KCN Phong Điền kêu gọi doanh nghiệp đầu tư khai thác mỏ cát thạch anh

10:56' - 06/07/2019
BNEWS KCN Phong Điền tiếp tục kêu gọi doanh nghiêp chế biến cát để khai thác mỏ cát thạch anh có trữ lượng 3.800ha và kêu gọi các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp hỗ trợ dệt may để lấp đầy khu công nghiệp.

Là một trong số 6 khu công nghiệp của Thừa Thiên - Huế, khu công nghiệp Phong Điền có diện tích 700ha đang được đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh để thu hút đầu tư.

Khu công nghiệp Phong Điền đã có 3 nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng để thu hút đầu tư với tổng vốn đăng ký là 1.900 tỷ đồng gồm Công ty Cổ phần Prime Thiên Phúc, Công ty Trách nhiệm hữu hạn C&N Vina Huế và Công ty Đầu tư kinh doanh hạ tầng Viglacera với tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%; các dự án còn lại đang được đẩy nhanh tiến độ để giao đất cho các nhà đầu tư.
Ông Hà Văn Tấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Prime Thiên Phúc cho biết, công ty được cấp phép xây dựng kết cấu hạ tầng khu B trên diện tích 107ha, tổng vốn đăng ký 121 tỷ đồng.
Hiện tại, đơn vị đã hoàn tất khâu giải phóng mặt bằng 88,8ha và đầu tư gần 30 tỷ đồng xây dựng hạ tầng, diện tích còn lại đang tiếp tục triển khai; trong đó, hệ thống thoát nước đạt tiến độ trên 90%, đường giao thông 30%, các hạng mục còn lại sẽ hoàn thành khi có doanh nghiệp thứ cấp đến xây dựng nhà máy.
Đối với các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bố trí vốn, ưu tiên đầu tư trên 30 tỷ đồng xây dựng hệ thống giao thông đối ngoại, như tuyến đường từ Quốc lộ 1A vào Khu C với tổng mức đầu tư 8 tỷ đồng; tuyến đường từ Quốc lộ 1A nối vào các khu B, C và Khu công nghiệp Viglacera với tổng vốn trên 10 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, rút ngắn khoảng cách vận chuyển hàng hóa.
Nhờ từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đến nay, khu công nghiệp Phong Điền thu hút 19 dự án với tổng vốn đăng ký gần 11.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 10.000 lao động.
Thuận lợi từ hạ tầng và nguồn lao động dồi dào, từ một nhà máy với 1.200 lao động vào năm 2008, đến nay Công ty Scavi Huế có 4 nhà máy may với hơn 6.500 lao động, doanh thu đạt hơn 90 triệu USD/năm; tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt trên 30%.
Theo Tổng Giám đốc Scavi Huế Trần Văn Mỹ, thành công lớn nhất của một doanh nghiệp khi xây dựng nhà máy không chỉ nhờ vào thị trường tiêu thụ, đối tác tiềm năng mà quan trọng là có nguồn lực dồi dào để doanh nghiệp chủ động đầu tư mở rộng nhà máy.
Công ty Cổ phần men Frít Phú Xuân đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất men frít tại khu B, Khu công nghiệp Phong Điền, với công suất 22.000 tấn/năm; giải quyết việc làm cho 100 lao động.
Ông Lê Văn Thông, giám đốc công ty cho biết, Phong Điền có trữ lượng cát lớn, là nguồn nguyên liệu quý để sản xuất và chế biến men frít nên doanh nghiệp gặp khá nhiều thuận lợi khi đặt nhà máy tại đây.
Với trữ lượng cát nội đồng lớn, đây là nguồn nguyên liệu quý hiếm phục vụ sản xuất các sản phẩm từ cát nhằm khai thác tiềm năng và phát triển ngành công nghiệp của tỉnh.
Vì vậy, Khu công nghiệp Phong Điền tiếp tục kêu gọi các doanh nghiêp chế biến cát để khai thác mỏ cát thạch anh có trữ lượng 3.800ha và kêu gọi các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp hỗ trợ dệt may để lấp đầy khu công nghiệp.
Đáng chú ý, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Đề án "Phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may tại Thừa Thiên - Huế", với diện tích khoảng 400 ha, tại khu công nghiệp Phong Điền.
Theo đề án, để phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, trước mắt các doanh nghiệp phải chuyển dần từ hình thức gia công sang làm hàng FOB và ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm) hay OMB (sản xuất nhãn hiệu gốc).
Đề án nhằm phát triển ngành dệt may Thừa Thiên - Huế phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và phát triển công nghiệp của tỉnh; hướng đến xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành một trong những trung tâm dệt may của miền Trung.../.
Xem thêm:

>>Thừa Thiên-Huế: Hơn 1.200 ha sản xuất vụ Hè Thu có nguy cơ thiếu nước

>>Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô hút hơn 67.000 tỷ đồng đầu tư vào du lịch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục