Khắc phục sạt lở trên tuyến đê biển Nam Định

21:15' - 16/09/2017
BNEWS Đến trưa 16/9, các vị trí đê bị sạt đã cơ bản được gia cố ban đầu.
Tuyến đê biển Hải Thịnh, huyện Hải Hậu bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh Công Luật-TTXVN
Liên quan đến việc hơn 1.000m đê biển ở thị trấn Thịnh Long và xã Hải Hòa, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định bị sạt lở phía trong chân đê do ảnh hưởng của cơn bão số 10 kết hợp với triều cường ngày 15/9 vừa qua, để đảm bảo an toàn cho tuyến đê biển, tỉnh Nam Định đã dồn toàn lực gia cố đê. Đến trưa 16/9, các vị trí đê bị sạt đã cơ bản được gia cố ban đầu.
Để đảm bảo an toàn, tránh sạt lở lan rộng, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã huy động lực lượng sử dụng đá hộc và bao đất để gia cố chân đê; đồng thời dùng bạt nilon phủ lên trên nhằm ngăn nước tràn qua gây xói lở mái trong đê. Tuy nhiên, tại các vị trí đê bị sạt lở, một số đoạn bị sụt, sạt sâu vào thân đê tạo thành hàm ếch nên tiềm ẩn nguy cơ sạt, sụt mái đê phía trong khá cao. Nếu các cơ quan chức năng không có giải pháp xử lý kiên cố, nhất là khi có mưa lớn thì khả năng sạt lở sẽ tiếp tục xảy ra.
Lãnh đạo huyện Hải Hậu cho biết, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như tỉnh Nam Định đã về kiểm tra thực tế để có biện pháp đảm bảo an toàn cho các đoạn đê bị sạt lở trên địa bàn. Huyện cũng đã giao cho các địa phương có các điểm đê bị sạt thường xuyên cử lực lượng kiểm tra để xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra; rà soát lại hệ thống đê sông, đê biển để có biện pháp đảm bảo an toàn.
Triều cường dâng cao, sóng to, nước lớn tràn qua mặt đê không những làm sạt sụt phía trong chân đê mà còn ảnh hưởng đến sản xuất và gây thiệt hại lớn cho người dân ven biển Nam Định, đặc biệt là các hộ ở gần đê biển.
Bà Dương Thị Thương - nuôi trồng thủy sản ở gần đê biển Thịnh Long (khu 22, thị Trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu) buồn bã nói: "Gia đình có 2ha sản xuất hàu giống và nuôi tôm thẻ. Do ảnh hưởng của bão, sóng lớn cao hơn chục mét trùm qua cả mái nhà, nước dâng cao ngập sâu gần 1m đã làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và hơn 2.000 m2 ao nuôi tôm của gia đình. Ước tính thiệt hại lên tới vài trăm triệu đồng".
Cũng như gia đình bà Thương, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ở thị trấn Thịnh Long - nơi nước biển tràn vào gây ngập sâu cũng chịu chung cảnh nhiều diện tích ao nuôi tôm, nuôi cá, trồng hoa màu bị ngập trắng trong biển nước.
Sóng cao, nước dâng nhanh cũng đã làm hơn 100 hộ kinh doanh nhà nghỉ, ki - ốt bán hàng ven biển thị trấn Thịnh Long bị bất ngờ, không kịp di chuyển đồ đạc nên gần như toàn bộ tài sản bị ngập nước hư hỏng, ước tính mỗi hộ thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Ông Bùi Văn Doanh ở thị trấn Thịnh Long cho hay, do không nghe được cảnh báo mức độ nguy hiểm của triều cường nên đến khi nước dâng cao, sóng lớn gây nguy hiểm gia đình phải bỏ toàn bộ đồ đạc trong nhà lại để chạy vào nơi an toàn.
Nhiều lều, quán ở thị trấn Thịnh Long bị tốc mái. Một số tuyến đường giao thông và khu dân cư vẫn còn ngập khiến cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân nơi đây bị đảo lộn. Hoạt động kinh doanh, buôn bán ở khu vực ven biển này vẫn chưa thể trở lại bình thường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục