Không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới

18:10' - 28/06/2016
BNEWS Phó Thủ tướng Vương Đinh Huệ nhấn mạnh, giải quyết triệt để và không để phát sinh tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Ngày 28/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu tại Hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả mà Chương trình đạt được. Cụ thể là bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, hạ tầng giao thông phát triển vượt bậc, đặc biệt đời sống nhân dân được cải thiện nhiều. Phó Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới Ban chỉ đạo cần tạo động lực trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Phó Thủ tướng Vương Đinh Huệ nhấn mạnh, trong tháng 7 tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải sớm thẩm định Chương trình để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện bộ tiêu chí quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, kiện toàn Ban chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương và các cấp. Đặc biệt, giải quyết triệt và không để phát sinh tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, việc xây dựng bộ khung về tiêu chí cho cả nước về số lượng, tên gọi và làm rõ nội hàm của một số tiêu chí, đặc biệt là các tiêu chí mềm (văn hoá xã hội, an ninh trật tự, môi trường). Đồng thời, cần linh động trong việc ban hành các tiêu chí thích hợp với từng vùng và tăng cường thẩm quyền của cấp tỉnh; khuyến khích đặt tiêu chí cho từng địa phương, từ đó xây dựng mục tiêu cụ thể hoá hơn.

Ngoài ra, chương trình công tác của các bộ, ngành phải hướng vào chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao kết quả của chương trình trong giai đoạn 2016 - 2020.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, hết năm 2016 cả nước phấn đấu có khoảng 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có từ 30 - 35 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Số tiêu chí bình quân/xã cả nước tăng thêm từ 1-1,2 tiêu chí so với năm 2015. Tỷ lệ số xã đạt dưới 10 tiêu chí còn khoảng 25%, giảm số xã dưới 5 tiêu chí xuống 250 xã.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Để đạt mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu kế hoạch năm 2016 phù hợp với định hướng thực hiện chương trình giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, tập trung hoàn thiện các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, nhất là đối với xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, có giải pháp, cơ chế chính sách để cải thiện một bước về môi trường nông thôn một cách toàn diện.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai xây dựng các mô hình về phát triển sản xuất gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại một số địa phương, nhất là các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của từng vùng... trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp.

Báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới cho thấy, đến nay, cả nước đã có 1.965 xã (22%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 4,9% so với cuối năm 2015; còn 326 xã đạt dưới 5 tiêu chí (3,65%). Riêng 6 tháng đầu năm nay, bình quân cả nước đạt 13 tiêu chí/xã, tăng 8,3 tiêu chí so với năm 2010 và 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2015.

Cả nước đã có 23 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện còn 10 đơn vị cấp huyện đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng xem xét công nhận đạt chuẩn.

Năm 2016, dự kiến cả nước huy động được khoảng 263.127 tỷ đồng từ các nguồn để thực hiện Chương trình; trong đó, ngân sách Trung ương đã bố trí 7.374 tỷ đồng (bao gồm vốn Trái phiếu Chính phủ 4.500 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển 1.410 tỷ đồng và sự nghiệp 14.464 tỷ đồng).

Tuy nhiên, theo báo cáo của 52/62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ Đồng Nai), tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới tính đến hết 31/1/2016 là khoảng 15.212 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục