Kinh tế Mỹ đối mặt với nhiều vấn đề nội tại

13:50' - 31/12/2019
BNEWS Chu kỳ tăng trưởng kéo dài một thập kỷ của nền kinh tế Mỹ đã được tiếp nối trong năm 2019, song nước này đang phải đối mặt nhiều thách thức và các vấn đề nội tại.
Mỹ vẫn đối mặt với bất bình đẳng về kinh tế. Ảnh minh họa:Reuters

Chu kỳ tăng trưởng kéo dài một thập kỷ của nền kinh tế Mỹ đã được tiếp nối trong năm 2019, song nước này vẫn đang phải đối mặt nhiều thách thức và các vấn đề nội tại, như bất bình đẳng kinh tế và gánh nặng nợ sinh viên của người trẻ.

Nước Mỹ đã chứng kiến sự bùng nổ kinh tế trong những năm qua. Thị trường chứng khoán nhiều lần xác lập các mức cao kỷ lục và tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất. Tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ gốc Phi và gốc Mỹ Latinh cũng đứng ở mức thấp nhất mọi thời đại.

Bà Barry Bosworth, nhà phân tích cấp cao của Viện Brookings, cho biết việc cắt giảm thuế năm 2017 đã khiến những người giàu hưởng lợi, qua đó tạo ra động lực lớn giúp kích thích nền kinh tế và kéo dài đà phục hồi kinh tế đang diễn ra. Điều này đã đưa đến tỷ lệ thất nghiệp thấp mà không có bất kỳ dấu hiệu nào của lạm phát.

Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phải đối mặt không ít vấn đề như bất bình đẳng thu nhập và khủng hoảng nợ sinh viên.

Bên cạnh đó, dù số lượng việc làm mới được tạo ra khá lớn, song nhiều người vẫn phải chấp nhận vị trí công việc thu nhập thấp, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ.

Một bài viết đăng trên tờ Fast Company của Mỹ số ra mới đây trích dẫn lời của nhà kinh tế Heidi Shierholz, Giám đốc chính sách cao cấp của Viện Chính sách Kinh tế Tự do, cho rằng kinh tế Mỹ đang "tăng trưởng nhưng những thành quả của tăng trưởng đó không được chia sẻ rộng rãi và đồng đều”.

Điều này dường như không sai khi kết quả điều tra gần đây cho thấy, bất bình đẳng thu nhập ở Mỹ luôn ở mức cao nhất thế giới, với 1% số người giàu nhất chiếm 1/3 tài sản của quốc gia này, trong khi 50% số người có thu nhập thấp nhất chỉ chiếm 1,2% giá trị tài sản của nước Mỹ.

Học phí đại học, vốn ở mức phải chăng cách đây 20 năm, đã tăng vọt, khiến hàng triệu người trẻ tại Mỹ phải gánh chịu nợ nần.

Theo Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh bang St. Louis, ít nhất 45 triệu người Mỹ đang mang trên mình khối nợ cao kỷ lục lên tới 1.600 tỷ USD do các khoản vay sinh viên.

Còn theo trang web Data.gov của Chính phủ Mỹ, nhiều người nợ chồng chất đến nỗi họ chỉ có thể trả được tiền lãi, trong khi 50 số người đi vay chưa trả được dù chỉ một USD tiền gốc, 20% không thể thanh toán các khoản trả góp hàng tháng và 40% có thể bị vỡ nợ vào năm 2023.

Trong một báo cáo phân tích về kinh tế Mỹ công bố tháng trước, Viện Brookings cho hay ngay cả khi kinh tế Mỹ phát triển với tốc độ thuận lợi, thu nhập của một bộ phận lớn người lao động ngày nay vẫn không đủ để đảm bảo sinh kế và gia đình họ vẫn rất dễ bị tổn thương.

Báo cáo cho biết, 53 triệu người Mỹ trong độ tuổi từ 18 đến 64, chiếm 44% tổng số lao động, hiện được xếp vào diện " mức lương thấp"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục