Khi công nghệ “lãng quên” tiền giấy (Phần 1)

05:30' - 10/11/2018
BNEWS Theo báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Bán lẻ Anh quốc (BRC), hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt đã chiếm gần 50% tổng khối lượng giao dịch thực hiện trên khắp thế giới.
Khi công nghệ “lãng quên” tiền giấy. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Chỉ tính riêng tại Vương quốc Anh, theo hãng nghiên cứu UK Finance, có đến 77% tổng chi tiêu bán lẻ được thực hiện mà không dùng tiền mặt.

Xu hướng này được thúc đẩy bởi việc áp dụng rộng rãi các hình thức thanh toán bằng thẻ “không tiếp xúc” và một số hình thức kỹ thuật số mới mẻ khác, vốn được công chúng Anh vô cùng ưa chuộng, như thanh toán qua điện thoại (m-banking) với hàng loạt các ứng dụng tiện lợi như Apple Pay, Google Pay và Samsung Pay.

Bên cạnh sự tiện dụng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này, theo các chuyên gia của trường đại học London Business School và Ngân hàng trung ương Anh (BoE), đó là hiệu ứng tâm lý “chi tiêu ảo”, giúp khách hàng cảm thấy bớt “xót xa” hơn khi họ chỉ cần thực hiện một vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh (smartphone) để thanh toán mà không cần phải thật sự rút ví ra.

Tuy nhiên, liệu những lợi thế lớn lao này có thể thay thế hoàn toàn vai trò của những tờ tiền giấy hay không? Đó vẫn là câu hỏi khiến nhiều chuyên gia kinh tế phải đau đầu. 

Mười năm trước, ngành công nghiệp dịch vụ thanh toán bị chi phối bởi chỉ khoảng 10 công ty, trong đó có các ông lớn như Visa, MasterCard, American Express… Tuy nhiên, cho đến nay, bối cảnh này đã thay đổi rất nhiều và hiện trên thế giới có khoảng hơn 500 công ty cung cấp các dịch vụ thanh toán khác nhau. 

Nổi bật nhất trong số đó có lẽ phải kể đến hình thức thanh toán “không tiếp xúc” đang phát triển nhờ vào những chiếc điện thoại thông minh hỗ trợ công nghệ NFC (Near Field Communication), là công nghệ giao tiếp trường gần, sử dụng cảm ứng từ trường để thực hiện kết nối giữa các thiết bị khi có sự tiếp xúc trực tiếp hay để gần nhau. 

Nhờ có NFC, thẻ tiếp xúc vật lý giờ đây đã không còn cần thiết nữa mà người dùng chỉ cần thực hiện một vài thao tác “quét”, “chạm” trên chiếc smartphone là đã có thể hoàn tất một giao dịch mua bán.

Điều này là rất quan trọng đối với cả khách hàng lẫn các nhà bán lẻ, bởi nếu như trước đây giới hạn chi tiêu dành cho những chiếc thẻ “không tiếp xúc” vật lý chỉ là 30 bảng Anh thì giờ, với các ứng dụng thanh toán mới phát triển như ApplePay, SamsungPay hoặc QR code, giới hạn đó đã được nâng lên đáng kể.

Thêm vào đó, nhờ vào những bảo mật được tích hợp sẵn trên điện thoại cá nhân như xác thực vân tay hay các phương pháp xác minh sử dụng sinh trắc học khác, rủi ro đối với hình thức này được đánh giá là thấp hơn nhiều.

Một lợi ích quan trọng khác của thanh toán kỹ thuật số di động là khả năng thu thập dữ liệu khách hàng, để sử dụng cho mục đích tiếp thị sau đó hoặc gửi giấy biên nhận trực tuyến. Điều này cho phép các nhà bán lẻ xây dựng mối quan hệ dài lâu với người mua sau khi họ rời đi hoặc mua hàng trực tuyến. 

Bên cạnh các hình thức giao dịch “không tiếp xúc” là sự xuất hiện của hai đồng tiền ảo từng “làm mưa làm gió” các thị trường hồi đầu năm 2018 là Bitcoin và Ethereum.

Tháng 8/2018, Starbucks bất ngờ tuyên bố sẽ cùng với hai đối tác là Microsoft và Intercontinental Exchange phát triển nền tảng giao dịch mang tên Bakkt, nhằm cho phép khách hàng quy đổi giá trị các đồng tiền ảo như Bitcoin thành đồng USD để chi tiêu tại các chuỗi cửa hàng của mình. 

Tại một số nước phát triển thế giới, ngoài công nghệ NFC hay bitcoin, các đại gia mạng xã hội cũng đang thiết lập một đế chế của riêng mình trong lĩnh vực thanh toán điện tử (social media payments).

Ứng dụng tiên phong trong lĩnh vực này chắc chắn phải kể đến Venmo, ứng dụng đầu tiên trong số nhiều ứng dụng ví điện tử sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để gửi đi các thông báo thanh toán, cho phép người dùng đồng bộ ví điện tử với tài khoản Facebook của họ.

Dựa trên nền tảng Venmo, các đại gia mạng xã hội như Facebook, Twitter hay Snapchat đều đã xây dựng những ứng dụng thanh toán của riêng mình. Năm 2015, Facebook lần đầu tiên tung ra dịch vụ chuyển tiền qua Facebook Messenger, cho phép người dùng liên kết các thẻ ghi nợ và chuyển tiền đến bạn bè dễ dàng như gửi một văn bản.

Trong khi đó, đối thủ của Facebook là Twitter cũng có Tweet Purchase, cho phép người dùng mua và bán sản phẩm của họ trực tiếp trên dòng chia sẻ Tweet của mình.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục