Italy khiến giới đầu tư lo ngại vì kế hoạch tăng chi tiêu công

05:30' - 21/09/2018
BNEWS Các nhà đầu tư ở châu Âu lâu nay đặc biệt lo ngại về Italy giữa lúc chính phủ nước này đang chuẩn bị đưa ra các kế hoạch chi tiêu mới cho năm 2019.
Khách hàng rút tiền đồng euro tại một máy rút tiền tự động. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc liên minh hai đảng Liên đoàn và Phong trào 5 Sao (M5S) lên nắm quyền tại Italy hồi tháng Năm vừa qua đang làm rung chuyển các thị trường tài chính do họ cam kết sẽ gia tăng chi tiêu công.
Hai đảng Liên đoàn và M5S muốn thay đổi hệ thống lương hưu, thực hiện một mức thu nhập tối thiểu mới cho người dân, giảm các loại thuế, cũng như ngừng việc tăng thuế giá trị giá tăng (VAT). Họ có kế hoạch thực hiện những điều này vào năm tới. Theo các nhà phân tích của tập đoàn tài chính UBS, những biện pháp nói trên có thể bổ sung thêm cho GDP của Italy từ 4,5-7%. 
Tuy nhiên, sự thiếu kinh nghiệm điều hành, quản lý của hai đảng ở cấp độ quốc gia, cùng với thực tế rằng họ là những đảng dân túy, cực hữu có nguồn gốc thuộc các phe đối lập trên chính trường Italy, đã khiến các nhà phân tích phải đặt nhiều dấu hỏi cho đến khi họ có thể chứng tỏ có đủ khả năng để ở lại trong chính phủ.
Italy đang nhanh chóng trở thành một mối lo lắng mới đối với các bộ trưởng tài chính EU sau khi Hy Lạp hồi tháng 8 chính thức thoát khỏi chương trình cứu trợ. Nợ công của Italy hiện đang ở mức nguy hiểm 132% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), khiến Italy là nước có tỷ lệ nợ lớn thứ hai trong Eurozone sau Hy Lạp. Mặc dù vậy, Chính phủ Italy đang đứng trước áp lực phải hiện thực các cam kết tranh cử trước đó về việc tăng chi tiêu chính phủ. 
Cựu Thủ tướng Italy Enrico Letta mới đây đã bác bỏ khả năng nước này sẽ tổ chức một cuộc bầu cử trước thời hạn vào năm 2019, mặc dù hiện đang có nhiều ý kiến chất vấn về tương lai của chính phủ mới ở đất nước hình chiếc ủng. Phát biểu trên kênh truyền hình CNBC cuối tuần qua, ông Letta nói: "Tôi không nghĩ rằng năm 2019 sẽ là năm để Italy tiến hành một cuộc tổng tuyển cử mới".
Nhưng ông Letta, giữ chức Thủ tướng từ năm 2013-2014, lại cho rằng các cuộc bầu cử ở châu Âu vào năm 2019 sẽ là một cơn địa chấn ở cấp độ châu lục cũng như ở cấp độ quốc gia. Vào mùa Xuân tới, cử tri châu Âu sẽ đi bỏ phiếu để lựa chọn ra các đại diện mới tại Nghị viện châu Âu.
Theo ông Letta, các cuộc bầu cử này “sẽ là một bước ngoặt” đối với châu Âu, bởi vì những thay đổi lớn hiện nay cùng nhiều vấn đề mà dư luận quan tâm sẽ được phản ánh qua các lá phiếu của cử tri... “Châu Âu đã trải qua 20 năm ổn định, với hai trụ cột là phe tả và phe hữu hợp tác với nhau ở cấp độ châu Âu. Vào năm tới, sự chia rẽ sẽ là điều chắc chắn...", ông Letta nhấn mạnh.
Do hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ công, nhiều người châu Âu hiện đã trở nên chán ngấy với các hệ thống chính trị. Nhiều năm tăng trưởng kinh tế yếu kém cùng với tỷ lệ thất nghiệp cao đã khiến công chúng khá thất vọng và sự việc càng trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng di cư đang tiếp diễn.
Tất cả những vấn đề này đã dẫn đến việc công chúng chuyển sang ủng hộ các đảng dân túy ngày càng nhiều. Trong vài năm qua, các đảng dân túy đã tăng cường được sự hiện diện trong hệ thống chính trị thông qua các cuộc bầu cử ở cấp quốc gia - một hiện tượng có thể tác động đến các thể chế châu Âu vào năm tới.
Tuy nhiên, những biện pháp như vậy có thể làm chệch hướng nỗ lực nhằm giảm bớt một khó khăn mà các nhà đầu tư đang quan ngại. Cựu Thủ tướng Letta cho rằng kế hoạch ngân sách 2019 của Italy có thể gây nên nhiều vấn đề cho nước này.
“Ở cấp độ thế giới, Italy là nước yếu nhất xét về nợ công cũng như xét về những nguy cơ gây nên sự bất ổn định”, ông Letta nói. Liên quan đến các tuyên ngôn, khẩu hiệu của Chính phủ Italy đương nhiệm, ông Letta cho rằng “hiện đang có vấn đề về khoảng cách giữa lời nói và thực tế".
Trong những ngày gần đây, chỉ số đo lường tỷ lệ rủi ro giữa trái phiếu Chính phủ Italy với trái phiếu Chính phủ Đức (thường ở mức vững mạnh), đã thoát khỏi mức báo động song vẫn đang ở cấp độ nguy hiểm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục