Kiến nghị sửa đổi Luật Thủ đô, đảm bảo tính khả thi của các cơ chế đặc thù

16:12' - 18/10/2019
BNEWS Việc thực hiện Luật Thủ đô bước đầu đã tập trung huy động được nguồn lực to lớn của xã hội, tác động tích cực đối với phát triển kinh tế, xã hội.
Ga Hà Nội

Ngày 18/10, tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, qua 6 năm thực hiện Luật Thủ đô (được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/11/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013), thành phố đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan, tích cực triển khai thực hiện Luật Thủ đô, nhờ đó nhiều quy định của Luật đã từng bước đi vào cuộc sống, có tác dụng tích cực trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Việc thực hiện Luật Thủ đô bước đầu đã tập trung huy động được nguồn lực to lớn của xã hội, tác động tích cực đối với phát triển kinh tế, xã hội, ổn định chính trị, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an toàn tuyệt đối và tạo điều kiện cho hoạt động của cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và các chương trình, sự kiện quốc gia, quốc tế trên địa bàn Thủ đô; phát huy được vị thế, vai trò, tạo động lực phát triển, mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển.

Thủ đô đang ngày càng khang trang, to đẹp, thân thiện hơn đối với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Luật Thủ đô còn nhiều hạn chế, tồn tại, vướng mắc. Cụ thể, sự phối hợp giữa thành phố Hà Nội và một số bộ, ngành trong việc xây dựng một số văn bản triển khai cụ thể hóa Luật Thủ đô còn chậm. Công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển, đề xuất Trung ương cơ chế, chính sách đặc thù tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển còn chưa đầy đủ, đồng bộ, kịp thời so với yêu cầu.

Một số quy định của Luật Thủ đô như: Mục tiêu hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống giao thông đường bộ hiện đại; thực hiện chính sách giãn dân ra ngoại thành và các tỉnh, thành phố khác còn mang tính nguyên tắc, định hướng chung, chưa đảm bảo tính khả thi.

Nhiều nhiệm vụ cần phải tập trung nguồn lực để đảm bảo thực hiện trong cùng một thời điểm, nên khó khăn khi tổ chức thi hành.

Nhiều vấn đề lịch sử để lại từ trước khi ban hành Luật Thủ đô như trường học, bệnh viện, trục đường giao thông, nhà chung cư, biệt thự cũ, nhà siêu mỏng, siêu méo... vẫn chưa đủ điều kiện để giải quyết dứt điểm.

Ngoài ra, phần lớn các văn bản là căn cứ pháp lý ban hành Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết đã sửa đổi, bổ sung, thay thế (Hiến pháp 2013, Luật Đất đai 2013, Luật Xây dựng 2014, Luật Nhà ở, Luật Chính quyền địa phương, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công), nên việc thực hiện một số quy định của Luật Thủ đô bị hạn chế bởi các quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau về thẩm quyền, cơ chế tự chủ của chính quyền Hà Nội.

Các cơ chế chính sách, quy định trong các văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền ban hành của thành phố (Nghị quyết, Quyết định) chưa thực sự tác động nhiều, tích cực cho động lực phát triển hoặc khả thi trên thực tế.

Luật Thủ đô còn thiếu những quy định nhằm đảm bảo cho thành phố Hà Nội trong việc xây dựng chính quyền đô thị, quản lý các đô thị vệ tinh; cơ chế chỉ định thầu đối với một số dự án quan trọng.

Bên cạnh việc tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện Luật Thủ đô, tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã kiến nghị, đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chủ trương về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Thủ đô cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đồng bộ thống nhất với các quy định luật chuyên ngành, đảm bảo tính khả thi của các cơ chế đặc thù trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay và hội nhập quốc tế; đồng thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô và chủ trương phân cấp, ủy quyền cho thành phố Hà Nội được phép quyết định một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Cũng tại buổi làm việc, trả lời một số ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố diễn ra trong thời gian qua là do việc xây nhiều nhà cao tầng trong khu vực nội đô, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Ùn tắc giao thông có nhiều nguyên nhân chứ không phải chỉ do nhà cao tầng và mong các đại biểu Quốc hội trong quá trình nghiên cứu, có các theo dõi, đánh giá, giám sát vấn đề này toàn diện hơn.

Việc phát triển các khu đô thị, nhà cao tầng là xu hướng tất yếu của thế giới. Trong những năm qua, việc phát triển nhà cao tầng, thành phố thực hiện theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các khu vực xây dựng các khu đô thị hay các tòa nhà cao tầng riêng lẻ, vấn đề về mật độ, chiều cao, dân số, đều được thực hiện nghiêm túc.

Mặc dù vậy, trên địa bàn thành phố cũng để xảy ra một số sai phạm của các chủ đầu tư, các cá nhân trong các khu đô thị.

Những sai phạm đều được thành phố khắc phục một cách nghiêm túc, tuy nhiên việc khắc phục này cũng chưa được đầy đủ và chưa đáp ứng được hết sự kỳ vọng của người dân cũng như theo đúng quy định của pháp luật./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục