Indonesia với sáng kiến quản trị nguồn nước sinh hoạt

06:30' - 16/08/2018
BNEWS Việc đảm bảo nguồn nước sinh hoạt đối với người dân Indonesia hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn đang trở thành một vấn đề cần giải quyết.
Indonesia với bài toán quản trị nguồn nước sinh hoạt. Ảnh: Reuters

Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài viết của tác giả Mohamad Mova Al'Afghani với tựa đề: “Indonesia: Chính phủ cần cải thiện dịch vụ nước sinh hoạt”. Đây là vấn đề mà sáng kiến về Chính phủ mở (OGP) có thể phát huy tác dụng.
Tại hội nghị thượng đỉnh Quan hệ đối tác Chính phủ mở năm 2018 ở Tbilisi (Gruzia) hồi tháng trước, quản trị nguồn nước bắt đầu nhận được sự chú ý và một vài tổ chức đã cố gắng thúc đẩy chương trình nghị sự của chính phủ trong lĩnh vực nước. 
Hầu hết người dân Indonesia không nhận thức được quyền lợi đối với lĩnh vực nước sinh hoạt. Ví dụ như các công ty cung cấp nước có được phép tự ý dừng cung cấp nước cho người dân nếu thấy họ không có khả năng thanh toán. 
Thực tế hiện nay tại Indonesia là hầu hết các giấy phép khai thác nước đều không dựa trên dữ liệu chính xác về nguồn nước sẵn có tại một dòng sông, lưu vực hoặc tầng chứa nước.

Vì vậy, hạn ngạch khai thác nước sạch có thể không được dựa trên một đánh giá chính xác về lượng nước thực sự có sẵn. Xung đột thường xảy ra khi những người sử dụng nước, chẳng hạn như nông dân, cáo buộc những người sử dụng khác, đôi khi là các doanh nghiệp, trong việc khai thác nước quá mức dẫn đến tình trạng hạn hán.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể khai thác nước từ trong lòng đất mà không ảnh hưởng nhiều đến mức nước ở các sông hồ. Do vậy cuộc khủng hoảng nước mà nông dân đang trải qua có thể không phải do khai thác công nghiệp. Nhưng vì cơ sở dữ liệu không đầy đủ nên khó để tranh luận và thuyết phục các bên liên quan về nguyên nhân thực sự của vấn đề.
OGP là một sáng kiến đa phương được phát động vào năm 2011, trong đó Indonesia nằm trong số các thành viên sáng lập. Mỗi quốc gia thành viên dự kiến sẽ tạo ra một kế hoạch hành động hai năm với những sáng kiến khác nhau, từ tiếp cận, thông tin đến sự tham gia của công chúng, trách nhiệm giải trình và đổi mới công nghệ để quản trị tốt hơn.

Tuy nhiên, vấn đề về nước không phải là trọng tâm chính của kế hoạch hành động OGP. Hầu hết các vấn đề OGP xoay quanh các chủ đề quản trị chung như chống tham nhũng, ngân sách mở, dịch vụ công, tự do thông tin…
Ngoại trừ các cam kết đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên có liên quan đến các ngành công nghiệp khai thác. OGP chưa được biết đến rộng rãi trong các lĩnh vực liên quan đến nước. Tương tự như vậy, các tổ chức xã hội dân sự thường làm việc về các chủ đề quản trị chung, họ không nhất thiết phải tham gia vào cuộc đối thoại với chủ đề về nguồn nước.

Tuy nhiên, OGP có nhiều tiềm năng để thúc đẩy quản trị nguồn nước. Các cam kết liên quan đến nước nếu được quan tâm một cách đúng mực sẽ tạo ra kết quả có thể đóng góp đáng kể vào việc cải thiện quản trị nước.
Những người đã hoạt động trên cơ sở OGP cần tham gia vào các kế hoạch quản trị tốt nguồn nước để tiếp tục thúc đẩy các cơ chế và tiềm năng của OGP. Đổi lại, những người quan tâm đến dự án sử dụng nước sạch cũng cần biết chương trình nghị sự mà họ có thể tiến hành.

OGP có thể cung cấp cơ sở để thúc đẩy việc chia sẻ dữ liệu liên ngành giữa các cơ quan và các tổ chức xã hội dân sự trong cùng một khu vực.
Các cam kết OGP có thể được phát triển thành lộ trình với những hàm ý thực sự về quản trị nguồn nước tốt, cải thiện tính minh bạch, ban hành các mức dịch vụ, công bố mức dịch vụ, cơ chế khiếu nại và cách thức giải quyết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục