Kinh tế số Việt Nam và vai trò tăng trưởng kinh tế

12:48' - 07/03/2019
BNEWS Kinh tế số được xác định là một trong những trụ cột quan trọng và có vai trò tất yếu đối với tăng trưởng kinh tế, tạo ra bước đột phá cho các quốc gia.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang có những cam kết tích cực trong việc triển khai xây dựng hạ tầng chính sách và công nghệ vững chắc hỗ trợ phát triển kinh tế số.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Đây là nội dung được các đại biểu bàn thảo nhiều tại Hội thảo các vấn đề chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số Việt Nam do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank Group) tổ chức sáng ngày 7/3 tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng được định hình bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn dắt bởi những thay đổi sâu sắc về công nghệ và số hóa, có tác động sâu sắc đến thương mại toàn cầu, tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.

Thống kê cho thấy thương mại điện tử xuyên biên giới đã tạo ra hàng nghìn tỷ đô la trong hoạt động kinh tế những năm gần đây và đang tiếp tục tăng tốc.

Khả năng truyền dữ liệu xuyên biên giới tạo nền tảng cho các mô hình kinh doanh mới, giúp tăng trưởng 10% GDP toàn cầu trong một thập kỷ qua.

Nhìn chung, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được xây dựng trên nền tảng của cuộc cách mạng kỹ thuật số với các công nghệ tiên tiến ngày càng giúp thu hẹp khoảng cách giữa thế giới thực và thế giới mạng.

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 góp phần đáng kể vào việc chuyển dịch nền kinh tế số trên toàn cầu.

Có nhiều định nghĩa khác nhau về nền kinh tế số, được hiểu là “mạng lưới các hoạt động kinh tế và xã hội toàn cầu được xây dựng và diễn ra trên nền tảng các công nghệ thông tin và truyền thông, như internet, mạng di động và mạng cảm biến”.

Ngày nay, một nửa dân số thế giới đã kết nối trực tuyến, một phần ba trên mạng xã hội, 53% là qua điện thoại di động và bao phủ ở mọi lứa tuổi, chủng tộc, địa lý và trình độ trên khắp hành tinh.

Ước tính kinh tế số khu vực Đông Nam Á đạt 72 tỷ USD năm 2018 và dự kiến đạt 240 tỷ USD năm vào năm 2025. Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, kinh tế số được dự đoán có thể chiếm tới 60% GDP khu vực vào năm 2021 Nền kinh tế số rõ ràng hiện nay ngày càng bao phủ trong tất cả các khía cạnh kinh tế, xã hội.

Kinh tế số cho phép các doanh nghiệp trong khu vực hội nhập toàn cầu, phù hợp với xu hướng dài hạn hướng tới tự do hóa thị trường và giảm đi các rào cản thương mại.

Mặt khác, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc hiện thực hóa các lợi ích tiềm năng của nền kinh tế số.

Những vấn đề đó có thể bao gồm: khoảng cách và sự khác biệt về quy định pháp lý và cơ sở hạ tầng, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, khả năng thích ứng chuyển đổi công nghệ kém, kỹ năng phát triển kèm theo còn chưa tương ứng, rào cản kinh tế xã hội, các vấn đề liên quan đến niềm tin, quyền bảo mật và minh bạch, hiểu biết hạn chế về sự khác biệt trong việc tiếp cận và thích ứng với sự phát triển của công nghệ của người dân ở các quốc gia khác nhau...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Do vậy, từ góc độ là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đánh giá việc xây dựng, điều chỉnh chính sách để hỗ trợ kinh tế số phát triển là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, nắm bắt xu hướng tất yếu, cơ hội và thách thức của nền kinh tế số, Bộ Công Thương phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo với mục tiêu thúc đẩy nhận thức và sự hiểu biết về nền kinh tế số, thực trạng, vai trò và tác động, thách thức và cơ hội cũng như xem xét cách cách chuyển hóa tiềm năng thành thực tiễn.

Mặt khác, hội thảo chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm về cách thức hỗ trợ các doanh nghiệm vừa và nhỏ trong việc tận dụng lợi thế của nền kinh tế số ở nhiều khía cạnh khác nhau, cụ thể như: thương mại điện tử, công nghệ, tài chính, đổi mới...

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, hội thảo được xây dựng với mục tiêu trao đổi công – tư về vấn đề mới, đa ngành như kinh tế số để từ đó đưa ra được những đóng góp, ý kiến xây dựng giúp cơ quan quản lý nhà nước hoạch định chính sách liên quan trong thời gian tới.

Do vậy, các chuyên gia sẽ tập trung thảo luận về các yếu tố thiết yếu để phát triển nền kinh tế số Việt Nam như an ninh mạng, thanh toán điện tử… cũng như các quy định liên quan đến an ninh mạng trong thời đại số cũng như vai trò đối với bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến.

Theo ông Ousmane Dione, nền kinh tế số đang tạo chuyển biến trên toàn cầu. Công nghệ đột phá thay đổi thu thập, lưu trữ, tiếp cận, phân tích và trình bày dữ liệu.

Cải thiện kỹ thuật sản xuất nhằm tăng hiệu suất như in 3D, công nghệ robot, cung cấp nhận các dịch vụ như Chính phủ điện tử, tài chính số.

Đáng lưu ý, công nghệ đột phá cũng đã có ở Việt Nam và đặc biệt Việt Nam không hề đi sau về công nghệ đột phá. Điều này thể hiện rõ qua sự tăng trưởng mạnh mẽ trước hết là kinh tế số trong lĩnh vực dịch vụ.

Ông Ousmane Dione cũng chỉ ra việc thanh toán số là một phần quan trọng trong nền kinh tế số khi 19% những người nắm tài khoản chính truy cập internet. Đây là cơ hội lớn để khu vực Đông Á phát triển. Các chính sách thúc đẩy sự tin cậy đóng vai trò cốt yếu trong việc tăng cường tham gia vào nền kinh tế số.

Do vậy, cần tăng cường kỹ năng số của người dân, đảm bảo lợi ích và cơ hội nền kinh tế số đến với mọi người. Cùng đó, cải thiện hệ thống giáo dục để thích ứng hơn với những nhu cầu thay đổi của thị trường.

Báo cáo về việc phát triển kinh tế số tại Việt Nam, ông Đặng Hoàng Hải, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, hiện tại, có hơn 96 triệu dân số, 64 triệu người sử dụng internet, 57% dân số có tài khoản mạng xã hội.

Năm 2018 thương mại điện tử tăng trưởng 30% với tổng doanh thu bán lẻ của thương mại điện tử đạt 8 tỷ USD. Dự kiến, đến năm 2020 con số này sẽ đạt từ 13-15 tỷ USD.

Bà Natasha Beschorner, chuyên gia cao cấp về chính sách công nghệ thông tin (WB) chia sẻ, Việt Nam nằm trong khu vực mà thị trường, phát triển doanh nghiệp số có tiềm năng tăng trưởng nhanh chóng như google.

Tuy nhiên, nền kinh tế số không phải chỉ sử dụng internet, quan trọng lồng ghép áp dụng những dịch vụ số của Chính phủ và doanh nghiệp. Hiện nay, tỷ lệ thanh toán số thấp, thanh toán tiền mặt được ưa chuộng hơn.

Theo bà Natasha Beschorner, logistics là yếu tố rất quan trọng phát triển kinh tế số. Hơn nữa, Việt Nam càng trở nên thân thiện hơn về logistics; đồng thời vẫn có cơ hội tăng cường, kế thừa.

Tuy nhiên, những vấn đề pháp quy, các doanh nghiệp hoạt động xuyên biên giới.

Vì vậy, các chính sách và quy định kỹ thuật số; thúc đẩy giao dịch trực tuyến, dịch vụ thuế là lĩnh vực mà Chính phủ và doanh nghiệp quan tâm.

Bà Natasha Beschorner khẳng định, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tăng tốc hơn nữa cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh của mình.

Do đó, một môi trường kiến tạo sẽ quyết định tốc độ và chất lượng phát triển kinh tế kỹ thuật số tại Việt Nam và lợi ích mang lại cho người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục