Kinh tế Thủ đô về đích với tất cả 20 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch

18:48' - 03/12/2018
BNEWS Mặc dù chưa kết thúc năm 2018, nhưng đến thời điểm này có thể nói mọi mặt đời sống về kinh tế, xã hội của Thủ đô đã hoàn thành xuất sắc, với tất cả 20 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch.

Tuy nhiên, thời gian còn lại trong năm ít ỏi, nhưng không vì thế mà các hoạt động cầm chừng, Hà Nội đang coi đây là thời điểm quan trọng làm nhịp cầu nối khởi động tốt cho năm mới 2019 – đầy thách thức, nhưng không ít hứa hẹn.

Kinh tế, xã hội của Thủ đô đã hoàn thành xuất sắc, với tất cả 20 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, năm nay có 8 chỉ tiêu kinh tế xã hội vượt kế hoạch như: kim ngạch xuất khẩu; tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng giảm; tỷ lệ lao động qua đào tạo; số trường công lập đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước sạch; số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế.

Một vài con số minh họa cho việc tăng trưởng khá ấn tượng năm nay của Thủ đô Hà Nội là: GRDP tăng 8,56%; thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 238.793 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu tăng 21,6%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 340.000 tỷ đồng, tăng 10,6%. Đầu tư nước ngoài ước đạt 6,5 tỷ USD, lần đầu tiên đứng đầu cả nước.

GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 4.080 USD/người, gấp 1,12 lần năm 2018. Khách du lịch quốc tế đạt 5,74 triệu lượt người, tăng 16%, về đích trước 2 năm so với mục tiêu đặt ra…

Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, việc thực hiện kế hoạch kinh tế, xã hội năm 2018 trong bối cảnh có những thuận lợi, nhưng không ít khó khăn thách thức như: thời tiết cực đoan diễn biến phức tạp, nhất là đợt ngập úng do mưa lũ giữa năm; một số cơ chế chính sách thay đổi ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực; chỉ tiêu thu ngân sách Trung ương giao cao so với khả năng thực hiện; tình hình thương mại thế giới diễn biến nhanh, phức tạp…

Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm, nỗ lực cao độ của toàn hệ thống chính trị đã giúp kinh tế Thủ đô không những giữ vững nhịp độ mà còn phát triển theo chiều hướng tích cực.

Hà Nội thực hiện đồng bộ rất nhiều các giải pháp, biện pháp; trong đó rất chú trọng đến việc cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp.

Thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng cao quy mô và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xã hội, nhất là vốn đầu tư công; tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và giải quyết, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.

Để tiết kiệm ngân sách và tài sản công, thành phố sắp xếp lại, xử lý nhà đất sở hữu nhà nước và quản lý, mua sắm tài sản công; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rà soát, điều chỉnh cơ chế chính sách trong việc mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung. Thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, sắp xếp, cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước.

Một trong những yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế xã hội mà Hà Nội xác định là phát triển đô thị và hạ tầng giao thông.

Thành phố đã đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm; đã khởi công xây dựng đường trên cao và mở rộng đoạn vành đai 2 từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở; đôn đốc quyết liệt tiến độ thi công mở rộng vành đai 3 đoạn lên cầu Thăng Long.

Hà Nội đã hoàn thành đưa vào sử dụng cầu An Dương – Thanh Niên, giải quyết căn bản ùn tắc giao thông tại nút giao quan trọng này. Hoàn thành thông xe giải đoạn 1 đường trục phía Nam, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và tạo động lực cho phát triển kinh tế. Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tổ chức thông tuyến cầu Văn Lang và đường Hòa Lạc – Hòa Bình.

Bên cạnh đó, thành phố phát triển giao thông công cộng, đầu tư mới phương tiện và mở mới 15 tuyến xe buýt, nâng tổng số tuyến xe buýt lên 124 tuyến và thay mới 239 xe.

Một lĩnh vực nhức nhối bấy lâu là bài toàn giải quyết nhà ở cho nhân dân, người lao động, đối tượng thu nhập thấp; cũng như tình trạng đầu tư tràn lan kém hiệu quả, quản lý nhà chung cư chưa bài bản, dẫn tới tranh chấp, thành phố đã tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc về chính sách, pháp luật.

Năm nay, tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở đạt trên 10,2 triệu/m2, ở tất cả các loại nhà thương mại, nhà xã hội, nhà tái định cư, nhà do dân xây dựng.

Việc quản lý nhà chung cư được thực hiện rất quyết liệt, đã thành lập 457 ban quản trị/697 nhà chung cư thương mại; 84/155 nhà tái định cư và 12 nhà chung cư hỗn hợp.

Thành phố đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn.

Một lĩnh vực rất quan trọng, có thể nói là “chìa khóa” giúp cho Thủ đô Hà Nội đổi mới, cũng như tiếp cận tốt hơn với các đối tác trong và ngoài nước, thu hút dự án, vốn đầu tư mạnh mẽ là cải cách thủ tục hành chính.

Đây được coi là khâu đổi mới mạnh mẽ, hạn chế tình trạng cán bộ quan liêu, hách dịch và cửa quyền nơi công sở, gây hình ảnh xấu.

Vì vậy, thành phố tổ chức triển khai sâu rộng năm chủ đề “ Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, chỉ đạo các cấp, ngành xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện, rà soát các khâu yếu, tăng cường hiệu quả phối hợp và trách nhiệm trong xử lý công việc.

Tổ chức thực hiện hệ thống lập kế hoạch và đánh giá định kỳ hàng tuần, hàng tháng, hàng quý với từng cán bộ, công chức theo đúng đề án vị trí việc làm; qua đó tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết công việc, nâng cao sự chủ động và sáng tạo.

Thành phố đã rà soát, đánh giá, kiểm soát, kiểm tra hoạt động thủ tục hành chính, đã đơn giản hóa 61 thủ tục hành chính thuộc 7 lĩnh vực quản lý nhà nước; sửa đổi, bổ sung và thay thế nhiều thủ tục, đến nay còn 1.907 thủ tục.

Hà Nội là địa phương ban hành quy định về thực hiện cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã có cung ứng dịch vụ công.

Hà Nội sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Hoàn thành bàn giao đội quản lý trật tự xây dựng đô thị về ủy ban nhân quận, huyện, thị xã quản lý…

Bằng nhiều giải pháp mạnh đã tạo sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên thành phố cũng nhìn nhận vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như hiện tượng ùn ứ giao thông, úng ngập khi mưa to vẫn xảy ra nhất là tại các tuyến phố có công trình đang thi công.

Việc thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị có lúc có nơi chưa kịp thời, chưa kiên quyết nên ý thức chấp hành của một bộ phận nhân dân còn hạn chế.

Trật tự xây dựng chuyển biến nhưng chưa vững chắc, một số công trình vi phạm tồn đọng chưa được xử lý dứt điểm, nhất là vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, đất rừng. Việc quản lý về chung cư còn bất cập chủ yếu liên quan đến sửa chữa trang thiết bị, thang máy, phòng cháy chữa cháy, thấm dột, tranh chấp quỹ bảo trì.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, những bất cập nêu trên có nguyên nhân khách quan là do các quy định pháp luật mới về đất đai thay đổi gây khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng; quy trình thủ tục về đầu tư, xây dựng theo luật mới có nhiều thay đổi dẫn đến kéo dài thời gian thẩm định và ảnh hưởng tiến độ các dự án.

Phương tiện giao thông tăng nhanh, tăng cao hơn tốc độ phát triển của hạ tầng nên vẫn để xảy ra ùn tắc…

Nguyên nhân chủ quan cũng có nhiều, nhưng chủ yếu là do giải quyết công việc thiếu tập trung, thiếu tính sáng tạo, chưa thực sự quyết liệt; năng lực của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Còn một tháng cuối năm, thành phố Hà Nội đang quyết liệt chỉ đạo các cấp các ngành vào cuộc quyết liệt, không chủ quan với những thành quả đạt được, để tập trung hoàn thành những việc còn tồn đọng, nhất là thu ngân sách, nợ đọng thuế, giải quyết những bức xúc của người dân, doanh nghiệp, tiếp tục tạo cơ chế thông thoáng để làm bàn đạp tốt bước vào năm 2019./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục