Khắc phục tình trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng”

13:58' - 13/02/2019
BNEWS Bí thư TW Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị tăng cường giám sát việc phát triển kinh tế hợp tác; khắc phục tình trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng”.

Sáng 13/2, buổi làm việc với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị tăng cường giám sát đối với phát triển kinh tế hợp tác; khắc phục tình trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng”.

Chủ tịch mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn tới chúc Tết và làm việc tại Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Đánh giá cao kết quả của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam năm 2018, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Năm 2018, cả nước thành lập mới 2.366 hợp tác xã, 15 Liên hiệp Hợp tác xã và 7.840 tổ hợp tác. 

Thống kê cho thấy, cả nước hiện có 22 nghìn 456 hợp tác xã, tăng 8% so với năm 2017. Thành phần kinh tế hợp tác và tư nhân ở các địa phương khai thác lợi thế điều kiện tự nhiên - xã hội, sản phẩm đặc sản, ngành nghề truyền thống và chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông qua chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Ông Trần Thanh Mẫn đề nghị, năm 2019, tập trung phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã nhanh, hiệu quả, bền vững; các tổ hợp tác, hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã tăng số lượng, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Cùng với đó, phát triển hợp tác xã trong các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội, chú trọng phát triển hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị. 

Ngoài ra, ông Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu Liên minh Hợp tác xã tiếp tục nâng cao nhận thức của xã hội và hệ thống chính trị về phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã; tập trung tuyên truyền sâu, rộng và thường xuyên thông qua nhiều kênh và phương tiện thông tin đại chúng về bản chất, cơ chế hoạt động của hợp tác xã kiểu mới, lợi ích của hợp tác xã mang lại cho thành viên. 

Đặc biệt, tăng cường giám sát tình hình thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với phát triển kinh tế hợp tác, khắc phục tình trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng”.

Toàn cảnh buổi làm việc của Liên minh hợp tác xã Việt Nam với đồng chí Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết: Phần lớn hợp tác xã có nhận thức và nhu cầu sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị để phát triển bền vững.

Nhiều hợp tác xã đã huy động các nguồn lực, xúc tiến thương mại thị trường trong nước và xuất khẩu. Đáng lưu ý, năm 2018 cả nước có khoảng 15% tổng số hợp tác xã nông nghiệp và hơn 60% hợp tác xã phi nông nghiệp sản xuất gắn với chuỗi giá trị.

Mặt khác, nhiều địa phương có mô hình hợp tác xã khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả; thành lập liên hiệp hợp tác xã làm "đầu kéo" cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã thành viên…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng thẳng thắn thừa nhận nhiều hợp tác xã thành lập từ thời kỳ bao cấp, cơ sở vật chất yếu kém, ít dịch vụ, lợi ích mang lại cho thành viên hạn chế.

Hơn nữa, việc liên kết thành viên thiếu chặt chẽ, hoạt động chưa phù hợp với pháp luật, chưa có khả năng khai thác lợi thế để đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Ngoài ta, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều hợp tác xã còn hạn chế; quy mô còn nhỏ, năng lực quản trị yếu kém, thực hiện các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp còn chạy theo lợi ích trước mắt, gặp nhiều khó khăn.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, theo ông Nguyễn Ngọc Bảo năm 2019 Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tiếp tục nâng cao nhận thức của xã hội và hệ thống chính trị về phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

Bên cạnh đó, tuyên truyền sâu, rộng và thường xuyên thông qua nhiều kênh và phương tiện thông tin đại chúng về bản chất, cơ chế hoạt động của hợp tác xã kiểu mới, lợi ích của hợp tác xã mang lại cho thành viên.

Đặc biệt, biểu dương kịp thời các tổ hợp tác, hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã tiêu biểu, hoạt động có hiệu quả.

Hơn nữa, xây dựng hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam vững mạnh, tiếp tục đóng vai trò nòng cốt, quan trọng phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khả năng tài chính; liên kết chặt chẽ hệ thống trong mọi hoạt động;  

Đáng lưu ý, huy động các nguồn lực để hỗ trợ 100 hợp tác xã và xây dựng 50 mô hình sản phẩm hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị; số hợp tác xã thành viên tăng khoảng 20% so với năm 2018, chiếm tối thiểu 80% tổng số hợp tác xã của cả nước.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, ông Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường giám sát tình hình thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, thành phố và cả nước.

Cùng với đó, phản ánh kịp thời với Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc về chủ trương, cơ chế và chính sách phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

Ngoài ra, hỗ trợ hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài, chú trọng nguồn lực của kiều bào ở nước ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã. 

Đặc biệt, hỗ trợ hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật và động viên các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tích cực tham gia vận động thành lập và hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục