Kiên Giang: Nhiều diện tích lúa bị ngập úng do mưa bão

12:59' - 24/08/2018
BNEWS Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và thời tiết bất lợi, gây mưa kéo dài trên diện rộng, dông lốc làm đổ ngã, ngập úng gần 34.000 ha lúa đang vào giai đoạn trổ chín, sắp thu hoạch ở tỉnh Kiên Giang.
Nhiều diện tích lúa của Kiên Giang bị ngập úng. Ảnh minh hoạ: Hồng Thái - TTXVN

Các địa phương trong tỉnh và nông dân nỗ lực khắc phục giảm thiểu thiệt hại.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, các huyện có diện tích lúa đổ ngã, ngập úng nhiều là Giồng Riềng gần 20.000 ha, Tân Hiệp hơn 8.900 ha, An Biên trên 5.200 ha…

Tình trạng đổ ngã, ngập úng này vừa giảm năng suất, tổn thất sau thu hoạch, tăng chi phí sản xuất, giá giảm so với lúa bình thường do giảm chất lượng, gây thiệt hại nặng cho nông dân.
Tại huyện Giồng Riềng, trên những ruộng lúa bị đổ ngã, ngập úng, nông dân tập trung bơm tháo nước cứu lúa, hạn chế thất thoát và khẩn trương thu hoạch các trà lúa chín.

Anh Danh Sóc ở xã Vĩnh Phú, huyện Giồng Riềng đang thu hoạch lúa Hè Thu cho biết, nếu lúa đứng bình thường, thương lái thu mua 5.000 - 6.000 đồng/kg tùy theo giống lúa thường hay chất lượng cao. Lúa bị đổ ngã, ngập úng giảm còn từ 4.000 - 4.900 đồng/kg tùy theo ruộng lúa đổ ngã, ngập nước nhiều hay ít, giống và chất lượng lúa.
Anh Danh Sóc cho hay: “Nhiều nông dân vụ Hè Thu này mừng thầm lúa trúng mùa nhưng bất ngờ gặp thời tiết mưa bão, dông gió khiến lúa bị đổ, ngập nước rơi vào cảnh thất mùa. Năng suất, chất lượng lúa giảm, thất thoát nhiều, chi phí bơm nước chống ngập và công thu hoạch tăng nhưng bán không có giá, thua lỗ nhiều.

Hơn 1,5 ha lúa Hè Thu của tôi đang thu hoạch, khoảng nửa diện tích bị đổ ngã, ngập nước, sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất, vụ mùa này hòa, không có lãi.”
Cùng với đó, mưa lớn kéo dài kết hợp với lũ sớm đang lên trên sông Hậu đã gây ngập hàng chục nghìn ha lúa Hè Thu, Thu Đông ở vùng Tứ giác Long Xuyên, nhất là ở các xã của hai huyện Giang Thành và Hòn Đất tiếp giáp đầu nguồn lũ tỉnh An Giang.

Hiện, nông dân tích cực gia cố, nâng cấp bờ bao ngăn nước, tập trung bơm nước thoát ra cứu lúa, khẩn trương thu hoạch những trà lúa chín rộ để giảm thất thoát.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòn Đất, từ trung tuần tháng 8 đến nay, diện tích lúa ở phía bắc Quốc lộ 80 thuộc các địa bàn xã Bình Giang, Bình Sơn, Nam Thái Sơn, Mỹ Hiệp Sơn, Mỹ Thái và Mỹ Phước có hơn 15.750 ha lúa bị ngập từ 20 - 30 cm, có nơi nước lên tới cổ bông lúa.

Nếu tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến xấu, nước sông đầu nguồn lũ lên nhanh sẽ đe dọa ngập sâu diện tích lúa chưa thu hoạch của huyện.
Tại huyện Tân Hiệp thuộc vùng Tây sông Hậu, ngập úng đang đe dọa những khu vực đê bao thấp, không đảm bảo ngăn lũ và bơm tát, tập trung ở các xã Tân Hội, Tân Thành, Tân Hiệp A, Tân An. Bà Phan Kim Loan, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp cho biết, do ảnh hưởng thời tiết bất lợi, mưa nhiều từ đầu tháng 8 đến nay kết hợp với triều cường ảnh hưởng đến diện tích lúa Thu Đông của huyện.

Hiện có khoảng gần 7.400 ha lúa Thu Đông gieo sạ ở các khu vực đê bao chưa hoàn chỉnh đồng bộ có nguy cơ ngập khi lũ về, nước tràn bờ hoặc vỡ bờ bao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang phối hợp với các địa phương thuộc hai vùng Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu khẩn trương thực hiện đồng bộ phương án, giải pháp phòng, chống lũ, bảo vệ sản xuất vụ lúa Hè Thu, Thu Đông và những loại cây trồng, vật nuôi khác trong vùng, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Theo đó, rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao vùng có nguy cơ ngập tràn sạt lở, vỡ trong mùa lũ để tập trung gia cố, nâng cấp, đảm bảo an toàn cho sản xuất, các công trình thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên đảm bảo vận hành thoát lũ ra biển Tây.

Cùng đó, cập nhật thông tin dự báo thời tiết, tình hình mưa lũ, mực nước đầu nguồn lũ trên sông Hậu thông báo cho địa phương và nhân dân để chủ động ứng phó. Ngoài ra, hỗ trợ nông dân khẩn trương bơm tát nước những ruộng lúa bị đổ ngã, úng ngập và thu hoạch lúa Hè Thu chín rộ, bảo vệ lúa Thu Đông.

Vận động doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa của nông dân với giá hợp lý, không để lúa ứ đọng, không có đầu ra sau thu hoạch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng yêu cầu ngành chức năng, huyện, thị xã và thành phố, nhất là các địa phương hai vùng Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu triển khai phương án phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Bên cạnh đó, không chủ quan, lơ là trước tình hình mưa lũ, mực nước trên sông Hậu đang lên nhanh và diễn biến bất thường, phức tạp của thời tiết khó lường, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra trong mùa mưa lũ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục