Kinh tế năm 2019: Vượt trên những thử thách

14:54' - 27/12/2019
BNEWS Bất chấp những khó khăn, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 vẫn đạt trên 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra, trở thành nước có nền kinh tế tăng trưởng thuộc nhóm hàng đầu khu vực.

Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam hoàn thành tất cả 12/12 chỉ tiêu Quốc hội đề ra, bội chi ngân sách thấp, lạm phát dưới 3%, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Những thành công này đạt được bởi sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ và hiệu quả của cả hệ thống chính trị trong triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đã giải quyết kịp thời, hiệu quả các tình huống bất lợi xảy ra trong năm.

Khu công nghiệp Biên Hoà 2. Ảnh: TTXVN

* Động lực tạo nên tăng trưởng cao nhất khu vực

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các bất đồng và căng thẳng thương mại các nước trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 7,02% vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là một thành tựu lớn.

Kết quả này càng có giá trị khi tình hình trong nước cũng diễn ra nhiều bất lợi như: dịch tả lợn châu Phi làm giảm 9% tổng đàn lợn trên cả nước, giá bán của hầu hết các sản phẩm nông nghiệp ở mức thấp so với năm ngoái, thiên tai diễn biến phức tạp. Một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch đã làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Để có được sự tăng trưởng này, trong suốt năm 2019, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã luôn bám sát thực hiện linh hoạt các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Chỉ thị 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng đầu năm và cả năm 2019.

Đặc biệt, dấu ấn lớn nhất của Chính phủ trong năm nay đó là kiên quyết giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đặt ra 6,8% khi ngay từ quý I đã có những dấu hiệu bất lợi như suy giảm tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp, xây dựng, xuất khẩu; dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lan rộng; giá nông sản bấp bênh; giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 được điều chỉnh tăng 8,36% so với mức hiện hành. Cùng đó là các yếu tố từ bên ngoài như: kinh tế toàn cầu hạ mức tăng trưởng, căng thẳng thương mại còn hiện hữu, giá cả hàng  hóa thế giới diễn biến phức tạp.

Theo đó, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, cả hệ thống chính trị đã nỗ lực "trên tinh thần cao nhất" giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, thành công lớn nhất của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2019 là linh hoạt, chủ động, theo sát, dự báo được những diễn biến phức tạp từ thị trường tiền tệ quốc tế và khu vực do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Từ đó chủ động có kịch bản điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ giúp ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, đáp ứng đầy đủ kịp thời các nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp và hỗ trợ xuất khẩu.

Đóng góp vào thành tích chỉ số lạm phát năm 2019 thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra còn do cơ chế điều hành, hoạt động của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ và sự phối hợp của các bộ, ngành trong điều hòa cung cầu, minh bạch thông tin, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Chính phủ, triệt tiêu lạm phát kỳ vọng.

Với sự hỗ trợ từ ổn định kinh tế vĩ mô, năm 2019 cũng đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân khi có trên 138.000 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt mức kỷ lục với tổng số vốn đăng ký trên 1,73 triệu tỷ đồng.

Trong năm 2019, Việt Nam đã được Diễn đàn Kinh tế thế giới nâng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh tăng 10 bậc trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019. Kết quả này đã đưa Việt Nam vươn lên trong nửa trên của bảng xếp hạng thế giới trong số 141 nền kinh tế được xếp hạng. Điều này cũng cho thấy những nỗ lực bền bỉ trong công cuộc cải cách của Chính phủ Việt Nam nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Con số 38 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tính đến ngày 20/12/2019 – mức cao nhất trong 10 năm gần đây và 20,4 tỷ USD vốn giải ngân, cao nhất từ trước đến nay là minh chứng cho thấy Việt Nam tiếp tục là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Một con số khác cũng tạo nên thành công trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2019 là kim ngạch xuất nhập khẩu gần 517 tỷ USD và xuất siêu 9,94 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Kết quả này có được là do Việt Nam vừa phát huy nội lực vừa tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, năm nay có 8 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 5 tỷ USD và 3 nhóm hàng đạt trên 30 tỷ USD gồm điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may… Đây là đặc điểm rất đáng chú ý của xuất khẩu năm nay khi các mặt hàng xuất khẩu chủ lực chủ yếu là các mặt hàng thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo và hàng hóa công nghệ cao.

Công nhân làm việc tại khu công nghiệp VSIP, Bình Dương. Ảnh: TTXVN

*Vẫn còn những lực cản

Tuy nhiên, những thành công trong năm 2019 chưa thực sự được trọn vẹn khi nền kinh tế vẫn tồn tại những hạn chế trở thành lực cản cho sự phát triển.

Đó là giải ngân vốn đầu tư công chậm khi đến tháng 9/2019 nguồn vốn này mới đạt 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Để xử lý tình trạng này, ngay trong tháng 10/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 94/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Theo đó, Chính phủ yêu cầu tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn và coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2019.

Lực cản tiếp theo là vấn đề thể chế. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đã chỉ ra 20 điểm chồng chéo lớn của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu đã làm cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

Hay như việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh mặc dù được Diễn đàn Kinh tế thế giới nâng hạng nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia không phải tất cả tinh thần của cải cách được thực hiện như chủ trương quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho biết, thực tế trong xã hội vẫn còn tình trạng dùng hình thức này hay hình thức khác để gộp các điều kiện kinh doanh dẫn đến nội dung công việc không thay đổi khiến phát sinh không ít thủ tục khác. 

Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, việc cổ phần hóa doanh nhà nước trong 3 năm vừa qua không đạt kế hoạch, các dự án đầu tư nước ngoài quy mô nhỏ vẫn xuất hiện nhiều, xuất khẩu vào các thị trường thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chưa như kỳ vọng… cũng là những lực cản cho tăng trưởng kinh tế năm 2019.

*Tư duy cởi trói

Năm 2020 đang cận kề với những cơ hội mới nhưng cũng không ít thách thức, rủi ro đan xen. TS Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NICF) dự báo một loạt những rủi ro xảy ra trong thời gian tới đó là: địa chính trị diễn biến phức tạp và khó lường; xu hướng tự do hóa thương mại và bảo hộ mậu dịch tiếp tục kéo dài; cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp trong trung và dài hạn; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại nhiều cơ hội cùng đó là thách thức…

Với những khó khăn trên, để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2020 khoảng 6,8% như Nghị quyết số 85/2019/QH14 của Quốc hội đề ra, theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ cùng các bộ ngành địa phương cần có sự thay đổi tư duy trong chỉ đạo điều hành.

Doanh nghiệp vẫn còn vướng mắc khi triển khai hóa đơn điện tử. Ảnh minh họa: TTXVN

Đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các bộ, ngành tiếp tục có những chính sách cởi mở hơn, cởi trói cho doanh nghiệp tư nhân, phải chuyển cho tư nhân những gì làm được và làm tốt kể cả tham gia cung cấp dịch vụ công.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định: "Chúng ta đã có Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định của Chính phủ về doanh nghiệp nhỏ và vừa, có Ban Chỉ đạo quốc gia để chỉ đạo thực hiện chương trình hành động về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa".

"Việc cần làm trong thời gian tới là tiếp tục tạo điều kiện về tín dụng để đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các thành phần kinh tế giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các thành phần kinh tế khác để khu vực này có thời cơ đóng góp, góp phần phát triển kinh tế đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng để hỗ trợ khu vực sản xuất, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sử dụng hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, phấn đấu năm 2020, giảm ít nhất 0,5 điểm phần trăm lãi suất cho vay, nhất là đối với những lĩnh vực ưu tiên.

Đối với khu vực doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới năng lực quản trị của khu vực này, tăng nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong kế hoạch đã được duyệt.

Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho khối doanh nghiệp, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Mọi cấp, mọi ngành, cơ quan chức năng phải hoạt động với phương châm phục vụ, kiến tạo, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ.

Chính phủ và các bộ ngành, địa phương cũng vào cuộc triển khai Nghị quyết số 50-NQ/TW, Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030” và “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Theo đó, Việt Nam sẽ ưu tiên thu hút các dự án FDI có công nghệ mới với cách quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục