Khi COVID-19 thâm nhập "vào từng ngõ ngách" kinh tế Trung Quốc

06:30' - 29/02/2020
BNEWS Vấn đề then chốt của phòng chống dịch bệnh chính là kiểm soát thời gian diễn ra dịch bệnh, không để để tác động bất ngờ ngắn hạn diễn biến thành ảnh hưởng trung hạn, thậm chí là dài hạn.
Công nhân vận hành dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Truyền thông Trung Quốc nhận định số ca nhiễm virus COVID-19 gần đây giảm mạnh, cho thấy tình hình đã chuyển biến tốt. Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 19/2, nước này nhấn mạnh: "Cần phải tỉnh táo nhận thức rằng bước ngoặt phát triển dịch bệnh vẫn chưa tới, trong khi tình hình phòng chống bệnh dịch ở tỉnh Hồ Bắc và thành phố Vũ Hán vẫn phức tạp nghiêm trọng".
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng xuất hiện dấu hiệu mất kiểm soát tình hình bệnh dịch. Do tới nay chưa thể phòng chống hữu hiệu, cho nên kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu bệnh dịch không thể khống chế trong thời gian ngắn, nhiều khả năng kinh tế Trung Quốc sẽ đối mặt với tác động lâu dài.
Đòn giáng mạnh vào kinh tế vĩ mô
Theo tờ Tin tức Thế giới, từ số liệu và báo cáo phân tích có thể thấy kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên các mặt sau:

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế giảm mạnh. Báo cáo phân tích của hãng Morgan Stanley nhận định nếu việc kiềm chế tốc độ lây lan của COVID-19 không đủ nhanh, ngành chế tạo sẽ không thể trở lại hoạt động bình thường và tăng trưởng quý I/2020 của Trung Quốc trong trường hợp xấu có thể giảm xuống 3,5%.
Hiện nay, nhà máy xí nghiệp đã hoạt động trở lại, nhưng sản lượng khôi phục chỉ đạt 30-50% so với mức bình thường. Nếu mức độ lây lan của dịch bệnh không thể xác định, kinh tế Trung Quốc rất có thể đối mặt với rủi ro "gián đoạn lâu dài". Các nhà kinh tế thuộc ngân hàng UBS cũng chỉ rõ, do ảnh hưởng từ việc phải tạm dừng hoạt động của ngành chế tạo và thương mại, tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Trung Quốc sẽ rớt xuống dưới ngưỡng 6%, thậm chí chạm mức 5,4%.
Thứ hai, bệnh dịch sẽ giáng đòn nặng nề vào "trái tim" kinh tế của Trung Quốc là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều tra của Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh hồi đầu tháng 2/2020 cho thấy hơn 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ cảnh báo sẽ cạn vốn trong vòng ba tháng. Trong số 1.506 doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỏi, 85% dự kiến sẽ hết tiền mặt trong vòng 3 tháng; 1/3 nói rằng tình hình bệnh dịch rất có thể khiến doanh thu cả năm giảm hơn 50%.
Theo số liệu thống kê chính thức mới nhất của Trung Quốc, 99,8% doanh nghiệp ở nước này thuộc dạng vừa và nhỏ và 79,4% lao động Trung Quốc đang làm việc trong những doanh nghiệp này. Trước khi xảy ra dịch bệnh, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nhiều doanh nghiệp nợ chồng chất, đối mặt với rủi ro phá sản. Giờ đây, khi hoạt động lại bị đình trệ vì dịch bệnh, viễn cảnh càng khó khăn.
Thứ ba, niềm tin của doanh nghiệp nước ngoài bị tổn hại, áp lực lạm phát tăng cao. Kết quả điều tra mới nhất của Thương hội Mỹ tại Thượng Hải cho thấy nếu nhà máy xí nghiệp không thể hoạt động trở lại, sẽ có đến 1/3 số doanh nghiệp dự định di chuyển hoạt động sản xuất kinh doanh ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Các doanh nghiệp được hỏi cho biết thách thức lớn nhất trong 2 - 4 tuần tới là vấn đề vật tư và tìm kiếm nguồn cung ứng thay thế.
Về lạm phát, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho hay Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2020 của Trung Quốc đã tăng 5,4% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất trong một tháng kể từ tháng 10/2011. Trong khi đó, Chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) lại rớt xuống mức thấp nhất của ba tháng. Do tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, áp lực lạm phát sẽ tiếp tục tăng lên.

Lạm phát vào tháng 1/2020 đạt mức cao nhất trong 8 năm, nhưng đáng chú ý là giá thịt lợn trong tháng cũng tăng 116%, trong khi giá của các mặt hàng thực phẩm thông thường cũng tiến 4,4%. Cho nên, lạm phát tăng sẽ gây áp lực đối với đời sống của hàng trăm triệu người lao động cũng như tỷ lệ thất nghiệp.
Ngoài ra, trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, do Chính phủ Trung Quốc tiến hành phong tỏa thành phố để ngăn chặn dịch bệnh này lây lan, rất nhiều nhà chế tạo ở Trung Quốc không thể khôi phục được sản xuất vì không thể có được nguồn cung nguyên vật liệu, công nhân bị cách ly cũng không thể trở lại nơi làm việc. Rất nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với khả năng bị phạt do vi phạm điều khoản giao hàng. Đây chính là nguyên nhân cơ bản khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, doanh nghiệp hoạt động ở Trung Quốc bị tổn thất nghiêm trọng vì dịch bệnh kéo dài.
Thời gian là yếu tố quyết định
Có chuyên gia chỉ rõ ảnh hưởng của dịch COVID-19 chủ yếu nằm ở vấn đề dịch bệnh kéo dài bao lâu. Nếu dịch bệnh được khống chế trong tháng 2/2020, ảnh hưởng sẽ mở rộng sang lĩnh vực sản xuất, liên quan tới các ngành như công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp. Nếu dịch bệnh kéo dài sang tháng 3/2020 sẽ ảnh hưởng tới sức sản xuất lâu dài, rất nhiều doanh nghiệp sẽ không thực hiện được hợp đồng, không thể phát lương, không thể đảm bảo dòng tiền mặt, sẽ buộc phải đóng cửa, phá sản. 
Do đó, vấn đề then chốt của phòng chống dịch bệnh chính là kiểm soát thời gian diễn ra dịch bệnh, không để để tác động bất ngờ ngắn hạn diễn biến thành ảnh hưởng trung hạn, thậm chí là dài hạn. Tuy nhiên tới nay, mục tiêu cơ bản khống chế dịch bệnh vào cuối tháng 2/2020 không phải là điều dễ dàng, do đó, tính không xác định càng cao.

Cùng với làn sóng trở lại làm việc của người lao động và sự gia tăng của các hoạt động tập thể, dịch bệnh liệu có bùng phát trở lại hay không? Hiện nay, các địa phương đều đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa việc kiểm soát dịch bệnh và khôi phục sản xuất kinh doanh. Hai nhiệm vụ đều phải hoàn thành, mục tiêu là vậy, nhưng thực hiện là vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên, cũng có phân tích cho rằng ảnh hưởng của dịch bệnh đối với kinh tế Trung Quốc chỉ là tạm thời. Sau khi chiến thắng bệnh dịch, kinh tế Trung Quốc sẽ bật tăng trong ngắn hạn. Các nhà phân tích của Morgan Stanley dự đoán cuối tháng 2/2020, ngành chế tạo của Trung Quốc sẽ khôi phục hoạt động về mức 60-80% so với bình thường, tới giữa và cuối tháng 3/2020 sẽ khôi phục về mức bình thường. Nhưng Morgan Stanley cũng cảnh báo dịch bệnh có tính không xác định rất cao, không loại trừ khả năng diễn biến thành rủi ro "gián đoạn trung hạn".
Theo tờ Tin tức Thế giới, nói một cách đơn giản, dịch bệnh lây lan càng kéo dài, tổn thất sẽ càng lớn, khả năng kinh tế Trung Quốc sẽ phải chịu tác động dài hạn càng nhiều. Xem xét tình hình hiện nay, chưa nói tới khả năng cuối tháng 2/2020 Trung Quốc có thể khống chế được dịch bệnh, mà tới cuối tháng 3 hay cuối tháng 4/2020, vẫn khó xác định là có thể kiểm soát hữu hiệu được hay không?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục