Khó kiểm soát an ninh và thi công các dự án điện trọng điểm

18:12' - 18/09/2019
BNEWS Theo EVN, hiện nay, việc bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án điện còn rất nhiều vướng mắc dẫn đến việc khó kiểm soát an ninh và thi công các dự án điện.
Theo EVN, việc bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án điện còn rất nhiều vướng mắc dẫn đến việc khó kiểm soát an ninh và thi công các dự án điện. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)cho biết, EVN được Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tư các dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I và Quảng Trạch II. Dưới sự hướng dẫn của Bộ Công Thương, EVN đã tiếp nhận bàn giao các dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I và dự án Cơ sở hạ tầng thuộc Trung tâm điện lực Quảng Trạch từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và tiếp tục triển khai.
Sau khi tiếp nhận, EVN đã điều chỉnh Quy hoạch địa điểm xây dựng Trung tâm điện lực Quảng Trạch nhằm tối ưu hóa các hạng mục dùng chung, bố trí mặt bằng và chuẩn xác vị trí cảng nhập than. Bộ Công Thương đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng địa điểm Trung tâm điện lực Quảng Trạch vào tháng 4/2017 (lần 1).
Trong quá trình thực hiện dự án, việc giải phóng mặt bằng tại Trung tâm điện lực Quảng Trạch có rất nhiều vướng mắc dẫn đến khó kiểm soát tình hình an ninh tại khu vực dự án. Vì vậy, EVN không thể triển khai được các hạng mục đáp ứng điều kiện khởi công dự án.
Để giải quyết, ngoài việc phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức hội thảo để tuyên truyền, vận động và đối thoại với người dân về các vướng mắc, EVN đã tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch địa điểm xây dựng Trung tâm điện lực (lần 2) theo nguyện vọng của người dân với sự thống nhất của UBND tỉnh và được Bộ Công Thương phê duyệt vào tháng 11/2018.
Tuy nhiên, theo EVN, mặt bằng Trung tâm điện lực sau khi được bàn giao nguyên trạng cho EVN đã có nhiều trường hợp tái lấn chiếm. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai dự án, EVN gặp phải nhiều sự cản trở, phản đối quyết liệt của người dân trong khu vực dẫn đến tiến độ triển khai các hạng mục rất cần thiết tại hiện trường như kiểm định khối lượng, chất lượng phục vụ bàn giao dự án, các hạng mục san nền, khảo sát … phục vụ thi công nhà máy chính không thể thực hiện theo thời gian dự kiến ban đầu, ảnh hưởng lớn đến tiến độ của dự án.
Đối với đường dây 500 kV mạch 3, theo kế hoạch, đến ngày 30/9/2019, việc bàn giao mặt bằng móng trụ phải hoàn thành 100% khối lượng; trước ngày 30/12/2019 hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng 100% hành lang tuyến. Tuy nhiên, đến ngày 10/9/2019 mới vận động bàn giao được 56,5% tổng khối lượng móng trụ; Việc bàn giao giải phóng mặt bằng hành lang cũng mới chỉ hoàn thành được 11,3% tổng khối lượng khoảng cột.

Như vậy, quỹ thời gian còn lại dành cho bồi thường giải phóng mặt bằng là rất ngắn, đặc biệt là bàn giao móng trụ, mặt khác giai đoạn này ở miền Trung đang vào mùa mưa cũng gây ảnh hưởng tiến độ triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng.
Từ thực tại trên, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị, Chính phủ sớm hoàn thiện việc xem xét dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I và các dự án nguồn, lưới điện khác của EVN được vay từ các ngân hàng thương mại vượt hạn mức tín dụng để trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận theo quy định.
Đồng thời, EVN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Bình, rà soát việc đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân khu vực Trung tâm Điện lực Quảng Trạch để triển khai theo kế hoạch được phê duyệt; tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh tại khu vực triển khai dự án để EVN tiếp tục triển khai các hạng mục chuẩn bị dự án và các công tác thi công sau này.
Riêng đối với dự án đường dây 500kV mạch 3, EVN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh/thành phố có đường dây đi qua có giải pháp để giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh triển khai thủ tục bàn giao giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư toàn bộ mặt bằng móng, sân phân phối và hành lang tuyến đường dây trước ngày 30/11/2019.
Hiện tại tổng công suất nguồn điện nước ta đạt hơn 53.000 MW; đến 2025, dự kiến sẽ có  khoảng trên 100.000 MW lắp đặt, gấp gần 2 lần hiện nay; đến năm 2030, yêu cầu khoảng 130.000 – 140.000 MW. Điều này đòi hỏi ngành điện phải vừa tập trung đầu tư phát triển các nguồn điện, vừa bổ sung, nâng cấp, hiện đại hoá hệ thống truyền tải điện.
Mới đây, phát biểu tại Lễ phát động thi đua liên kết các Dự án đường dây 500KV mạch 3: nhiệt điện Quảng Trạch - Vũng Áng và sân phân phối 500KV Trung tâm điện lực Quảng Trạch; Quảng Trạch - Dốc Sỏi; Dốc Sỏi - Pleiku 2 với mục đích đưa công trình vào vận hành với tiến độ sớm nhất có thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Tập đoàn điện lực Việt Nam là tập đoàn kinh tế nhà nước có vai trò quan trọng, gánh vác trách nhiệm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Trong những năm qua, tập đoàn đã có những nỗ lực, cố gắng để huy động nguồn lực phát triển các công trình nguồn điện và lưới điện truyền tải. Tuy nhiên để đảm bảo tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao cho EVN rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương có liên quan hỗ trợ tối đa đối với chủ đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án.Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ vượt hạng mức cho EVN các dự án nguồn và lưới điện. Nếu có vướng mắc báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét quyết định.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu thi công và các địa phương có dự án điện 500kV mạch 3 đi qua không được chủ quan, phải có sự phối hợp để kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng dự án điện trọng điểm, mà cụ thể là các dự án đường dây 500kV mạch 3; các nhà thầu, tư vấn, các đơn vị liên quan triển khai dự án theo đúng cam kết đã ký, thiết kế để đảm bảo chất lượng, an toàn, tiến độ và hiệu quả kinh tế xã hội./.
Xem thêm:

>>EVN và nhiều đơn vị trực thuộc nhận giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam

>>Kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2018 của EVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục