Khó nâng thứ hạng cho sản phẩm OCOP Bến Tre

15:20' - 04/06/2019
BNEWS Hiện nay, quy mô sản xuất các sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP) ở Bến Tre còn nhỏ lẻ, rất khó được nâng thứ hạng cao.

Do đó, làm thế nào để sản phẩm OCOP có đầu ra ổn định, phát huy được hiệu quả thực sự của chương trình là điều mà người dân mong muốn.

*Khó đạt thứ hạng cao

Bến Tre là 1 trong 12 tỉnh chỉ đạo điểm của Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 – 2020. Tỉnh Bến Tre đã xây dựng và triển khai Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh giai đoạn 2018 – 2020, định hướng 2030 (chương trình OCOP Bến Tre).

 Thu hoạch dừa xiêm xanh. Ảnh: Công Trí - TTXVN

Đây được xem là một trong những giải pháp phù hợp và cần thiết được thực hiện sớm để Bến Tre đạt được mục tiêu đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ cũng như Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp của tỉnh.

Vì vậy, từ nay đến năm 2020, sản phẩm OCOP của tỉnh Bến Tre sẽ tập trung vào 6 nhóm, ngành hàng gồm thực phẩm; đồ uống; thảo dược; lưu niệm – nội thất – trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng và nhóm sản phẩm nông nghiệp, truyền thống.

Thời gian qua,  mặc dù tỉnh đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP tiếp cận các thị trường tiêu thụ nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa cao và chưa có nhiều sản phẩm đạt thứ hạng cao. Nhiều cán bộ xã, huyện còn chưa hiểu về ý nghĩa của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Sản phẩm OCOP chưa có đầu ra ổn định; trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất còn nhiều hạn chế,…

Tính đến cuối năm 2018, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú có gần 250 ha diện tích trồng xoài tứ quý, năng suất trung bình 40 tấn/ha.

Đặc biệt, xoài tứ quý Thạnh Phong được nông dân sử dụng phân bón hữu cơ và túi vải bao trái, hạn chế tối đa dịch bệnh và sự dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Tuy nhiên, đầu ra của trái xoài vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thương lái thu mua và vận chuyển đến các công ty ở Tiền Giang, Tp. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Tại xã, chưa có sản phẩm nào được sơ chế hay chế biến từ trái xoài nên giá xoài không ổn định.

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thạnh Phong cho biết, đầu năm 2019, nhà xưởng của hợp tác xã được đưa vào hoạt động và tập trung hướng tới sản phẩm xoài trái và xoài sấy.

Dù vậy, kết quả tự đánh giá chấm điểm theo bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạn sản phẩm Chương trình OCOP, sản phẩm xoài của hợp tác xã dịch vụ chỉ đạt 52/100 điểm.

Do đó, tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉnh có khoảng 250 sản phẩm, dịch vụ OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Cùng đó, tỉnh cũng sẽ hình thành mới khoảng 50 tổ chức kinh tế dựa vào cộng đồng, có liên kết chuỗi giá trị bền vững.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Bá Nghị, Công ty TNHH Công nghệ NHONHO, với thực trạng sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ và tự phát của các cơ sở như hiện nay ở Bến Tre thì việc lựa chọn sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP để xét, đánh giá và xếp hạng đạt chuẩn từ 3 sao trở lên là điều không dễ dàng.

*Đầu ra cho sản phẩm OCOP

Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, để sản phẩm của chương trình OCOP thật sự chất lượng, có thương hiệu thì đòi hỏi phải có sự tiếp sức của các cơ quan chức năng. Để được chứng nhận mẫu mã, chất lượng, đối với cơ sở lớn thì dễ nhưng với những hộ dân sản xuất nhỏ thì không dễ, cần các cơ quan chức năng hỗ trợ, giúp sức.

Sản phẩm OCOP nên được đưa vào bày bán tại các trạm dừng chân, để quảng bá cho du khách biết đến sản phẩm đặc trưng của từng địa phương.

Bà Nga cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc truyền thông quảng bá cho các sản phẩm OCOP và kết hợp các sản phẩm; cần đưa các tour tham quan các điểm sản xuất sản phẩm OCOP, kết hợp vừa giới thiệu sản phẩm OCOP vừa giới thiệu được sản phẩm du lịch.

Huyện Ba Tri đã chọn 12 sản phẩm (thuộc 4 nhóm sản phẩm) chủ lực của huyện tham gia Chương trình OCOP. Trong năm 2018, huyện có 5 sản phẩm được tỉnh đánh giá 2 – 3 sao tiềm năng phát triển.

Trong thời gian qua, huyện Ba Tri cũng khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống gắn thực hiện Chương trình OCOP phục vụ khách tham quan, mua sắm và trải nghiệm cùng với người dân như: làng nghề đan lát (xã Phước Tuy), làng nghề nấu rượu (xã Phú Lễ), làng nghề làm bánh phồng (xã Phú Ngãi), làng nghề làm khô (xã An Thủy),…

Ông Dương Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện khuyến khích các điểm du lịch, các quán ăn phục vụ du khách tận dụng các sản vật nuôi trồng, khai thác tại địa phương để chế biến thành những món đặc trưng của huyện như: Bò tơ Ba Tri, nghêu hấp, cá lóc nướng bằng rơm, rau thủy canh,…để hình thành văn hóa đặc trưng của huyện Ba Tri.

Theo ông Hoàng Bá Nghị, Công ty TNHH Công nghệ NHONHO, nhận định trong chương trình OCOP, bước quan trọng nhất là bước đánh giá và xếp hạng sao.

Để các sản phẩm tham gia OCOP có thể đạt điểm từ 50 trở lên tương ứng chuẩn xếp hạng từ 3 sao thì người sản xuất cần đầu tư vào chất lượng sản phẩm bằng cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm cần có chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến: VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ISO,…

Ông Nghị cũng cho rằng, đối với sản phẩm tạo ra là thực phẩm thì cẩn phải kiểm nghiệm định kỳ các chỉ tiêu an toàn thực phẩm để đảm bảo sự an tâm cho người dùng.

Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng như áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử, thực hiện công bố sản phẩm theo quy định; đầu tư ý tưởng, sáng tạo ra các sản phẩm mới, sản phẩm có tính đặc trưng của vùng hay tạo sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại đang có trên thị trường.

Bên cạnh đó, người sản xuất nên ứng dụng công nghệ trong sơ chế, bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ ổn định chất lượng trong quá trình bảo quản, giúp gia tăng giá trị sản phẩm; lựa chọn và thiết kế bao bì đảm bảo tính tiện lợi, an toàn, thân thiện với môi trường, đẹp, dễ bảo quản; thiết kế nhãn hàng hóa đảm bảo thể hiện được đầy đủ thông tin theo đúng quy định và đáp ứng được các tiêu chí về thẩm mỹ.

Ông Lê Văn Trung, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Bến Tre cho biết sắp tới, tại Bến Tre sẽ mở trung tâm bán hàng OCOP ở tỉnh và một số tỉnh lân cận; tăng cường đưa các sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ quảng bá, giới thiệu.

Ngoài ra, cũng dự kiến mở điểm bán hàng OCOP ở các điểm du lịch, chú trọng du lịch biển để mở rộng quảng bá sản phẩm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục