Kinh tế năm 2019: Bứt phá vượt mục tiêu tăng trưởng

20:16' - 27/12/2019
BNEWS Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm. Ảnh: Danh Lam - TTXVN

Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam năm 2019 khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất; chất lượng tăng trưởng và môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh. 

Nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố và từng bước được tăng cường, tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 7,02%. Tuy nhiên, theo nhận định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, năm 2020 vẫn còn nhiều khó khăn do dịch bệnh, thời tiết nắng nóng, doanh nghiệp khó khăn và biến động của thế giới cũng tác động đến nền kinh tế trong nước.

Điểm sáng trong các khu vực kinh tế

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới năm qua biến động phức tạp, kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2019 đã đạt được những kết quả tích cực nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng cao, tăng trưởng GDP năm 2019 ước tính đạt 7,02%. Đây là năm thứ hai liên tiếp trong giai đoạn chiến lược 10 năm nền kinh tế đạt mức tăng trưởng trên 7%, vượt mục tiêu đề ra, quy mô được mở rộng với chất lượng ngày càng được cải thiện.

Tổng cục Thống kê chỉ ra, trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tăng 16,5% so với năm 2018, nhóm cây ăn quả đạt sản lượng thu hoạch khá. Đặc biệt, ngành thủy sản là điểm sáng của khu vực này tăng 5,6% với sản lượng nuôi trồng và khai thác đều tăng khá.

Trong khu vực công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ đà tăng trưởng cao; trong đó các ngành trọng điểm, sử dụng nhiều lao động, sản xuất hàng xuất khẩu giữ tốc độ tăng khá. Ngành khai khoáng đã có mức tăng trưởng dương 1,29% sau 3 năm giảm liên tục.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tục đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt nền kinh tế tăng trưởng với mức tăng 11,29%. Ngành chế biến chế tạo tăng trưởng đều qua các quý, quý sau cao hơn quý trước và tăng trưởng ở hầu hết các ngành.

Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng 7,3%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế; trong đó các ngành dịch vụ thị trường có mức tăng cao 8,41%, là động lực chính cho tăng trưởng năm nay của Việt Nam. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thể hiện nhu cầu tiêu dùng trong dân tăng cao 11,8%, cao nhất trong giai đoạn 2016-2019.

Nổi bật, cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng tỷ trọng vốn khu vực ngoài nhà nước tăng đều qua các năm, giảm tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực Nhà nước. Năm 2019, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước đã đạt 46% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, mức tỷ trọng cao nhất từ trước đến nay, khẳng định rõ chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế ngoài nhà nước trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2019 chỉ tăng 2,79%, thấp nhất trong 3 năm qua.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lần đầu tiên vượt qua mốc 500 tỷ USD. Đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế trong nước đối với lĩnh vực xuất khẩu khi có tốc độ tăng trưởng đạt 17,7%, cao hơn rất nhiều tốc độ tăng 4,2% của khu vực FDI.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp thành lập mới năm nay đạt mức kỷ lục 138,1 nghìn doanh nghiệp, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thể hiện sức khỏe của các doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt 12,5 tỷ đồng, mức cao nhất trong những năm trở lại đây.

Cũng theo ông Lâm, tăng trưởng kinh tế còn được hỗ trợ tốt nhờ vào việc thu hút tốt nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), năm 2019 với tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018.

Ngoài ra, tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ diễn ra mạnh mẽ, đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Nổi bật nữa là hoạt động du lịch lập kỷ lục mới khi thu hút được 18 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhận định, trong năm 2020, nền kinh tế đất nước vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế và tiếp tục đối mặt với những thách thức mới như: chăn nuôi lợn trong năm 2019 chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi trên tất cả địa phương. Biến đổi khí hậu, hạn hán, nắng nóng kéo dài, an ninh nguồn nước ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng cây trồng, tác động tới sản xuất và đời sống nhân dân năm 2020.

Không những thế, giá xuất khẩu bình quân của nhiều mặt hàng nông sản năm nay giảm so với năm trước nên kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông sản, thủy sản đều giảm. Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, mọi biến động của thế giới cũng tác động đến nền kinh tế trong nước, trong khi khả năng chống chịu trước những biến động của bên ngoài còn hạn chế. Đây sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản năm tới.

“Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng cao nhưng khó duy trì tốc độ tăng như năm nay trong những năm tiếp theo.”, ông Phạm Đình Thúy chỉ ra.

Ngoài ra, năng lực của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; đồng thời, còn tồn tại một số rào cản, hạn chế về thể chế kinh tế gây ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế trong từng ngành, từng lĩnh vực.

Dự báo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội đề ra cho năm 2020 là rất khó khăn, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá chỉ ra, dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng đến giá tiêu dùng những tháng cuối năm và tiếp tục trong những tháng đầu năm 2020. Bên cạnh đó, giá xăng dầu cũng là những yếu tố rủi ro. Dự báo, giá dầu sẽ tăng cao so với năm 2019. Ngoài ra, là những yếu tố khác như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường trong nước.

Kinh tế 2020 còn nhiều khó khăn, thách thức

Theo người đứng đầu ngành thống kê, năm 2019 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Dự báo kinh tế thế giới trong năm 2020 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Để đạt được mục tiêu GDP tăng 6,8%, chỉ số giá tiêu dùng 4%, xuất nhập khẩu tăng 7%, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng, cơ quan quản lý, các bộ ngành, lãnh đạo địa phương tiếp tục cải cách thể chế, môi trường kinh doanh; đặc biệt giải pháp để nâng cao năng suất lao động phải đặt lên hàng đầu.

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm đặc biệt nhấn mạnh đến công tác điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Đỗ Thị Ngọc cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát tình hình giá cả, thị trường trong nước và thế giới, diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý vào thời điểm thích hợp; đồng thời, chủ động chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu và hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng gia tăng vào thời điểm cuối năm.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp cần điều chỉnh phương án sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với các vùng, miền nhằm thích ứng biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh lương thực. Để nâng cao giá trị xuất khẩu, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thống kê nông nghiệp cũng nhấn mạnh đến giải pháp cần khuyến khích liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tạo giá trị gia tăng ở các khâu, quản lý tốt chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường đầu ra. Ngành thủy sản cần gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, phân tích và dự báo tốt các tín hiệu của thị trường để có những bước đi phù hợp.

Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cần bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh nhằm thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đồng thời, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân.

Tổng cục trưởng cũng chỉ ra, trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng với quy mô dân số trên 96 triệu dân và số lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng cao sẽ là thị trường tiềm năng tạo động lực cho khu vực sản xuất, dịch vụ và tăng trưởng năm 2020.

“Các cấp, các ngành và địa phương phải nhận thức đúng và đầy đủ những khó khăn, thách thức phía trước để kịp thời có các giải pháp khắc phục ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2020.”, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh./.

>> Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp có dấu hiệu tăng chậm lại

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục