IMF: Kinh tế Trung Đông bị tác động tiêu cực bởi lệnh trừng phạt Iran

17:39' - 29/04/2019
BNEWS Theo IMF, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran là một trong yếu tố tác động tiêu cực khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực Trung Đông chậm lại.
Toàn cảnh cơ sở lọc dầu Lavan của Iran ở đảo Lavan thuộc Vịnh Persian. Ảnh: AFP/TTXVN 

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran, tình trạng bất ổn gia tăng tại Trung Đông và Bắc Phi, cùng với biến động dầu mỏ trên thị trường thế giới đang kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực vốn nhiều bạo lực này chậm lại.

Trong báo cáo về triển vọng kinh tế giữa năm công bố ngày 29/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo triển vọng khu vực u ám là do tình trạng bất ổn gia tăng.

IMF nhấn mạnh: "Những bất ổn như vậy có thể làm gia tăng cảm giác lo sợ của các nhà đầu tư đối với toàn khu vực, tác động đến các nguồn vốn và áp lực tỷ giá hối đoái".

IMF dự báo kinh tế Iran, nền kinh tế lớn thứ hai khu vực sau Saudi Arabia, sẽ giảm 6% trong năm nay sau khi giảm 3,9% trong năm 2018.

Dự báo trên được đưa ra sau khi Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt với quốc gia Hồi giáo này, tiếp theo tuyên bố rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Iran ký với P5+1 năm 2015.

Giám đốc phụ trách khu vực Trung Á và Trung Đông của IMF, Jihad Azour cho biết dự báo đáng sợ này được đưa ra trước khi Mỹ tuyên bố thắt chặt các biện pháp nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran, có nghĩa là tổn thất kinh tế thậm chí còn tồi tệ hơn.

Theo ông Azour, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã khiến lạm phát tại Iran tăng lên mức 50%. Tăng trưởng kinh tế chung của khu vực cũng dự kiến vẫn giảm từ mức thấp 1,4% của năm 2018 xuống còn 1,3% trong năm nay.

Các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), được dự báo tăng nhẹ, từ 2% trong năm 2018, lên 2,1% trong năm 2019.

Ngoài ra, theo báo cáo của IMF, xung đột gia tăng, tham nhũng, tiến trình cải cách chậm chạp, nợ công cao và biến động trên thị trưởng dầu mỏ cũng là những yếu tố tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế tại khu vực rộng lớn này.

IMF khẳng định: "Những căng thẳng xã hội gia tăng trong bối cảnh tăng trưởng yếu đi, tiến trình cải cách trì trệ, đe dọa sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Chính vì vậy, theo IMF, cải cách trong khu vực càng trở nên cấp thiết hơn nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ cũng như tạo hàng triệu việc làm, đặc biệt đối với tầng lớp thanh niên"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục