Khánh Hòa: Một số địa phương đang đối mặt nguy cơ hạn hán

14:52' - 29/04/2019
BNEWS Các hồ chứa nước ở tỉnh Khánh Hòa đang có mức nước đủ dùng, nhưng với tình hình nắng nóng kéo dài như hiện nay, việc ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là ngành nông nghiệp là không thể tránh khỏi.

Tính đến giữa tháng 4, tổng lượng nước tích trong các hồ chứa nước, hồ thủy điện của tỉnh đạt gần 190 triệu m3, chiếm hơn 70% dung tích thiết kế; trong đó, các hồ chứa lớn như Đá Bàn chỉ tích 61% dung tích thiết kế, Ea Krong Rou 63% dung tích thiết kế.

Đặc biệt, trong các năm 2017 và 2018, do ảnh hưởng của mưa bão, nhiều hệ thống hồ chứa, kênh mương bị xuống cấp, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả cấp nước.
Hiện một số địa phương trong tỉnh đang đối diện với nguy cơ hạn hán, ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, vật nuôi, thậm chí nhiều khu vực đã bắt đầu thiếu nước sinh hoạt.
Tại huyện miền núi Khánh Sơn, tình hình thiếu nước xảy ra ở một số xã có diện tích cây ăn quả lớn như: Sơn Bình, Sơn Lâm, Sơn Hiệp. Chính quyền địa phương và người dân nơi đây dù đã chủ động các phương pháp, nhưng do nguồn nước trên các sông suối giảm mạnh, thậm chí có một số suối cạn nước nên việc tưới tiêu cho cây trồng diễn ra khó khăn.
Lãnh đạo UBND huyện Khánh Sơn cho biết, trên địa bàn huyện không có mưa, mực nước các sông suối xuống rất nhanh, một số vùng có nguy cơ bị thiếu nước và hạn. Bên cạnh đó, toàn huyện không có hồ để tích nước.
Theo dự báo thời tiết, thời gian tới nắng nóng sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Do đó, để chủ động trong phòng chống hạn trong vụ Hè Thu năm 2019, UBND huyện đã đề xuất được hỗ trợ kinh phí cho đào ao, nạo vét ao, nạo vét đập, ngăn dòng tích nước, bơm dã chiến....

Ngoài ra, huyện cũng dùng kinh phí của địa phương để hỗ trợ các công trình nhỏ trước mắt, đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND dân huyện Khánh Sơn cho hay.
Trong vụ Đông Xuân 2018 – 2019, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có khoảng 20.000 ha đất trồng lúa sử dụng nước từ các hồ chứa nước, sông, suối. Đến nay, đã có trên 12.000 ha diện tích đã được thu hoạch. Tuy nắng nóng không ảnh hưởng nhiều đến vụ Đông Xuân, song việc sản xuất vụ Hè Thu của toàn tỉnh nói chung, huyện Diên Khánh nói riêng gặp nhiều bất lợi.
Lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Diên Khánh cho biết, hiện tại diện tích lúa Đông Xuân trên địa bàn đã cơ bản thu hoạch xong, nông dân đang chuẩn bị bước vào vụ Hè Thu, nếu thời tiết, tiếp tục nắng nóng kéo dài như hiện nay, nguy cơ bỏ một số diện tích trồng là rất cao.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết, trước tình hình nắng nóng kéo dài, nguy cơ thiếu nước cho vụ Hè Thu 2019, đơn vị đã có văn bản đề nghị các địa phương và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa thực hiện xây dựng phương án chống hạn hán, xâm nhập mặn tại địa phương.

Sở yêu cầu các địa phương và công ty thủy lợi thường xuyên nắm bắt thông tin dự báo khí tượng thủy văn và nguồn nước từ sông, suối, hồ chứa nước, công trình thủy lợi, chủ động thực hiện phương án vận hành, điều tiết nước hợp lý, kịp thời triển khai các biện pháp chống hạn, thiếu nước trong trường hợp xảy ra nắng nóng kéo dài.
Các địa phương tổ chức nạo vét kênh mương, cửa lấy nước, khơi thông dòng chảy và sửa chữa các vị trí kênh mương bị hư hỏng, rò rỉ để tránh thất thoát, lãng phí nước; tăng cường thông tin tuyên truyền về tình hình nguồn nước, hướng dẫn kinh nghiệm tưới tiên tiến, tiết kiệm để người dân áp dụng, đồng thời nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm trong quá trình sản xuất.
Không chỉ trồng trọt sử dụng nguồn nước ngọt từ các hồ chứa nước, hồ thủy điện bị ảnh hưởng mà việc nuôi nuôi trồng thủy sản nước lợ cũng bị ảnh hưởng không kém. Theo lịch thời vụ tôm, từ đầu tháng 3 người dân Khánh Hòa đã phải thả tôm giống, thế nhưng thực tế ở các vùng nuôi tôm nước lợ trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh lại khác, việc thả giống triển khai khá chậm do nắng nóng.
Xã Ninh Ích, một trong những địa bàn nuôi tôm nước lợ lớn của thị xã Ninh Hòa với khoảng 380ha, nhưng do nắng nóng đến thời điểm hiện tại, xã chỉ mới thả giống khoảng 100ha. Tương tự, trong tháng 4, huyện Vạn Ninh chỉ mới thả 110/330 ha thủy sản.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, hiện nay toàn tỉnh chỉ mới thả được 630/2.000 ha giống nuôi, nguyên nhân là do trong tháng 3 người dân vẫn đang còn cải tạo ao nuôi, đến đầu tháng 4 thì gặp nắng nóng. Đơn vị này cũng khuyến cáo người dân, cần theo dõi thời tiết trước khi thả giống, sử dụng các chế phẩm sinh hoặc giúp ổn định môi trường, ao nuôi.../.
Xem thêm:

>>Danh mục các đập, hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt

>>Hơn 40 hồ chứa ở Bình Phước suy giảm mực nước do hạn hán

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục