Kinh tế tuần hoàn giúp các nước phát triển thân thiện với môi trường

11:39' - 19/03/2019
BNEWS Việc phát triển kinh tế tuần hoàn (circular economy) được đánh giá là giải pháp có thể giúp các nước thích nghi và tiến bước theo cách thân thiện với môi trường.

Trước chiều hướng dân số toàn cầu ngày càng gia tăng và các thành phố sẽ ngày càng mở rộng, nguồn tài nguyên trên thế giới đang dần cạn kiệt với tình trạng biến đổi khí hậu có thể sẽ trầm trọng hơn.

Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng việc phát triển kinh tế tuần hoàn (circular economy), trong đó chú trọng tái sử dụng các nguyên vật liệu và rác thải, được đánh giá là giải pháp có thể giúp các nước thích nghi và tiến bước theo cách thân thiện với môi trường.
Thực trạng đáng lo ngại

Bụi mịn bao phủ bầu trời Seoul, Hàn Quốc, ngày 13/1/2019. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Báo cáo của Circle Economy, doanh nghiệp xã hội có trụ sở tại Amsterdam, cho biết chỉ khoảng 1/10 trong gần 93 tỷ tấn nguyên vật liệu sử dụng hàng năm như kim loại, khoáng chất, nhiên liệu hóa thạch, sinh khối…, là được tái sử dụng.

Giám đốc điều hành (CEO) Harald Friedl của Circle Economy nhận định sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu này có thể hỗ trợ việc hiện thực hóa mục tiêu then chốt trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 2 độ C so với thời tiền công nghiệp.
Phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2019 tại Davos của Thụy Sỹ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã phải thừa nhận nguy cơ cộng đồng quốc tế "sẽ thất bại trong cuộc đua" chống biến đổi khí hậu khi hiện không còn nhiều thời gian để cứu giúp "Hành tinh Xanh".

Do đó, ông kêu gọi các nước cần đưa ra những cam kết mạnh mẽ và táo bạo hơn, cũng như triển khai những biện pháp để giảm nhẹ và tăng khả năng thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu và hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo.
Theo báo cáo về nỗ lực chống biến đổi khí hậu của các quốc gia được công bố tại Hội nghị của LHQ về Biến đổi khí hậu (COP24) diễn ra ở Katowice (Ba Lan) hồi năm 2018, mặc dù thế giới đã đạt được kết quả nhất định thông qua các hành động để ngăn chặn tình trạng nóng lên của Trái đất, song mức tăng nhiệt độ vẫn còn rất cao.

Với các chính sách hiện hành, nhiệt độ Trái đất vào cuối thế kỷ 21 sẽ tăng 3,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Trong khi đó, LHQ khẳng định mục tiêu tăng 1,5 độ C - ngưỡng được coi là an toàn đối với Trái đất - vẫn có thể thực hiện được, song đòi hỏi những hành động khẩn cấp và ở mức độ chưa từng thấy của mọi người.
Báo cáo của Circle Economy chỉ ra rằng để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, chính sách của các chính phủ phải tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và chấm dứt nạn phá rừng.

LHQ ước tính kể từ năm 1970, tổng lượng nguyên liệu thế giới sử dụng đã tăng gấp ba lần và có thể tăng gấp đôi vào năm 2050 nếu không có hành động can thiệp.

Ông Friedl nhấn mạnh để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm và rác thải, các nền kinh tế cần theo đuổi mô hình “tuần hoàn” và tái sử dụng lại các sản phẩm, phế liệu.

Mặc dù quá trình thực thi giải pháp này đối mặt với nhiều thách thức, từ thay đổi thói quen người tiêu dùng và doanh nghiệp cho đến sự chuyển đổi chính sách của các quốc gia, song ông Friedl cho rằng những khó khăn này hoàn toàn có thể khắc phục được.
Triển vọng phát triển
Nếu như kinh tế sản xuất thông thường bao gồm ba giai đoạn là khai thác, sản xuất và vứt bỏ, kinh tế tuần hoàn tập trung vào tái sử dụng rác thải để sản xuất sản phẩm khác, qua đó tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý và giúp giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), các thành phố trên toàn cầu năm 2016 đã tạo ra khoảng 2,01 tỷ tấn chất thải rắn tại khu đô thị (MSW).

Với tốc độ tăng trưởng dân số và đô thị hóa, con số này có thể tăng 70% lên 3,40 tỷ tấn vào năm 2050. Bất chấp nguy cơ từ lượng rác thải khổng lồ, các chuyên gia cho rằng việc thực thi mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả sẽ đem đến ích lợi rất lớn.
Báo cáo năm 2016 của Ellen MacArthur Foundation và Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) ước tính Ấn Độ có thể tạo ra giá trị kinh tế gia tăng lên tới 218 tỷ USD vào năm 2030 và 624 tỷ USD vào năm 2050, nhờ việc thực thi các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn trên ba lĩnh vực là hoạt động xây dựng tại các thành phố; nông nghiệp và thực phẩm; chế tạo xe và công nghệ chuyển động.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng kinh tế tuần hoàn có thể giúp quốc gia Nam Á này giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính 23% vào năm 2030 và 44% vào năm 2050, đồng thời giúp giảm đáng kể mức sử dụng nguyên liệu tương ứng.
Đối với Trung Quốc, các tác giả của báo cáo trên chỉ ra rằng việc áp dụng các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn tại các thành phố có thể tạo ra những hàng hóa và dịch vụ phải chăng hơn đối với các cư dân đô thị, giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính 23% và tình trạng tắc nghẽn giao thông 47% vào năm 2040.

Bắc Kinh cũng đã có những bước đi quan trọng như thông qua luật thúc đẩy kinh tế tuần hoàn năm 2009 với mục tiêu tạo thuận lợi cho kinh tế tuần hoàn, sử dụng tối ưu tài nguyên, bảo vệ và cải thiện môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững.

Thống kê cho thấy trong giai đoạn 1980-2010, quy mô kinh tế Trung Quốc đã mở rộng 18 lần, song tiêu thụ năng lượng chỉ tăng 5 lần.
Báo cáo của Circle Economy cũng đưa ra những chiến lược để hiện thực hóa kinh tế tuần hoàn: tối đa hóa việc sử dụng, kéo dài “vòng đời” của sản phẩm; tái chế, giảm lượng rác thải với việc sử dụng các nguyên liệu “xanh”.

Bên cạnh đó, các chính phủ cũng cần thông qua kế hoạch chi tiêu và thuế khuyến khích kinh tế tuần hoàn như tăng thuế đối khí thải và sản xuất lãng phí.
Biến đổi khí hậu được đánh giá là thách thức to lớn đối với loại người, song cũng là cơ hội để tái khởi động kinh tế thế giới.

Cùng với việc gia tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo, mô hình kinh tế tuần hoàn có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thân thiện với môi trường.
Nỗ lực giảm lượng rác thải
Thụy Điển là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới về xử lý và tái chế rác thải, đã áp dụng chính sách tái chế thống nhất trên toàn quốc.

Tờ Independent cho biết kể từ năm 2011 chưa đến 1% rác thải từ hộ gia đình của Thụy Điển được chuyển đến bãi đổ rác.

Quy trình xử lý rác tại Thụy Điển được tiến hành như sau: các loại rác không cháy được, như kim loại, sẽ được tách ra để tái chế; rác thải hữu cơ tại các gia đình sẽ được đốt cháy hay dùng để sản sinh nhiên liệu cho các nhà máy; còn các loại rác vô cơ không cháy sẽ dùng để trải đường, làm mái ngói, gạch lót sàn.
Điều đáng chú ý là dù đã tái chế 99% lượng rác thải, các nhà máy tái chế của Thụy Điển vẫn không đủ nguồn nguyên liệu và hàng năm phải nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn rác từ nước ngoài để tái chế.
Trong khi đó, một số nước đã đầu tư thực hiện dự án tận dụng và biến rác thải thành điện năng và vật liệu xây dựng.

Một nghiên cứu năm 2015 đã xác định Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Sri Lanka và Thái Lan là các quốc gia đứng đầu về rác thải biển, chiếm tới 60% lượng ô nhiễm nhựa trên biển.

Một nghiên cứu khác cho thấy hơn 25% lượng chất thải nhựa biển trên thế giới có thể đổ vào từ 10 con sông, tám trong số đó là ở châu Á.
Thông qua sáng kiến về Cộng đồng rác thải nhựa biển và Duyên hải (MARPLASTICC) được hỗ trợ bởi cơ quan Phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính phủ và khu vực ở Thái Lan, Việt Nam, Kenya, Mozambique và Nam Phi để đánh giá tình trạng cũng như tác động của ô nhiễm rác thải nhựa.

Công việc này cũng tạo điều kiện cho các kế hoạch hành động quốc gia và hỗ trợ cải cách lập pháp để giảm ô nhiễm nhựa biển.

Đây cũng là điều bắt buộc để giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về mức độ gây ô nhiễm, trong đó yêu cầu đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường.
IUCN cũng làm việc với các chuyên gia phát triển máy tính đo lường và tính toán tuổi đời các loại bao bì, dụng cụ bằng nhựa để giúp các doanh nghiệp sản xuất ra các loại bao bì, dụng cụ phù hợp, giảm thiểu ô nhiễm và tác động đối với môi trường.
Thông qua dự án “Rừng ngập mặn cho tương lai”, một chương trình chung của IUCN và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), hàng chục quốc gia và cộng đồng đã bắt đầu phân loại, ủ phân và tái chế phế liệu cũng như chất thải.

Dự án cũng kết nối họ với một công ty tái chế lớn mua phế liệu được phân loại, giúp tạo ra thu nhập.
Nhìn vào bức tranh lớn hơn, việc ô nhiễm rác thải nhựa biển là một điều cần phải xử lý cấp thiết. Các chính phủ nên xem xét để đưa ra khuôn khổ chính sách toàn diện nhằm thu thập và xử lý chất thải hiệu quả hơn, cũng như các ưu đãi để tái chế.
Các công ty nên được khuyến khích thực hiện các giải pháp để giảm thiểu hoặc thậm chí loại bỏ chất thải nhựa trong chuỗi cung ứng. Cuối cùng là hành vi của người tiêu dùng, cần phải thay đổi quan điểm khi đề cập đến vấn đề nhựa sử dụng một lần./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục