Kinh tế Việt Nam không phụ thuộc vào thị trường cụ thể nào

14:35' - 31/12/2019
BNEWS Trong quá trình hội nhập thế giới sâu rộng thông qua những Hiệp định thương mại song phương và đa phương, kinh tế Việt Nam không còn phụ thuộc vào thị trường cụ thể nào.
Dây chuyền vắt sữa bò tại Trang trại bò sữa Vinamilk tại xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Đồng thời, thị trường nội địa cũng không còn là “sân chơi” ưu thế của riêng doanh nghiệp Việt Nam. Tất cả doanh nghiệp phải cạnh tranh trên trường quốc tế, không phân biệt thị trường mục tiêu là trong nước hay xuất khẩu.

Trước thềm năm 2020, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn một số doanh nghiệp để cùng nhìn lại những bước tiến trong năm 2019 và chiến lược đầu tư kinh doanh trong năm mới.

Giấc mơ chuyển giao công nghệ Việt

Vừa qua, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Linh Biotech, đã ký kết hợp tác với đối tác tại thị trường Australia về việc đầu tư sản xuất kinh doanh để nâng tầm giá trị sản phẩm của Hoàng Linh Biotech.

Đối tác tại thị trường Australia mong muốn tiếp nhận chuyển giao công nghệ của Hoàng Linh Biotech, nhằm triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm ngay tại thị trường Australia.

Bà Phạm Thị Hồng Vân – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hoàng Linh Biotech cho biết, để đạt được kết quả này, trước đó sản phẩm của Hoàng Linh Biotech đã chứng tỏ được chất lượng và uy tín thương hiệu tại thị trường nội địa. Đáng chú ý hơn, sản phẩm của Hoàng Linh Biotech được xét chọn là sản phẩm tiêu biểu của Tp. Hồ Chí Minh trong năm 2019.

Hiện nay, sản phẩm của Hoàng Linh Biotech chinh phục thành công thị trường trong và ngoài nước như trà túi lọc Đông trùng hạ thảo, nấm Đông trùng hạ thảo tươi và khô, cốm gừng Tây Trà, Đông trùng hạ thảo… và các loại bún gạo, bánh lương khô thực dưỡng.

Bên cạnh việc trưng bày, giới thiệu tại một số hệ thống siêu thị lớn, sân bay Tân Sơn Nhất, sản phẩm của Hoàng Linh Biotech còn được cung cấp cho những công ty sản xuất dược phẩm, thực phẩm…

Trong thời gian tới, Hoàng Linh Biotech sẽ hình thành và đưa vào hoạt động một khu trải nghiệm, nhằm trưng bày, trình diễn tất cả những công nghệ mà công ty đang sở hữu để phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Đặc biệt, Hoàng Linh Biotech đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá những thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam đến với thế giới.

Theo bà Phạm Thị Hồng Vân, với tiền thân doanh nghiệp là công ty cung cấp suất ăn công nghiệp cho trường học, học sinh, đã giúp Hoàng Linh Biotech tìm kiếm và chuyển giao công nghệ đảm bảo yêu cầu chất lượng và xem yếu tố chất lượng là một trong những vấn đề hàng đầu trong sản xuất kinh doanh.

Khu nuôi trồng của Hoàng Linh Biotech đạt tiêu chuẩn, với máy móc, thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu phục vụ nghiên cứu ra những sản phẩm tốt, phù hợp với xu hướng thị trường và như cầu của người tiêu dùng.

Một điểm độc đáo nữa của sản phẩm Hoàng Linh Biotech là được sản xuất trên vùng nguyên liệu của Việt Nam như từ gạo lứt, nước dừa, nhộng tằm và khoai tây.

Hay gần đây, Hoàng Linh Biotech đã hỗ trợ cho đồng bào huyện miền núi Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi thông quan việc nghiên cứu, sản xuất sản phẩm cốm gừng sử dụng nguồn nguyên liệu đặc sản Gừng Gió.

Với phương thức đồng bào dân tộc trồng trọt, Hoàng Linh Biotech thu mua và sản phẩm thành nguyên liệu, sản phẩm cung cấp ra thị trường, đã góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho người dân và các tỉnh, thành.

Điều này cho thấy, Hoàng Linh Biotech luôn không ngừng nỗ lực trong chiến lược nghiên cứu, sản xuất hoàn toàn trên vùng nguyên liệu Việt Nam, nên vừa đáp ứng được đa dạng nhu cầu thị trường, vừa mở rộng chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước.

Qua đó, Hoàng Linh Biotech đã và đang trên hành trình hiện thực “giấc mơ” giới thiệu công nghệ Việt ra thế giới, cùng với đó là cung cấp sản phẩm chất lượng phục vụ cho người tiêu dùng Việt.

Thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế

Còn trong không khí tất bật của những ngày cuối năm 2019, bà Bùi Thị Hương - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk đã chia sẻ về những kết quả đầu tư kinh doanh của công ty với những gam màu sáng và bước sang năm 2020 với chiến lược hứa hẹn nhiều đột phá.

Cụ thể, trong năm qua Vinamilk không chỉ đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đề ra ngay từ đầu năm mà còn đạt được nhiều thành công ở lĩnh vực đầu tư, xuất khẩu.

Sản phẩm sữa tươi organic Vinamilk đã xuất khẩu thành công vào thị trường Singapore – là thị trường rất khó tính và nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Khi vào được thị trường Singapore còn có ý nghĩa tích cực nữa là sản phẩm Vinamilk có điều kiện dễ dàng hơn để thâm nhập vào bất kỳ thị trường nào của khu vực châu Á và vươn tầm quốc tế sâu rộng hơn nữa.

“Nếu theo đúng kế hoạch, dự kiến trong quý 1/2020, sữa tươi organic Vinamilk sẽ ra mắt tại thị trường Nhật Bản, quý 2/2020 là thị trường Dubai. Riêng Dubai, cùng thị trường Trung Đông từ lâu vốn đã là thị trường quen thuộc của Vinamilk về mặt hàng sữa bột”, bà Bùi Thị Hương cho biết thêm.

Mới đây, Vinamilk cũng đầu tư vào GTNFood và công ty này sở hữu thương hiệu sữa Mộc Châu. Tuy nhiên, sự khác biệt của Vinamilk khi mua bán – sáp nhập doanh nghiệp là hướng đến mục tiêu cùng phát triển.

Do đó, thương hiệu sữa Mộc Châu sẽ được xây dựng, phát triển song song cùng sữa Vinamilk, nhằm đạt chiến lược phát triển bền vững cho ngành sữa Việt Nam.

Năm 2019 là năm Vinamilk có nhiều gam màu sáng khi đạt mức tăng trưởng xuất khẩu tốt. Trên nền tảng này, Vinamilk tiếp tục đẩy mạnh chiến lược phát triển phong phú sản phẩm, phục vụ đa dạng thị trường nội địa và xuất khẩu. Cụ thể, Vinamilk tìm giải pháp đầu tư sang nước bạn như Campuchia, Lào…

Sau nhà máy tại Campuchia đạt mức tăng trưởng tốt, Vinamilk sẽ tiếp tục đầu tư sang Lào. Đây là dự án nằm trong chiến lược phát triển ra khu vực và xây dựng nguồn nguyên liệu sữa tươi organic Vinamilk phục vụ người tiêu dùng toàn cầu. Bởi organic là xu hướng phát triển trong tương lai của ngành sữa nói riêng và ngành thực phẩm nói riêng.

Biến chuyển doanh nghiệp trong hội nhập

“Trong câu chuyện biến chuyển doanh nghiệp của PNJ có thể thấy, năm 2012 ngành vàng bị siết lại, PNJ biến chuyển sang kinh doanh trang sức và đó là một “cú bẻ lái chiến lược”.

Nhờ đó, đến nay PNJ đã là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực trang sức”, ông Lê Trí Thông – CEO Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ nhấn mạnh.

Theo ông Lê Trí Thông, khi nhìn về tư duy chiến lược, đòi hỏi doanh nghiệp nhìn tổng thế bức tranh để thấy được trào lưu, xu thế… chứ không nên dừng lại ở việc nhìn về đối thủ.

Bên cạnh đó, chiến lược mà không có chiến thuật là con đường chậm nhất đến với thành công, nhưng có chiến thuật mà không có chiến lược thì là con đường thất bại.

Sự khác nhau giữa CEO của doanh nghiệp nhỏ và vừa, với doanh nghiệp lớn có thể kể đến là áp lực về kết quả tăng trưởng, nên doanh nghiệp cần cân đối tài lực để đào tạo nguồn lực, song song giữa chiến lược ngắn hạn và dài hạn.

Tuy nhiên, cần hiểu đáp ứng yêu cầu về nguồn lực không chỉ là đội ngũ trong doanh nghiệp, mà rất đa dạng với nhiều hình thức hợp tác khác nhau với lao động bên ngoài để giúp doanh nghiệp vẽ ra những mô hình phát triển tối ưu.

Đặc biệt, PNJ xuất thân từ doanh nghiệp sản xuất, nên tận dụng lợi thế này phát triển mô hình sản xuất – kinh doanh để tạo nên câu chuyện riêng của doanh nghiệp.

Những năm gần đây, PNJ còn tập trung phát triển mối quan hệ với khách hàng, tương tác với người tiêu dùng bằng công cụ số hóa.

Chiến lược này, nhằm giải quyết năng lực cạnh tranh đối với cuộc chiến diễn ra “trong thói quen tư duy mua sắm của khách hàng” và cửa hàng chỉ là một trong những điểm đến cuối cùng sau khi người tiêu dùng đã quyết định lựa chọn thương hiệu.

Đồng thời, đây còn là bước đi chiến lược phù hợp với xu hướng thị trường và khai thác cơ hội mới trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Trên thực tế, còn có một số doanh nghiệp “ảo tưởng” về sức mạnh của mình mà không xây dựng năng lực, chỉ dựa hoàn toàn vào tài nguyên, lợi thế mô hình hiện có của nội tại. Đây được xem là một “cái bẫy”, “lời quyền” của sự tăng trưởng, dẫn đến doanh nghiệp bị mắc kẹt và khó đi đến thành công.

Đặc biệt, ông Lê Trí Thông cho rằng, trong bối cảnh thị trường thương mại tự do, sự dịch chuyển các lĩnh vực đầu tư, thương mại, nguồn lao động… đòi hỏi doanh nghiệp phải có năng lực cạnh tranh để trụ vững trên thị trường và phát triển bền vững.

Doanh nghiệp muốn chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài nước, thì không còn cách nào khác ngoài bắt kịp xu hướng thị trường và biến chuyển doanh nghiệp theo dòng chảy của nền kinh tế hội nhập.

Trong đó, nếu xây dựng hệ thống quy trình tốt, đầu tư công nghệ mới… mà CEO không phát huy được vai trò điều phối nguồn lực hoặc xây dựng nguồn lực kém sẽ không vận hành kết nối được và khó triển khai chiến lược doanh nghiệp, cũng như văn hóa doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục