Kinh nghiệm khắc phục sự cố truyền tải sau mưa bão

10:41' - 05/03/2019
BNEWS Công ty Truyền tải điện 1 - PTC1 đã lên phương án, chuẩn bị nhiều giải pháp và vận dụng kinh nghiệm từ nhiều năm trước để chủ động ứng phó, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019.
Công ty Truyền tải điện 1 chủ động ứng phó khi thiên tai xảy ra. Ảnh: Hoàng Dũng/TTXVN

Tại các vị trí sạt lở trên các đường dây trọng điểm như 500kV Sơn La - Hiệp Hòa, Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan, đường dây 220kV Việt Trì - Sơn La, Quảng Ninh - Hoành Bồ, ngay sau khi phát hiện có hiện tượng sạt lở đất móng cột trên các đường dây trên, Công ty đã kịp thời triển khai xử lý, huy động nhân lực từ các đơn vị truyền tải trong Công ty như Tây Bắc, Hòa Bình, Tây Bắc 2 và thuê nhân công địa phương cùng thực hiện xử lý tạm bằng cách chằng néo, ghim phủ bạt, khơi thông dòng chảy theo biện pháp xử lý thông thường.

Đối với các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, PTC1 đã bổ sung kè rọ đá, đóng cọc tre dưới chân chống sạt lở và giằng néo các thân trụ. Chỉ trong thời gian ngắn, tất cả các vị trí đã được xử lý khắc phục kịp thời với khối lượng: chằng néo toàn bộ 26 vị trí bị sạt lở; phủ bạt 63.962m2; đóng 4.374 cọc tre; xếp rọ đá 748m3; lắp đặt thanh giằng chân trụ khoảng 8 tấn thép L; đào đất xếp rọ đá và đào rãnh thoát thước khoảng 500m3....

Song song với việc xử lý tạm thời, PTC1 đã thuê các đơn vị tư vấn chuyên ngành như Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2, Viện Năng lượng, Tư vấn Long Giang khảo sát địa hình, địa chất đưa ra giải pháp xử lý lâu dài.

Được sự chỉ đạo của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Công ty đã tổ chức 5 cuộc hội thảo giữa các cơ quan tư vấn nêu trên đồng thời  mời thêm các cơ quan chuyên ngành khác như Tư vấn Thủy lợi, Tư vấn Giao thông, các nhà thầu xây lắp điện, xây dựng....để tìm ra phương án xử lý và biện pháp tổ chức thi công phù hợp. Tất cả các công việc được triển khai rất khẩn trương nhưng yêu cầu phải đảm bảo chất lượng thiết kế.

Đến nay, Công ty đã tổ chức đấu thầu thi công cho tất cả các vị trí nêu trên. Hiện đã có 3 vị trí đang triển khai thi công. PTC1 đang khẩn trương triển khai các công việc cần thiết nhằm hoàn thành công tác này trước tháng 4/2019.

Công nhân truyền tải lên đường khắc phục hậu quả mưa bão. Ảnh: Hoàng Dũng/TTXVN

Trước đó, năm 2018, khu vực các tỉnh miền Bắc chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt mưa lớn kéo dài và hoàn lưu của 4 cơn bão làm sạt lở đất, ngập lụt một số khu vực, địa bàn có lưới truyền tải điện do Công ty quản lý.

Với các đợt mưa lớn kéo dài trong các tháng 6, 7, 8; các đợt áp thấp nhiệt đới vào tháng 10, đặc biệt ảnh hưởng của các cơn bão số  3, 4, 5, 6 và hoàn lưu sau bão đã gây ra tình trạng sạt lở móng cột trên nhiều vị trí, địa hình tuyến đường dây bị chia cắt ngập lụt kéo dài, gây khó khăn cho việc kiểm tra, quản lý vận hành. Cụ thể như tại khu vực huyện Bắc Yên, Yên Châu, Mộc Châu, Mường La thuộc tỉnh Sơn La; khu vực thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội; huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Mưa lũ đã làm cho 26 vị trí cột thuộc đường dây 500kV Sơn La - Hiệp Hòa; Sơn La - Hòa Bình -  Nho Quan và đường dây 220kV Việt Trì - Sơn La; Quảng Ninh - Hoành Bồ bị sạt lở nặng nề. Tại một số khoảng cột, khoảng cách từ dây dẫn đến mặt nước thấp không đảm bảo khoảng cách an toàn như tại khoảng cột 95-96 đường dây 220kV Hòa Bình - Hà Đông 3;  khoảng cột 84-85 đường dây 220kV Hòa Bình - Chèm, khoảng cột 52-53 đường dây 220kV Hòa Bình - Hà Đông 1; khoảng cột 09-10, 17-18 đường dây 220kV Nho Quan - Hà Đông, khoảng cột 14-16 đường dây 220kV Nho Quan - Thanh Hóa.

Mưa lũ cũng đã làm trôi 23 biển báo hiệu đường thủy, 3 biển báo hiệu đường bộ của đường dây 500kV Sơn La - Hiệp Hòa; phần kè đường vào trạm biến áp 220kV Quảng Ninh bị sạt lở. Hệ thống mương thoát nước hàng rào trạm biến áp (TBA) 220kV Tràng Bạch bị sạt, đổ vỡ. Trạm biến áp 220kV Đình Vũ - Truyền tải điện Hải Phòng nước ngập mấp mé nền nhà điều khiển…

Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, mưa lũ gây ra, Công ty đã lập phương án thông tin liên lạc nhằm đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành từ cấp đơn vị đến Công ty.

Hệ thống thông tin vô tuyến điện sử dụng thông tin sóng cực ngắn VHF bao gồm các thiết bị vô tuyến điện VHF, Kenwood, bộ đàm cầm ta,… được khai thác sử dụng với những vùng không có sóng điện thoại di động, sóng điện thoại kém. Tất cả các Đội truyền tải điện, các Trạm biến áp, các xe ô tô đều được trang bị máy bộ đàm.

PTC1 được Cục Tần số vô tuyến điện cấp phép sử dụng tần số riêng 150.550Mhz. Ngoài ra, rút kinh nghiệm sau cơn bão ở Hà Tĩnh năm 2017, PTC1 cũng đã duyệt cho một số đơn vị tự trang bị điện thoại vệ tinh và có phương án trao đổi, điều chuyển thiết bị khi có sự cố xảy ra ở khu vực đơn vị khác.

Từ thực tế triển khai thực hiện, theo ông Nguyễn Hữu Long, Giám đốc Công ty, kinh nghiệm trong khắc phục xử lý các vị trí bị sạt lở nặng nề đã cho thấy  PTC1 đã thực hiện tốt công tác ứng phó 4 tại chỗ.

Cụ thể: Kịp thời huy động tối đa lực lượng, phương tiện, nhân lực ứng trực, tham gia khắc phục sự cố; trong đó có sự tham gia của các đơn vị bạn, đơn vị bên ngoài và sự hỗ trợ của các địa phương (Lực lượng tại chỗ). Ngoài các phương tiện vật tư hiện có, Công ty đã chủ động huy động được các phương tiện vật tư tại chỗ cũng như từ đơn vị bạn đảm bảo cung cấp kịp thời đúng tiến độ khắc phục sửa chữa (Phương tiện vật tư tại chỗ). Tất cả các TBA, các Đội TTĐ tại vùng ảnh hưởng của bão cũng như tham gia phối hợp khắc phục sự cố đều đã chủ động chuẩn bị tốt về mặt hậu cần (Hậu cần tại chỗ).

Lãnh đạo từ Tổng Công ty đến Công ty và đơn vị trực tiếp bị ảnh hưởng do bão, lũ đã trực tiếp có mặt tại hiện trường kịp thời chỉ đạo, điều hành điều phối các đơn vị tổ chức phân công nhiệm vụ, khối lượng công việc, không để chồng chéo, theo sát tiến độ, đôn đốc thực hiện (Chỉ huy tại chỗ). Điều này thể hiện khả năng ứng phó khi có các tình huống xấu nhất xảy ra trong bão lũ đưa lưới truyền tải điện nhanh nhất cung cấp điện trở lại ổn định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục