Indonesia tiếp tục gửi trả rác thải nhựa ô nhiễm cho Australia

12:56' - 19/09/2019
BNEWS Indonesia sẽ gửi trả lại Australia 100 container rác thải nhựa tái chế ô nhiễm, trong nỗ lực khẳng định quốc gia Đông Nam Á không muốn trở thành “bãi rác” của thế giới.
Các container chứa rác thải tại cảng Batu Ampar ở Batam, Indonesia ngày 15/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, số lượng container bị trả lại nằm trong 547 container mà Hải quan Indoneisa đã kiểm tra và phát hiện bị ô nhiễm các loại chất thải B3 (bao gồm các chất thải y tế, vật liệu có thể gây cháy nổ, phản ứng, nhiễm trùng hoặc ăn mòn).

Trong đó, 9 container đã được phía Indonesia gửi trả từ tháng trước và dự kiến sẽ cập bến Australia vào ngày 25/9, số còn lại sẽ được gửi theo các lô hàng riêng biệt trong các tháng tiếp theo.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Indonesia Heru Pambugi, ba công ty nhập khẩu các container rác thải của Australia “bị phát hiện có chất thải nhựa nhập khẩu trộn với rác và chất thải B3". Một trong số đó, thậm chí, không có giấy phép nhập khẩu. Các công ty này sẽ phải chịu trách nhiệm gửi lại toàn bộ 100 container rác thải nói trên cho phía Australia.

Ông Pambugi cũng cho biết quyết định gửi trả số container rác thải nhựa tái chế bị ô nhiễm cho phía Australia được thực hiện theo chỉ thị của Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Quyết định này đã khẳng định sự nhất quán của Chính phủ Indonesia về việc nhập khẩu chất thải nhựa.

Trước đó, Indonesia đã có kế hoạch trả lại các container chất thải nhựa bị ô nhiễm cho nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm Mỹ, Tây Ban Nha, Anh, Đức, Pháp, Hy Lạp, Hà Lan, Slovenia, New Zealand và Trung Quốc.

Về phía Australia, trong tháng Bảy, truyền thông địa phương Australia tiết lộ chính quyền Indonesia đã gửi trả Australia 8 container rác thải nhựa thu giữ ở thành phố Surabaya và một container khác ở thành phố cảng Batam.

Sau đó 1 tháng, chính phủ của Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng ra tuyên bố sẽ không xuất khẩu rác thải nhựa, giấy và thủy tinh sang các quốc gia khác, nơi chúng có nguy cơ sẽ bị thả trôi trong đại dương./.

Xem thêm:

>>Đức lên kế hoạch cấm túi nilon dùng một lần từ năm 2020

>>Malaysia truy tìm nguồn gốc của gần 200 container chứa rác thải nhựa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục