Kinh tế vĩ mô Việt Nam kiên trì cải cách trong bối cảnh thế giới bất định

12:10' - 19/04/2019
BNEWS Sau những kết quả kinh tế - xã hội khá ấn tượng trong năm 2018, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp đà để bứt phá trong năm 2019, hướng tới hoàn thành mục tiêu kế hoạch cho cả giai đoạn 2016-2020.
Kinh tế vĩ mô Việt Nam: kiên trì cải cách trong bối cảnh thế giới bất định. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Sáng 19/4, tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Kinh tế vĩ mô Việt Nam: kiên trì cải cách trong bối cảnh thế giới bất định” nhằm cập nhật, phân tích, đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô quý I năm 2019; cập nhật triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2019; đồng thời, kiến nghị một số giải pháp chính sách cho công tác quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2019.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, sau những kết quả kinh tế - xã hội khá ấn tượng trong năm 2018, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp đà để bứt phá trong năm 2019, hướng tới hoàn thành mục tiêu kế hoạch cho cả giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng nhận diện không ít khó khăn, thách thức để hiện thực hóa kỳ vọng ấy, đặt trong bối cảnh kinh tế quốc tế ngày càng bất định và dư địa cho chính sách kinh tế vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không còn nhiều.
“Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh và sức chống chịu của nền kinh tế. Diễn biến tăng trưởng kinh tế và lạm phát tiếp tục được theo dõi sát với không ít động thái, thông điệp điều hành xuyên suốt quý I.”, TS. Cung nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu Tổng hợp, CIEM cho biết, những điểm nhấn của Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2019 là Việt Nam vẫn phải xử lý không ít thách thức, chủ yếu là về nền tảng kinh tế vi mô. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,88%; thặng dư thương mại ở mức 3,1 tỷ USD; mức tăng giá tiêu dùng trong năm là khoảng 3,71%. GDP quý I đạt 6,79%, thấp hơn so với quý I/2018 và kịch bản ban đầu của Chính phủ, song vẫn cao hơn cùng kỳ các năm 2009-2017.
Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp tiếp tục có sự điều chỉnh mạnh về cơ cấu. Các doanh nghiệp chế biến, chế tạo bớt lạc quan hơn về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I. Cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về gia nhập thị trường, nhất là gánh nặng “hậu đăng ký doanh nghiệp” và tiếp cận thông tin minh bạch.
CPI bình quân tăng 2,63%, lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,83% cho thấy, điều hành chính sách tiền tệ vẫn ổn định và không gây áp lực lên mặt bằng giá.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được giữ ổn định trong quý I/2019, chủ yếu do một số ngân hàng thương mại lớn có xu hướng giảm lãi suất huy động hoặc duy trì lãi suất huy động thấp; thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào trong khi giải ngân tín dụng chưa tăng mạnh và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố không tăng lãi suất trong năm.
Tổng phương tiện thanh toán tăng 2,67% so với cuối năm 2018 và 10,99% so với cuối quý I/2018. Dư nợ tín dụng đến 20/3 tăng khoảng 2,28%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018; chịu ảnh hưởng của một số nguyên nhân là do kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, tập trung tín dụng cho sản xuất; chủ trương đẩy lùi tín dụng đen và lộ trình cắt giảm tín dụng ngoại tệ để chống đô la hóa trong năm 2019. Xử lý nợ xấu có thêm chuyển biến....
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc điều hành tài khóa thời gian qua có một số điểm tích cực như: hiệu quả phối hợp của chính sách tài khóa với các chính sách kinh tế vĩ mô khác được cải thiện đáng kể. Cơ cấu lại ngân sách Nhà nước ít nhiều đã mang lại hiệu quả tích cực và điều hành chính sách tài khóa đã ít nhiều linh hoạt hơn.
Báo cáo nhấn mạnh, Việt Nam vẫn phải xử lý không ít thách thức, chủ yếu là về nền tảng kinh tế vi mô. Tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật còn phổ biến, dẫn tới tình trạng tư duy, chính sách mới chậm đi vào thực hiện. Ngay cả với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các hướng dẫn và sửa đổi luật còn chậm thực hiện, dù lãnh đạo cấp cao và doanh nghiệp kỳ vọng khá nhiều.
“ Quan trọng hơn, hiệu lực thực thi chính sách vẫn chậm được cải thiện. Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên nhắc lại những nhóm giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội phần nào cho thấy sự sát sao, song mặt khác cũng cho thấy các nhóm giải pháp chưa được nhận thức và thực hiện đầy đủ”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh cho biết.
Triển vọng năm 2019, Việt Nam sẽ tham gia nhiều các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như: CPTPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -Eu (EVFTA) rồi Hiệp định về Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT)...thì triển vọng xuất khẩu sáng rõ hơn, song thách thức về cơ chế hành chính, quản trị đang là rất lớn.
Tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh lại thông điệp về việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế cho một nền kinh tế thị trường hiện đại. Theo đó, Báo cáo đưa ra một số kiến nghị về cải cách nền tảng kinh tế vi mô, song song với các biện pháp kinh tế vĩ mô và một số biện pháp khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục