Kinh tế 6 tháng: Ngành nông nghiệp làm gì để đạt mục mục tiêu tăng trưởng?

16:27' - 28/06/2019
BNEWS Trong 6 tháng đầu năm nay, GDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,39%, đóng góp 6% vào mức tăng trưởng chung.
Dịch tả lợn châu Phi đã tác động mạnh đến tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Ảnh: TTXVN
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, GDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,39%, đóng góp 6% vào mức tăng trưởng chung. Mặc dù vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá nhưng cuối năm thường xảy ra thiên tai bất thường, dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến khó lường… đòi hỏi toàn ngành phát huy hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 3% trong năm 2019.

*Tác động mạnh của biến đổi khí hậu

Trong 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu gây hạn hán, thiên tai; dịch bệnh tả lợn châu Phi, lở mồm long móng lây lan mạnh cùng với giá cả xuất khẩu nông sản sụt giảm. Tuy nhiên, ngành vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ nhờ sự đóng góp tích cực của lĩnh vực thủy sản và lâm nghiệp. Đặc biệt, lâm nghiệp là lĩnh vực vẫn duy trì tốt sự tăng trưởng khá từ đầu năm cả trong sản xuất và xuất khẩu. Quá trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đã giúp kéo dài chu kỳ kinh doanh và nâng cao sản lượng, chất lượng gỗ rừng trồng. Nguồn nguyên liệu gỗ trong nước ổn định đã đáp ứng phần lớn nhu cầu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 28/6, giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt gần 5,3 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 50% kế hoạch năm. Giá trị lâm sản xuất siêu ước đạt trên 4 tỷ USD, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Với lĩnh vực thủy sản, nhờ việc chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực quốc gia như tôm và cá tra nên có được sự phát triển khá, đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất 6,47%.

Tuy nhiên, trong xuất khẩu thủy sản lại chưa có sự tăng trưởng như kỳ vọng, chỉ đạt gần 4 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những nguyên nhân là xu hướng tăng nóng xuất khẩu cá tra đã chậm lại. Cùng đó, thị trường lớn trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam là Trung Quốc có sự sụt giảm do nước này siết chặt thương mại mậu biên.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh với Ấn Độ và Ecuador trên thị trường tôm, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến nhu cầu, cùng với đồng Nhân dân tệ mất giá cũng là những yếu tố gây ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.

Trong bức tranh nông nghiệp 6 tháng đầu năm, điểm tối nhất phải nhắc đến là lĩnh vực chăn nuôi lợn do tác động của dịch tả lợn châu Phi. Xuất hiện từ tháng 2/2019 tại 2 tỉnh đầu tiên Hưng Yên, Thái Bình, tốc độ lây lan dịch tăng lên từng tháng và hiện vẫn có diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan ra cả nước rất cao. Đến thời điểm ngày 28/6, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 60 tỉnh, thành trong cả nước. Tổng số lợn bị tiêu hủy là hơn 2,83 triệu con, chiếm trên 10% tổng đàn.

Đáng lo ngại nhất là mới đây tại “thủ phủ” chăn nuôi lợn của cả nước, Công ty Chăn nuôi lợn Phú Sơn ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai có quy mô gần 20.000 con lợn đã bị nhiễm dịch bệnh nguy hiểm này.

Trong khi trước đó, dịch tả lợn châu Phi chủ yếu xảy ra ở quy mô hộ, trang trại nhỏ, thậm chí có thời điểm các lực lượng chức năng đã cơ bản khống chế. Tuy nhiên, khi bệnh dịch lây lan rộng và diễn biến phức tạp thì nhiều bất cập, xuất hiện tại nhiều địa phương trong quá trình triển khai. Một phần nguyên nhân là vẫn tồn tại một số địa phương chưa chủ động giám sát, còn chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong việc dập dịch.

Một điểm tối khác trong bức tranh nông nghiệp 6 tháng là những thay đổi về mặt chính sách nhập khẩu của Trung Quốc; sự tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; nhiều mặt hàng nông sản giảm giá… đã dẫn đến sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu một số sản phẩm nông sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, ngành đã từng bước khắc phục những điểm yếu, nâng sức cạnh tranh sản phẩm…. Nhờ đó, cơ cấu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu đã thể hiện khá rõ về tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như thủy sản (nhất là tôm nước lợ), rau, hoa, quả, các loại cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ.

Chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản ngày càng tăng lên, từng bước đáp ứng các tiêu chí chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Việc mở cửa cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc ngày càng được chú trọng. 

Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 19,77 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Tăng trưởng của lâm nghiệp sẽ bù đắp cho chăn nuôi. Ảnh: TTXVN

*Chủ động giải quyết các thách thức

Trước những thách thức đang đặt ra với ngành nông nghiệp, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, từ nay đến cuối  năm cần thúc đẩy các ngành lĩnh vực đang có lợi thế đề bù đắp cho các thiếu hụt, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của ngành trong năm nay.

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, những ưu đãi, lợi thế từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) mới có hiệu lực trong năm nay, những tín hiệu từ nhu cầu các thị trường lớn như Hoa Kỳ sẽ là cơ hội lớn để các sản phẩm gỗ cũng như các nông sản từ Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh, thâm nhập vào các thị trường lớn.

Cùng với lâm nghiệp, thủy sản cũng là lĩnh vực có tiềm năng để thúc đẩy tăng trưởng, góp phần bù đắp phần cho lĩnh vực chăn nuôi đang bị ảnh hưởng do dịch tả lợn châu Phi.

Ông Nguyễn Ngọc Oai, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ngành thủy sản tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, đặc biệt đối với tôm, cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long, chú trọng tổ chức phát triển các chuỗi giá trị bảo đảm lợi ích của các bên tham gia. Ngành sẽ đẩy mạnh liên kết tất các các công đoạn của chuỗi giá trị để gắn kết sản xuất với tiêu thụ, kịp thời thông tin về thị trường để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, hạn chế rủi ro mất cân bằng trong cung cầu.

Riêng trong lĩnh vực khai thác hải sản, theo kế hoạch, cuối tháng 10/2019, Đoàn thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu (DG-MARE) sẽ sang Việt Nam để kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (IUU).

Đây là thời điểm EC đánh giá kết quả sau 2 năm Việt Nam thực hiện các khuyến nghị của EC để có đủ luận chứng đưa ra kết luận có thể gỡ bỏ hoặc duy trì cảnh báo “Thẻ vàng” hoặc áp dụng biện pháp cảnh báo “Thẻ đỏ” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.

Trước vấn đề cấp bách trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu, phải xác định nhiệm vụ chống khai thác IUU tại địa phương là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, cần tập trung nguồn lực phục vụ cho hoạt động chống khai thác IUU, chấm dứt tàu cá và ngư dân địa phương vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Trong chăn nuôi, để đảm bảo sự phát triển ngành cũng như nguồn cung thực phẩm cuối năm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ tiếp tục hướng dẫn, phối hợp các bộ, ngành và các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp, phòng chống dịch tả lợn châu Phi; xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới.

Song song với đó, ngành tiếp tục theo dõi, bám sát cung, cầu sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là thị trường thịt lợn trong nước và các nước láng giềng để chỉ đạo sát phương án sản xuất kinh doanh, bảo đảm đủ nguồn cung cho nhu cầu trong nước và cho xuất khẩu.

Để thúc đẩy tiêu thụ nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đề nghị phía Trung Quốc thúc đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường cho thêm nhiều nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, cùng với đó là sẽ cho phép nhiều doanh nghiệp của Việt Nam được phép xuất khẩu hơn.

Việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU (EVIPA) chuẩn bị được ký kết cũng được kỳ vọng tạo nên sự bứt phá cho ngành nông nghiệp trong thời gian tới bởi các nước EU sẽ cắt giảm số dòng thuế nông nghiệp cam kết 0% năm đầu tiên và sau 10 năm là 74,6% và 97,3%.

Tuy nhiên, theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, bên cạnh cơ hội, Hiệp định EVFTA sẽ khiến nền nông nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức như: Gia tăng cạnh tranh với hàng nhập khẩu do hàng rào thuế dần được cắt giảm, trong khi Việt Nam khó sử dụng hàng rào phi thuế như một biện pháp bảo hộ do năng lực về pháp lý, bằng chứng khoa học hạn chế. Việc quản lý và thực thi các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm trong nước cũng chưa đạt được những kết quả kỳ vọng, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng nội địa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục