Khai mạc Kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân Tp. Hà Nội khóa XV

14:30' - 03/12/2019
BNEWS Ngày 3/12, Kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV đã khai mạc.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng các đại biểu. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự và phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp.

Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc; đại diện các cơ quan Trung ương dự Kỳ họp.
Đây là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng đối với thành phố, quyết định đến khả năng hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra của Thành ủy và Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, qua đó, góp phần tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội thành phố, đáp ứng kỳ vọng của cử tri Thủ đô.
Kỳ họp này, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội với trọng tâm là xem xét, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ: Kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, tài chính - ngân sách, đầu tư công và các nhiệm vụ khác trong năm 2019.

Trên cơ sở đó, Hội đồng nhân dân thành phố quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho năm 2020, là năm cuối cùng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ Thành phố và Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2016-2020 của thành phố đã đề ra; đồng thời, quyết nghị ban hành các nghị quyết quan trọng để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, thành phố Hà Nội.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá: Năm 2019, thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên các mặt. Kinh tế Thủ đô tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá.

Chủ tịch HĐNĐ Thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu khai mạc. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN

Trong thành tích chung của thành phố Hà Nội, có sự đóng góp quan trọng của Hội đồng nhân dân và từng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp của thành phố Hà Nội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tin tưởng rằng Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, từng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục mang tinh thần cải tiến, đổi mới của Quốc hội vào Kỳ họp thứ 11 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, để kỳ họp này thực sự là một kỳ họp dân chủ, đổi mới, xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng và góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển của thành phố năm 2019 và các năm tiếp theo.
Tán thành với những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu đã nêu trong các báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch về tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố đã nêu trong Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, nhiệm vụ 2020.

Các đại biểu Hội đồng nhân dân cần đánh giá, phân tích chính xác tình hình, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị đối với những yếu kém, khuyết điểm đã được chỉ rõ trong báo cáo, để cùng thảo luận, đề ra giải pháp quyết liệt, thận trọng nhưng linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với pháp luật và tình hình thực tế của Thủ đô.
Ngoài ra, thành phố cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương để thực hiện tốt cơ chế, chính sách đặc thù cho việc phát triển của Hà Nội theo Luật Thủ đô; thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo đúng tinh thần của Hiến pháp, Nghị quyết Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới, sáng tạo và phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật nhất là trong thực thi công vụ; đặc biệt, quan tâm về tổ chức bộ máy phường, thị trấn, có chế độ chính sách hợp lý với đại biểu Hội đồng nhân dân khi thực hiện Đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Thời gian từ nay đến hết nhiệm kỳ chỉ còn một năm, cộng thêm những biến động khó lường của kinh tế, chính trị thế giới và khu vực có thể tác động đến nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu của nước ta, nhiệm vụ đặt ra cho thành phố trong năm 2020 là rất nặng nề và đầy thách thức.

Do đó, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

Vì vậy, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô mong Hội đồng nhân dân thành phố không ngừng nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; phát huy vai trò cơ quan đại diện và thể hiện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân Thủ đô; đi sâu nắm chắc tình hình, thảo luận và quyết định những chủ trương, giải pháp khả thi, kịp thời, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, chào mừng các sự kiện chính trị, văn hóa, lịch sử quan trọng của đất nước và thành phố trong năm 2020.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN

Với tinh thần đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cần phát huy cao độ tinh thần dân chủ, trách nhiệm trước cử tri, thảo luận kỹ lưỡng để làm rõ hơn, sâu sắc và toàn diện hơn nữa tình hình, những kết quả tích cực đã đạt được và những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, tài chính, ngân sách, đầu tư công và các nhiệm vụ khác trong năm 2019.

Từ đó, chỉ ra các nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan và các bài học kinh nghiệm thực tiễn cần thiết cho thời gian tới. Căn cứ vào các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, ý kiến, nguyện vọng của cử tri và dự báo tình hình trong thời gian tới, cần xem xét, quyết định cụ thể các mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, tài chính, ngân sách, đầu tư công trong năm 2020.
Ngoài ra, để các nghị quyết của Hội đồng nhân dân sớm đi vào cuộc sống, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cần thông qua đồng bộ, kịp thời các cơ chế, chính sách và phân bổ nguồn lực hợp lý; chú ý đến các cơ chế, chính sách có tính đột phá góp phần khai thác nhanh, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế to lớn của Thủ đô về nguồn lực con người, khoa học và công nghệ, giải phóng các nút thắt về hạ tầng, thể chế, phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ của cơ sở.

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cần nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cần thiết để triển khai hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội trong nhiệm kỳ 2021-2026.

Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân thành phố cần tích cực phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm thông qua và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Bộ Chính trị thông qua, để thực hiện mô hình chính quyền đô thị của thành phố.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải mong muốn trong năm 2020, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn các hoạt động kiểm tra, giám sát, chất vấn, giải trình để đảm bảo các nghị quyết, các cơ chế, chính sách của Hội đồng nhân dân về phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, tài chính, ngân sách, đầu tư... được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần thiết thực giải quyết các vấn đề dân sinh, nhất là các vấn đề dân sinh bức xúc.

Từ đó, thành phố nâng cao hơn nữa cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là ở vùng xa trung tâm, vùng nông thôn...
Theo báo cáo của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, tại kỳ họp này, căn cứ vào các quy định của luật và tình hình thực tiễn của thành phố, Hội đồng nhân dân thành phố sẽ xem xét, thảo luận, thông qua 14 báo cáo, 6 nghị quyết thường kỳ; 6 báo cáo, 16 nghị quyết chuyên đề.

Đây là những chuyên đề rất quan trọng cho quá trình điều hành của các cấp chính quyền và đáp ứng yêu cầu của cử tri như: Kiện toàn sắp xếp thôn, tổ dân phố thuộc thành phố Hà Nội trên cơ sở đề án của các quận, huyện, thị xã; đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Hà Nội; một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội; một số mức chi thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thành phố...
Nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân theo hướng nghị quyết phải sát thực tiễn, trong quá trình chuẩn bị kỳ họp, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, các cơ quan chuyên môn chủ trì soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ, ngay từ đầu để thống nhất nội dung, bảo đảm đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.

Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố cũng tiếp tục đổi mới quy trình thông qua nghị quyết nhưng vẫn đảm bảo các quy định của luật và giúp đại biểu tiếp cận được các nội dung một cách khoa học.

Đáng chú ý, tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội sẽ dành một ngày để chất vấn và trả lời chất vấn dự kiến với 3 nhóm vấn đề, gồm: Tình hình, kết quả công tác quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên địa bàn thành phố; việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các trường ngoài công lập trên địa bàn thành phố hiện nay; công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019 trên địa bàn thành phố. Đây là những vấn đề cử tri quan tâm, nêu ý kiến qua các hội nghị tiếp xúc cử tri.
Kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV dự kiến diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 3 -5/12/2019)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục