diện tích trồng cây Mắc ca, đây cũng là cây lâm nghiệp, tạo cảnh quan. Việc trồng Mắc ca hay cây ăn trái ảnh hưởng ít đến môi trường. Sở Nông nghiệp là cơ quan khuyến cáo trồng khảo nghiệm trước khi trồng đại trà, doanh nghiệp trồng hay không tùy, doanh nghiệp chịu trách nhiệm toàn bộ việc đầu tư của dự án.

Ngoài ra, ông Hải cho biết, trong quá trình triển khai, cơ quan chuyên môn cũng sẽ theo sát dự án. Nếu sau 1 năm không triển khai thì dự án sẽ thu hồi. Đây là rừng trồng đến kỳ khai thác nếu không chuyển cũng khai thác và trồng lại rừng.

“Việc khai thác rừng thông trồng kém hiệu quả để trồng một số loại cây nông nghiệp có giá trị kinh tế cao là phù hợp với định hướng phát triển của Chính phủ; định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh cũng như quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010-2020 của huyện Kon Plông. Hiện nay diện tích chuyển đổi có nhiều kiểu địa hình khác nhau, đối với diện tích có độ dốc cao, không thể trồng cây công nghiệp được có thể trồng xen kẻ rừng sản xuất hoặc cây gỗ lớn” ông Hải khẳng định.

Trước đó, trong tháng 8, TTXVN và nhiều cơ quan báo chí khác đã có bài phản ánh về việc tỉnh Kon Tum chuyển đổi rừng sản xuất (trồng thông) sang cây Mắc ca và các loại cây ăn quả khác tạo nhiều dư luận trái chiều./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục