Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Phải có sự chuyển dịch từ các địa phương

12:55' - 05/07/2018
BNEWS Khi tham gia một sân chơi, đặc biệt là thị trường có tính định hướng như EU thì những quy định, nỗ lực của Việt Nam phải có sự chuyển dịch từ phía địa phương.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt . Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN
Sau đợt kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) về khắc phục "thẻ vàng", EC đã tiếp tục ra hạn cho Việt Nam để khắc phục và đến tháng 1/2019 sẽ sang Việt Nam một lần nữa để xem xét vấn đề này. EC chỉ ra rằng, Việt Nam cần phải cố gắng hơn nữa trong việc gỡ "thẻ vàng" và tiến tới một nghề cá có trách nhiệm. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep).
Phóng viên: Mới đây, EC đã ra thêm thời hạn và có các khuyến nghị đối với việc khắc phục "thẻ vàng" của Việt Nam. Vậy quan điểm của ông về về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Hoài Nam: Tôi nghĩ rằng trên góc độ Việt Nam, bên cạnh sự chủ động về phát triển thủy sản bền vững thì cũng có các điểm khuyến nghị của EC từ tháng 5/2017 đến nay. Với các đợt làm việc và đưa ra các khuyến nghị thì họ có sự xuyên suốt. Chúng tôi hiểu và chia sẻ với Tổng cục Thủy sản trong việc làm sao khung pháp lý phải đi đầu. Chúng tôi đã nhìn thấy việc đó với nỗ lực của Trung ương từ Luật Thủy sản và hiện nay là những văn bản dưới luật.
Qua thông tin có được, chúng tôi hiểu sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước với địa phương và doanh nghiệp đã ghi được dấu ấn với Đoàn công tác của EC. Tuy nhiên, những điểm chưa được thì họ cũng đưa ra một cách rõ ràng, thể hiện sự công tâm.
Về phía Vasep, cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn các địa phương có những đầu tư và triển khai mạnh mẽ hơn. Tôi cho rằng, trước hết là nỗ lực làm tốt theo những văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...
Phóng viên: Ông có nhắc đến việc công tâm trong các khuyến nghị của EC đưa ra. Vậy điều này thể hiện ở những điểm nào?
Ông Nguyễn Hoài Nam: Khi đi kiểm tra, đánh giá bao giờ họ cũng có kế hoạch. Đặc biệt, họ hợp tác tốt với đại diện của phía Việt Nam cử ra, ở đây là Tổng cục Thủy sản làm đầu mối với một số đơn vị và địa phương. Khi đánh giá như vậy, mọi thứ gọi là quy định của họ được công khai trong đánh giá.
Thứ nữa là các bằng chứng mà họ thu thập được để có thể đánh giá, ghi nhận những cố gắng của mình. Nhưng đồng thời, những gì chưa được, họ cũng ghi chú lại, từ đó đưa ra khuyến nghị để phía Việt Nam tiếp tục nỗ lực theo cái mà họ đang mong muốn. Tôi hiểu là họ nhấn mạnh về những quy định về bảo tồn, về kiểm soát IUU của quốc tế chứ không chỉ của châu Âu.
Phóng viên: Một trong những khuyến nghị đáng chú ý của EC chính là việc truy xuất nguồn gốc. Trong khi đó, vấn đề này chúng ta đang gặp nhiều khó khăn. Theo ông cần phải làm gì để khắc phục khó khăn này?
Ông Nguyễn Hoài Nam: Trong chuỗi kiểm soát, truy xuất nguồn gốc hải sản, cụ thể liên quan đến IUU để đáp ứng yêu cầu của châu Âu. Rõ ràng, vừa qua sau một quá trình làm và trong quá trình tái cơ cấu, việc chuyển dịch một phần công việc xuống trực tiếp các cảng cá, nơi tàu thuyền và hàng hóa nguyên liệu về sẽ phù hợp hơn, trước hết là phương pháp tiếp cận.
Thứ hai là sẽ phù hợp hơn với nguồn lực của Việt Nam, nhưng ở giai đoạn đầu quá trình chuyển đổi có thể cần 6 tháng hoặc 1 năm. Giai đoạn này, có nhiều bất cập trong chuyển giao. Bên cạnh đó, về phía doanh nghiệp cũng có những phản ánh là không đáp ứng được ngay. Tuy nhiên, khi tham gia một sân chơi, đặc biệt là thị trường có tính định hướng như EU thì những quy định, nỗ lực của Việt Nam phải có sự chuyển dịch từ phía địa phương. Đặc biệt là các cảng cá và phải có sự hỗ trợ của các Chi cục thuỷ sản bởi các dữ liệu tàu thuyền lại đặt ở các Chi cục. Việc này, địa phương phải có đầu tư và nỗ lực nhiều hơn. Chúng tôi mong đợi điều đó càng sớm càng tốt, trước thời điểm tháng 1/2019.
Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề truy xuất, bởi đây là một trong những khó khăn lớn của Việt Nam?
Ông Nguyễn Hoài Nam: Truy xuất ở đây cụ thể là việc xác nhận nguyên liệu và chứng nhận thành phẩm xuất đi châu Âu. Trong xác nhận hiện nay bắt đầu từ Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung Thông tư 50/2015/TT-BNNPTNT, Thông tư 25/2013/TT-BNNPTNT, Thông tư 02/2006/TT-BTS, Thông tư 62/2008/TT-BNN và Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT chuyển từ giữa tháng 3/2018, việc xác nhận này giao cho cảng cá, đúng là có một số bất cập và bất cập đó có thể là mất vài tháng đầu. Đầu tiên thấy rõ, khi mỗi tàu đi vào cảng cá phải có thông báo và thông báo này dành cho chủ hàng. Điều đó tạo ra bước ngoặt khiến nhiều chủ tàu và đại lý thu gom chưa quen việc đó ngay.
Thứ hai, việc khai thác hoặc truyền dữ liệu về hệ thống trạm bờ. Cái này cũng còn bất cập và cần phải có sự chỉ đạo hơn từ phía Trung ương. Cụ thể, nhiều tàu, ghe, chủ tàu hoặc thuyền trưởng có truyền dữ liệu, nhưng việc truyền dữ liệu đó có thể trong điều kiện nghẽn mạch, hoặc chưa đầy đủ theo phương thức chuẩn. Điều đó khiến doanh nghiệp khi thu mua nguyên liệu này nhưng khi xác nhận tại cảng thì có tình trạng dữ liệu thiếu, chưa đầy đủ. Việc này ngoài kiểm soát của doanh nghiệp. Trong khi đó, thuyền trưởng và chủ tàu lại báo đã thực hiện… Đó là những bất cập.
Chúng tôi đang kỳ vọng có sự chỉ đạo của Tổng cục Thủy sản để làm sao có hướng dẫn cụ thể từ mắt xích cảng cá, như thế nào là nhắn tin không phù hợp hoặc chưa đủ cơ sở. Tôi cũng có đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có cuộc họp định kỳ hàng tháng với 28 tỉnh, thành phố ven biển về vấn đề này.
Phóng viên: Hiện nay, chúng ta mới chỉ có một phần nhỏ tàu thuyền được gắn thiết bị giám sát hành trình. Trong khi đó đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để truy xuất nguồc gốc hải sản đánh bắt. Vậy ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Hoài Nam: Nguyên tắc của truy xuất nguồn gốc là một bước lui một bước tiến, nghĩa là có thông tin trên chuỗi cung cấp hàng hóa. Việc các tàu thuyền có lắp đặt thiết bị đó là phương án tối ưu cho đi biển hiện nay. Theo tôi, với số lượng tàu cá đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình như hiện nay là thiếu.
Về phía Vasep, chúng tôi chia sẻ khó khăn với Nhà nước, cộng đồng người khai thác biển, ngư dân. Vasep cũng đã có chia sẻ khó khăn này trong thời gian qua, đó là tặng thiết bị giám sát hành trình cho ngư dân. Vấn đề này, tôi mong muốn Nhà nước quan tâm hơn với việc đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát hành trình hoặc hỗ trợ ngư dân để hoàn thiện, ít nhất là giai đoạn nước rút từ nay đến tháng 1/2019.
Phóng viên: Theo ông, việc EC gia hạn thêm thời hạn khắc phục "thẻ vàng" có ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp hay không?
Ông Nguyễn Hoài Nam: Rõ ràng, khi chúng ta bị "thẻ vàng" thì họ sẽ tăng cường biện pháp kiểm tra để muốn chứng thực là Việt Nam đã nỗ lực đến đâu. Việc đó cũng khiến doanh nghiệp phải có đầu tư thêm về các công việc và thủ tục hành chính liên quan. Tôi thấy rõ rằng, tăng trưởng xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm chậm lại và giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Việc này rõ ràng là có tác động đến doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục