Kinh tế biển Thừa Thiên - Huế: Phát triển mạnh nhờ đầu tư đúng hướng

12:16' - 10/12/2018
BNEWS Kinh tế biển của Thừa Thiên -Huế đã có bước phát triển mạnh mẽ nhờ có những chủ trương, định hướng đúng đắn.
Thừa Thiên Huế sẽ tập trung khai thác thế mạnh về nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN

Nuôi trồng và đánh bắt thủy sản là một trong những ngành kinh tế biển quan trọng của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nhờ được hỗ trợ và có những bước đi thích hợp, sự năng động trong điều hành, chỉ đạo nên lĩnh vực thủy sản của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có bước phát triển mạnh.

Kinh tế biển đang được đầu tư đúng hướng

Theo ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế, kinh tế biển và đầm phá trên địa bàn tỉnh chưa bao giờ được khai thác mạnh mẽ như hiện nay. Thành quả có được như hôm nay bắt đầu từ những chủ trương của tỉnh, đầu tư đúng hướng để phát triển kinh tế biển.

Để hỗ trợ hoạt động đánh bắt thủy sản trên các vùng biển xa, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế quyết định cấp kinh phí hỗ trợ nhiên liệu cho các tàu cá tại các địa phương ven biển tham gia hoạt động đánh bắt thủy sản trên các vùng biển xa, theo đó trong năm 2018, tỉnh đã có 3 đợt cấp kinh phí tổng cộng hơn 76,5 tỷ đồng (đợt 1/2018: 16 tỷ đồng, đợt 2/2018: hơn 35,8 tỷ đồng và đợt 3/2018: hơn 24,7 tỷ đồng) cho các tàu cá đánh bắt xa bờ.

Đặc biệt, thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh Thừa Thiên-Huế chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương của các xã vùng biển cho ngư dân vay vốn đóng mới và nâng cấp 40 tàu cá; trong đó có 4 tàu vỏ thép có công suất trên 829CV và 36 tàu vỏ gỗ công suất từ 400 đến 800CV.

Số lượng tàu đánh bắt xa bờ của Thừa Thiên Huế đã tăng từ 265 chiếc lên 409 chiếc, trong đó tàu cá có công suất từ 400CV trở lên tăng từ 38 chiếc lên 200 chiếc và 52 chiếc tàu có công suất từ 800CV trở lên, nâng tổng số đội tàu cá của tỉnh lên hơn 2 nghìn chiếc.

Theo Ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên-Huế, chính sách vay vốn ưu đãi để đóng mới, cải hoán tàu đánh cá theo NĐ 67 đã mang lại hiệu quả và ý nghĩa thiết thực cho ngư dân.

Sản lượng khai thác hải sản của tỉnh trong 3 năm trở lại đây đã tăng lên đáng kể. Năm 2017, sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh đạt trên 30 ngàn tấn, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2016.

Cùng với chính sách hỗ trợ vốn vay cho đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ, hiện toàn tỉnh có gần 300 lượt tàu cá xa bờ và hơn 2.900 thuyền viên được hỗ trợ chi trả phí bảo hiểm với tổng số tiền hơn 8,278 tỷ đồng.

Gần 71,38 tỷ đồng được hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa cho ngư dân có tàu tham gia hoạt động dịch vụ thủy sản xa bờ...

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực vận động ngư dân đóng mới tàu tại địa bàn, công bố thêm 3 cơ sở đóng tàu đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá vỏ gỗ từ 400 CV trở lên.

Vì vậy, tỉnh có 100% tàu vỏ gỗ theo Nghị định 67 đều do đơn vị đóng tàu trong tỉnh xuất xưởng, giữ được công ăn việc làm và tiền thuế lại cho tỉnh.

Sở cũng xây dựng các kế hoạch đào tạo hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới. Hướng dẫn kỹ thuật khai thác đúng quy định của quốc gia và thông lệ quốc tế, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên theo tinh thần Nghị định 67.

Những con tàu 67 đã giúp ngư dân Thừa Thiên-Huế bám biển dài ngày hơn, vươn ra ngư trường xa hơn. Chất lượng hải sản được bảo quản tốt hơn khi về đất liền, tạo động lực cho ngư dân quyết tâm vươn khơi, bám biển.

Cùng với đó, tỉnh Thừa Thiên-Huế còn quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá để phục vụ phát triển thủy sản.

Ngoài khai thác tốt nguồn lợi thủy, hải sản, tỉnh còn tập trung xây dựng thêm các cơ sở chế biến, giúp việc tiêu thụ thủy, hải sản được dễ dàng và ổn định.

Các địa phương vùng ven biển đã thành lập được 330 cơ sở chế biến, sản lượng hằng năm đạt khoảng 1,5 triệu lít nước mắm, 1,5 tấn mắm và hơn 100 tấn thủy sản khô, tạo ra một hướng đi trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn vùng ven biển, đầm phá, giải quyết việc làm, góp phần ổn định và nâng cao đời sống dân cư trong vùng.

Nhờ có sự đầu tư, hỗ trợ đúng hướng và kịp thời, lĩnh vực thủy sản của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có bước phát triển mạnh.

Tính đến giữa tháng 11-2018, sản lượng thủy sản nuôi trồng của Thừa Thiên-Huế đạt 13.700 tấn, tăng gần 8,5%; sản lượng khai thác thủy hải sản đạt 51.332 tấn, tăng 6,13%; trong đó, sản lượng khai thác biển là 33.054 tấn, tăng 5,75%.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn tỉnh hiện đạt khoảng 16 triệu USD, tăng 2,1 lần so với năm 2017.

Theo ông Hồ Sỹ Nguyên, quy hoạch đến năm 2020, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Thừa Thiên-Huế phấn đấu đạt 24.116 tấn; đồng thời nâng tỷ trọng sản lượng khai thác xa bờ đạt trên 70%.

Để đạt được mục tiêu nêu ra, tỉnh quy hoạch đưa 30 ha tại vùng cát ven biển huyện Phong Điền vào xây dựng nhóm trại sản xuất và dịch vụ cung ứng giống cho vùng nuôi trên cát; củng cố hệ thống trại sản xuất và dịch vụ giống tôm sú tại huyện Phú Vang và huyện Phú Lộc; phát triển mạng lưới ươm giống tại các xã nuôi trồng thủy sản trọng điểm.

Bên cạnh đó, tỉnh đầu tư xây dựng 1.064 ha diện tích nuôi tôm chân trắng thâm canh công nghiệp trên vùng cát ven biển; ổn định 1.091 ha nuôi chuyên tôm sú bán thâm canh vùng cao triều ven đầm phá; nuôi xen ghép 1.659 ha quảng canh cải tiến vùng hạ triều đầm phá, giảm 423 ha; phát triển 2.360 ha diện tích nuôi thủy sản nước ngọt, tăng 525 ha; khai thác sử dụng 1.500 ha mặt nước hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hồ tự nhiên để nuôi thủy sản.

Các thuyền đang kéo lưới đánh bắt cá cơm tại khu vực biển xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy hải sản

Đánh bắt hải sản là một trong những ngành kinh tế biển quan trọng, song nguồn lợi thuỷ hải sản đang đứng trước nguy cơ ngày một cạn kiệt do tình trạng đánh bắt theo lối tự nhiên, không đi đôi với bảo vệ môi trường...

Chính vì vậy, năm 2018, Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện Quảng Điền, Phú Vang tổ chức 9 lớp tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản pháp luật quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản cho người dân tại các xã đầm phá, ven biển…

Qua đó, nâng cao nhận thức và hành vi của người dân trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Đồng thời chính quyền địa phương còn vận động người dân ký cam kết không sử dụng các công cụ, ngư cụ khai thác thủy sản mang tính hủy diệt; tích cực tham gia tổ chức Hội nghề cá địa phương để quản lý, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Mô hình này giúp phát huy tối đa vai trò cộng đồng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và sinh kế của ngư dân vùng đầm phá.

Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thành lập 93 tổ đội tàu thuyền đoàn kết, tổ tàu thuyền an toàn trên biển với 1.140 tàu thuyền từ 90CV trở lên tham gia, góp phần quan trọng vào việc giữ vững chủ quyền biển đảo, bảo vệ tài nguyên môi trường, lợi ích quốc gia vùng biển.

Tỉnh cũng hình thành 86 chi hội nghề cá, thu hút trên 7.000 hội viên tham gia; trong đó, có 50 chi hội nghề cá hoạt động trên lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản trên đầm phá Tam Giang-Cầu Hai.

Hoạt động sinh kế của hội viên gắn liền với hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai và vùng bờ ven biển, do đó các chi hội nghề cá được trao quyền khai thác thủy sản và quyền quản lý mặt nước vùng biển gần bờ.

Sau khi được giao quyền quản lý mặt nước, toàn tỉnh đã thành lập được 23 khu bảo vệ thủy sản với tổng diện tích là hơn 614 ha - chiếm 2,79% diện tích đầm phá; trong đó, có 18 khu bảo vệ thủy sản đã được đầu tư xây dựng hoàn thiện các trụ mốc ranh giới.

Hoạt động xây dựng khu bảo vệ thủy sản đã góp phần gìn giữ các loài thủy sản trên hệ đầm phá có nguy cơ cạn kiệt; bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái đã và đang dần biến mất trước nguy cơ biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Lương Hiền cho biết, thời gian tới, Hội nghề cá tỉnh tiếp tục phát huy vai trò tổ chức xã hội nghề nghiệp, tập hợp những người làm nghề cá và chủ thể bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường đầm phá Tam Giang-Cầu Hai; phối hợp giữa các ban, ngành địa phương với chi hội nghề cá, ngư dân trong việc quản lý, huy động nguồn lực xã hội phục vụ quản lý mặt nước đầm phá và vùng biển gần bờ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục