Không bố trí vốn những dự án chậm giải ngân

15:54' - 17/09/2019
BNEWS Mặc dù gần hết năm 2019, nhưng nhiều nguồn vốn đầu tư công ở tỉnh Phú Thọ vẫn chậm giải ngân. Tỉnh Phú Thọ đang triển khai nhiều biện pháp mạnh để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đối với nguồn vốn này.

Năm 2019, theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư công của tỉnh Phú Thọ được giao là hơn 2.398 tỷ đồng; trong đó, vốn của Chương trình mục tiêu ngân sách Trung ương là 502 tỷ đồng; vốn nước ngoài ODA là 302 tỷ đồng; vốn đầu tư cân đối ngân sách địa phương là 1.212 tỷ đồng; vốn bố trí cho các chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 381 tỷ đồng.

Đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 50,2% kế hoạch; trong đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương đạt 68,5% kế hoạch, vốn chương trình mục tiêu thuộc ngân sách trung ương đạt 64,6% kế hoạch. 

Bên cạnh một số nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân cao, vẫn còn một số nguồn vốn đạt tỷ lệ giải ngân thấp như nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia mới đạt 24,5% kế hoạch, nguồn vốn kế hoạch 2018 kéo dài mới giải ngân được 31% kế hoạch. Đặc biệt là nguồn vốn ODA trong 8 tháng năm 2019, chỉ có 1 dự án được xác nhận giải ngân đạt gần 22 tỷ, đạt khoảng 4%. Nguồn vốn này ngay từ đầu năm đã được trung ương giao hơn 500 tỷ đồng cho 7 dự án; hạn mức vốn vay nước ngoài đã giao là 10 tỷ đồng cho 2 dự án.

Theo Sở Tài chính Phú Thọ, nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công là do việc lập, thẩm định thiết kế thi công, dự toán, tổ chức mời thầu, đấu thầu còn chậm. Nhiều dự án phải điều chỉnh mức tổng mức đầu tư, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Một số đơn vị, chủ đầu tư  chưa triển khai thủ tục để thu hồi vốn ứng trước kế hoạch.

Bên cạnh đó, còn do việc giao kế hoạch vốn chưa kịp thời; một số dự án còn vướng mắc về điều kiện bố trí kế hoạch vốn, hay các thủ tục trong thanh toán vốn đầu tư thường rất phức tạp do chịu ảnh hưởng của nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Vì thế, các chủ đầu tư thường lúng túng trong khâu hoàn thiện hồ sơ, khi gửi sang kho bạc đã phải mất thời gian đi lại nhiều lần để bổ sung các thủ tục cần thiết.

Ngoài ra, còn do tâm lý chủ quan của chủ đầu tư khi kế hoạch vốn được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân qua 2 năm nên các chủ đầu tư chưa thực sự quyết liệt ngay từ đầu năm. Đồng thời, chủ đầu tư chưa tích cực nghiệm thu khối lượng và làm hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc nhà nước kịp thời, thường có tư tưởng thanh toán dồn vào cuối năm.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, các huyện, thành thị, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chủ động phối hợp, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, khẩn trương đảm bảo hồ sơ thanh toán và thực hiện thanh toán ngay với kho bạc nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu. Chậm nhất trong 4 ngày làm việc kể từ khi có khối lượng nghiệm thu phải làm thủ tục thanh toán với Kho bạc nhà nước. Kiên quyết không để dồn thanh toán vào cuối năm.

UBND tỉnh Phú Thọ cũng ra quy định, đến ngày 30/9 hàng năm, các dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn sẽ được tỉnh xem xét điều chuyển vốn sang dự án khác có khả năng thanh toán vốn. Kiên quyết không bố trí kế hoạch năm sau cho các dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn năm.

Đối với kế hoạch vốn đầu tư đã được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài sang năm 2019, Thủ trưởng các sở, ngành chủ đầu tư, UBND các huyện, thành, thị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc chậm hoặc không thực hiện giải ngân thanh toán vốn (thời hạn chậm nhất đến ngày 31/12/2019).

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình giải ngân của các dự án thuộc phạm vi quản lý của tỉnh; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; đề xuất việc điều chuyển vốn từ các dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch sang các dự án có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn năm 2019./.

Xem thêm:

>>Nhiều đại biểu Quốc hội quan ngại về tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công

>>Quy trách nhiệm người đứng đầu trong việc sử dụng vốn đầu tư công

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục